"Cá mập" săn startup
Ông Phạm Thanh Hưng đang nổi lên như một nhà đầu tư cho hàng loạt dự án trẻ khởi nghiệp.
Xuất hiện nhiều trên truyền hình với vai trò “cá mập”, tìm kiếm những startup tiềm năng, ông Phạm Thanh Hưng tạo ấn tượng bởi những quyết định đầu tư sáng suốt của mình cũng như phát ngôn giúp giới trẻ định hướng kinh doanh. Ít ai biết, khởi điểm của Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị CEN Group là từ Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ông là một trong những kỹ sư cơ khí hiếm hoi làm kinh doanh và ghi dấu trong lĩnh vực đầu tư bất động sản. Với triết lý “Cần cù thôi chưa đủ, làm chủ phải tinh khôn”, Phạm Thanh Hưng được xem là một nhà điều hành thông thái bởi chính sách quản trị cực kỳ mềm mỏng. Theo ông Hưng, hành động nặng nhất thể hiện với nhân viên là không nói gì. Nhưng cũng nhờ chính sách này mà ông có thể “đắc nhân tâm”.
Những năm gần đây, Việt Nam trở thành điểm đến của hàng loạt quỹ đầu tư ngoại. Liên tiếp trên mặt báo là tin các startup trong nước nhận vốn hàng triệu USD như MoMo, Luxstay, Logivan... Theo thông tin từ Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, trong vòng 3 năm tới, 10.000 tỉ đồng sẽ được 18 quỹ đầu tư cam kết tiếp tục rót vào cộng đồng startup Việt Nam. Vì thế, những diễn đàn khởi nghiệp và các “cá mập” như ông Hưng càng được quan tâm hơn.
Là một nhà đầu tư từng chi cả triệu USD cho startup trẻ nhưng khi đối thoại với họ, ông thường khuyên: “Cứ làm thuê đi, học kinh nghiệm quản lý từ chủ doanh nghiệp trước đã”.
Người trẻ nên làm tại các công ty trong ngành mà họ dự định khởi nghiệp. Nếu chưa có ý định khởi nghiệp thì nên thử qua 2, 3 môi trường làm việc khác nhau. Mỗi môi trường nên làm từ 1-2 năm. Nghĩa là người trẻ nên dành 5-7 năm để làm thuê trước đã. Đó là thời gian đủ để người trẻ chín chắn và tích lũy đủ tiền bạc cũng như kiến thức cho bản thân.
Quan sát những người khởi nghiệp, tôi thấy phần lớn không tạo ra được đội, nhóm tốt, không biết cách động viên khuyến khích con người, không biết cách quản trị tài chính, lập kế hoạch, không biết cách làm hàng ngàn thứ mà ở trường đại học chưa dạy. Do đó, khởi nghiệp ngay khi tốt nghiệp sẽ rủi ro rất cao.
Các trường đào tạo về quản trị kinh doanh MBA thường yêu cầu 2 năm kinh nghiệm làm việc vì lẽ đó. Trong hành trình làm thuê, tôi chắc chắn các bạn trẻ sẽ học được tất cả những điều này, nhất là kinh nghiệm điều hành.
Khó gắn mình trong môi trường làm thuê, theo ông, có phải là lý do khiến nhân lực trẻ thường xuyên nhảy việc?
Các bạn trẻ nhảy việc khi thấy không phù hợp, ngay cả khi chưa có việc mới vì họ cho là tuổi trẻ rất ngắn. Thực tế cho thấy, cứ níu kéo lại công việc cũ sẽ đánh mất rất nhiều cơ hội phía trước. Khi chúng ta không thích công việc đang làm, tâm trạng sẽ mệt mỏi chán chường. Tôi ủng hộ sự quyết liệt của người trẻ. Không hứng thú với hiện tại thì nên nhảy việc, tìm một công việc khác phù hợp hơn.
Tuy nhiên, nhảy việc nhiều quá lại là chuyện khác. Nếu 25 tuổi mà đã chuyển 10 công việc thì hơi quá đáng. Đối với tôi, những ứng viên không qua thử việc 3 tháng ở một doanh nghiệp nghĩa là bị điểm trừ, nhưng trụ được 1-2 năm ở một doanh nghiệp là điểm cộng.
Điều mà phần lớn nhân viên đều than có lẽ là sếp khó tính, theo ông là vì sao?
Sếp khó tính mới là sếp tốt. Tôi là người sếp khó tính, vì tôi cầu toàn. Nhưng không khó tính theo kiểu nặng lời hay quát mắng nhân viên. Trong mười mấy năm ở Cengroup, chưa bao giờ tôi cáu gắt hay nặng lời với nhân viên. Hành động nặng nhất mà tôi từng thể hiện là không nói gì.
Tôi nghĩ các bạn trẻ nên đồng hành cùng một người sếp luôn đặt các bạn cao hơn khả năng của các bạn, luôn giao việc cao hơn khả năng. Khi làm việc với vị sếp đó các bạn cảm thấy đuối, cần phải cố gắng hơn thì đó là người sếp tốt. Nếu sếp giao việc đặt kỳ vọng thấp hơn thì rất chóng chán và không học được gì thêm.
Áp lực mới tạo động lực. Con người ta thích sự chinh phục, thách thức hơn là trải nghiệm an toàn. Nếu chạy với tốc độ dễ quá sẽ nhanh chóng dẫn đến cảm giác hết động lực.
Ông có làm việc với tốc độ cao hơn bản thân mình?
Doanh nghiệp cần giá trị của người lao động mang lại cho họ. Thậm chí, công ty của tôi còn đòi hỏi nhân lực ngoài sự phấn đấu, làm hết sức còn có sự hy sinh, cống hiến ở nhiều vị trí. Khi đòi hỏi người khác như thế thì bản thân mình cũng phải vượt qua được chuyện này. Từ khi làm kỹ sư cơ khí, phụ trách hệ thống chất lượng cho Toyota cho đến khi làm công tác điều hành, làm chiến lược, tôi đều đặt những mục tiêu cao hơn cho bản thân, dẫu biết đó là thách thức, là khó khăn. Bằng lòng với chính mình cũng nguy hiểm như việc có kẻ thù ngay bên cạnh.
Nhưng hình như người điều hành Cengroup ngoài việc kinh doanh đang gắn mình với sóng truyền hình nhiều hơn. Ông được lợi gì khi tham gia những dự án đó?
Bên cạnh Thương vụ bạc tỉ, tôi có nhận lời ngồi ghế nóng ở “Cơ hội cho ai - Whose Chance?”. Đây là chương trình truyền hình thực tế về việc làm đầu tiên ở Việt Nam. Tôi tham gia chương trình vì muốn góp phần tạo ra không gian cho các bạn trẻ trải nghiệm, học hỏi kỹ năng trả lời phỏng vấn xin việc, xử lý tình huống, tìm được việc làm tốt... Chương trình cũng là cơ hội cho những nhân sự có kinh nghiệm tìm kiếm vị trí quản lý phù hợp với năng lực chuyên môn thông qua việc thể hiện bản thân và thương lượng trực tiếp với sếp cấp cao của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn tại Việt Nam.
Còn việc xuất hiện ở đâu, ngoài đời hay sóng truyền hình, tôi nghĩ không quan trọng. Quan trọng là sự xuất hiện của mình mang đến giá trị gì. Những chương trình tôi tham gia cho phép tôi tiếp cận, lắng nghe người trẻ, đối tượng mà tôi rất trân trọng sẵn sàng đồng hành cùng với họ. Tôi nghĩ đó là lợi ích lớn nhất mình có được với những dự án ấy.
Nghĩa là người trẻ sẽ thành công hơn nếu biết học hỏi từ những người đi trước?
Tôi dám chắc chắn là nhìn người khác, học người khác không thể nào thành công. Bài học của người đi trước chỉ là kênh tham khảo. Chúng ta chỉ tạo được giá trị khi bước đi trên con đường riêng của mình. Cứ đi theo cách làm của người khác, chúng ta chỉ là những bản sao nhạt nhẽo.
Quý Yên
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư