Mạng xã hội: Cuộc chiến giành lại 60 triệu người dùng

Mạng xã hội: Cuộc chiến giành lại 60 triệu người dùng

Làn sóng internet thứ 3 có mang lại cơ hội cho các mạng xã hội Việt Nam giành lại người dùng trong nước?

Sau nhiều đồn đoán, mạng xã hội Made in Việt Nam Lotus cũng đã được VCCorp cho ra mắt. Lotus được kỳ vọng trở thành đối thủ của Facebook và lấy lại thị phần hơn 65 triệu người dùng tại Việt Nam, điều mà những mạng xã hội Việt Nam trước đây dù cố gắng nhưng chưa thể làm được.

Cuộc chơi tất tay của VCCorp

Sau khi giới thiệu về các định dạng đăng tải nội dung chuyên nghiệp giống như các mạng xã hội bình thường khác, VCCorp đã giới thiệu điều làm nên đặc trưng độc đáo của ứng dụng Lotus: đồng tiền token. Lotus định hướng tham vọng xây dựng mạng xã hội vận động như đời thực, với việc lấy token làm tiền. Mọi hành động trên mạng xã hội này đều được trả tiền token. Viết bài sẽ được tiền token, viết càng hay càng được nhiều token, các hành động giống như like, thả tim, chia sẻ cũng được token.

Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc của VCCorp, cho biết đến nay, dự án Lotus đã huy động được hơn 700 tỉ đồng và sẽ tiếp tục kêu gọi thêm 500 tỉ đồng trong giai đoạn đầu để sẵn sàng cho việc phát triển lâu dài với định hướng “nội dung là vua, thượng đế là người sử dụng”.

Mạng xã hội: Cuộc chiến giành lại 60 triệu người dùng

Dù có cả tham vọng và quyết tâm nhưng không thể không nhìn nhận thực tế là cuộc đấu giữa các mạng xã hội Việt Nam với Facebook được ví như đấu với người khổng lồ. Gần đây nhất, phiên bản Mạng Việt Nam (Go.vn) từng ra đời trên cả 3 nền tảng internet, viễn thông và truyền hình, nỗ lực sau 6 tháng sẽ soán ngôi Facebook nhưng cũng nhanh chóng biến mất. Hàng loạt mạng xã hội khác cũng đặt tham vọng trở dẫn đầu tại Việt Nam nhưng cuối cùng cũng im hơi lặng tiếng trước Facebook như Zing Me, Banbe.net, Tamtay.vn, Yume.vn... Tới nay, Facebook đã lên ngôi “bá chủ” khi nắm trong tay hơn 85% số người dùng mạng xã hội tại Việt Nam.

Ở góc độ thị trường, cuộc cạnh tranh với Facebook cũng tạo ra không gian kinh doanh cho các doanh nghiệp trực tuyến tại Việt Nam. Tuy nhiên, đây là một thách thức lớn với các mạng xã hội tiếp theo của người Việt nếu có ý định giành thị phần với những người khổng lồ như Facebook.

Theo số liệu dự đoán từ Công ty Nghiên cứu thị trường ANTS, năm 2018, mức độ chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam ước đạt 550 triệu USD, nhưng trong đó quảng cáo chi cho Facebook chiếm đến 235 triệu USD, còn cho Google chiếm 152,1 triệu USD. Trong khi đó, các doanh nghiệp/mạng quảng cáo trực tuyến trong nước như VCCorp, Admicro, VNExpress, Eclick, 24H, Zing, Adtima... chỉ chiếm khoảng 150 triệu USD. Như vậy chỉ riêng Google và Facebook đã chiếm đến 66,7% thị phần quảng cáo Việt Nam trong năm 2018.

Mạng xã hội: Cuộc chiến giành lại 60 triệu người dùng

Ra mắt mạng xã hội Lotus với số tiền đã huy động được là 700 tỉ đồng. Ảnh: vietanalytics.vn

Cũng theo dự đoán của ANTS, năm 2019 và 2020, doanh thu quảng cáo của Facebook và Google tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh, trong khi các doanh nghiệp trong nước cũng tăng trưởng nhưng rất ít và ngày càng lép vế so với 2 “ông lớn“ này. Chẳng hạn, năm 2019, doanh thu quảng cáo trực tuyến Việt Nam ước khoảng 648 triệu USD, trong đó Facebook chiếm 275 triệu USD, Google 174,9 triệu USD, các đơn vị trong nước chiếm chỉ 180,9 triệu USD.

Trước một thị trường lớn như vậy, dù khó khăn nhưng cuộc cạnh tranh với Facebook vẫn tạo ra sức hút đối với các sản phẩm công nghệ của Việt Nam. Mặc dù trước đó nhiều mạng xã hội phải đóng cửa nhưng mới đây, mạng xã hội Gapo dành cho giới trẻ vẫn ra mắt rầm rộ, đồng thời nhận được cam kết đầu tư 500 tỉ đồng từ G-Capital. Khoản đầu tư này dự kiến được sử dụng trong giai đoạn đầu với mục tiêu đạt 50 triệu người dùng. Sau gần 7 tuần ra mắt, Gapo công bố “sắp chạm mốc 2 triệu người dùng”. Ông Hà Trung Kiên, Tổng Giám đốc, đồng sáng lập mạng xã hội Gapo, chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng, những mạng xã hội nổi tiếng trên thế giới suy cho cùng vẫn là của thế giới, có những giới hạn nhất định về khả năng phục vụ người dùng bản địa. Chính vì vậy, Gapo vẫn tự tin thu hút người dùng trung thành nếu đi đúng theo chiến lược đề ra”.

Cũng như vậy, Lotus buộc phải giải bài toán tạo nên sự khác biệt trước Facebook và phần còn lại nếu muốn tồn tại. Ông Tân cho biết trên báo chí, đây là cuộc đánh cược của Công ty, vì khi mình làm ra sản phẩm Lotus này tự dưng đã nổi tiếng rồi, nếu thắng còn nổi tiếng gấp đôi, gấp ba, nhưng thua thì sẽ rất mất uy tín. Chưa kể là công sức của một lượng lớn nhân sự cao cấp, lượng tiền vốn đổ vào đây. Mạng xã hội Lotus là cuộc chơi tất cả các tay của VCCorp.

Hấp lực từ Token

Theo một số nghiên cứu về thị trường lao động, hiện nay, để tìm được việc làm thích hợp sau khi ra trường thì giới trẻ không còn quá quan trọng yếu tố lâu dài ổn định, mà họ đã thiên nhiều hơn về sáng tạo và thể hiện bản thân. Do vậy, nếu mức thu nhập tốt trên các nền tảng mạng xã hội sẽ khiến cho họ có nhiều lựa chọn và chú ý hơn. Xu hướng này thấy rõ khi YouTube bật tính năng kiếm tiền đã tạo nên làn sóng của các YouTuber phát triển nội dung tại Việt Nam, từ giới bình dân lao động cho đến các ngôi sao showbiz.

Đây được coi là yếu tố khiến Việt Nam nhanh chóng nằm trong nhóm 5 thị trường lớn nhất của nền tảng chia sẻ video cùng với Ấn Độ, Indonesia, Nhật và Thái Lan. Tăng trưởng của YouTube tại 5 quốc gia này đều đạt trên 2 chữ số mỗi năm, thậm chí lên đến 3 chữ số, theo đánh giá của ông Ajay Vidyasagar, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Google.

Mạng xã hội: Cuộc chiến giành lại 60 triệu người dùng

Dường như các mạng xã hội Việt Nam cũng theo đuổi chiến lược kiếm tiền cho người dùng để tạo sức hút mới. Theo giải thích từ ông Tân, bằng việc sáng tạo nội dung hay đơn giản chỉ là đọc, chia sẻ nội dung, người dùng sẽ nhận được token. Số token này được sinh ra tương ứng với số nội dung được chia sẻ trên Lotus (bản vị nội dung). Bằng số token nhận được, người dùng có thể sử dụng để tặng cho người khác hoặc đẩy bài viết đến rộng rãi trong cộng đồng hơn. Thuật toán ưu tiên những nội dung có nhiều token sẽ được lan truyền mạnh hơn trên top trending. Vì là mạng xã hội lấy nội dung làm trung tâm, do đó sẽ không chỉ đơn thuần là like và share, việc ủng hộ token sẽ lan truyền nội dung tích cực và chất lượng, để cổ vũ người khác tạo ra nhiều nội dung hay hơn nữa.

Không nằm ngoài xu thế phát triển của mạng xã hội, Facebook từ lâu cũng đã trả tiền cho những người sáng tạo nội dung bằng việc cho ra mắt hệ thống Facebook Gaming.Tuy nhiên, tiền trên Facebook không miễn phí. Để ủng hộ người sáng tạo nội dung, người dùng Facebook phải trả tiền để mua. Theo đó, để mua 95 sao, người dùng phải trả 45.000 đồng (1,99USD), 250 sao giá 109.000 đồng (4,99USD), 530 sao giá 219.000 đồng (9,99USD), hoặc 6.400 sao với giá hơn 2 triệu đồng (99,99USD) cùng với nhiều mức giá khác. Bảng giá sao này được Facebook áp dụng rộng rãi, không phân biệt khu vực địa lý. Thử chia trung bình sẽ thấy người dùng phải trả từ 0,016-0,021 USD cho mỗi sao. Facebook trả cho streamer 0,01USD mỗi sao nhận được từ người dùng, như vậy mạng xã hội này giữ lại khoảng 0,006-0,011 USD mỗi sao. Trung bình, Facebook giữ lại từ hơn 30-50% doanh thu của người tạo nội dung video (Gaming Video Creator).

Đây có thể chính là lợi thế cạnh tranh của Lotus khi đồng token trên mạng này hoàn toàn miễn phí. “Token như tài sản ảo và có thể chuyển sang nguồn tích cực. Người dùng sẽ sử dụng token như một công cụ cổ vũ nguồn nội dung tích cực hơn, từ đó tác động tích cực hơn đến môi trường mạng”, ông Tân nói. “Chúng tôi sẽ không bán token và không tạo ra kho hàng tỉ token để ai bỏ tiền ra mua. Chỉ khi có nội dung hay sinh ra thì token được sinh ra”, ông Tân chia sẻ với báo chí.

Lotus cũng sẽ xây dựng hệ sinh thái Token Economy như đổi token thành voucher, phiếu giảm giá hoặc các kịch bản khác như những trải nghiệm, thử thách, vượt qua sẽ được tặng quà. Ngoài ra, Lotus cũng sẽ phát triển thêm các công cụ cho doanh nghiệp tham gia, các hoạt động bán hàng marketing và họ có thể dùng token để mua quảng cáo.

Mạng xã hội: Cuộc chiến giành lại 60 triệu người dùng

Gapo ra mắt với cam kết đầu tư 500 tỉ đồng từ G-Capital. Ảnh: TL

Trả tiền cho người dùng đang là xu hướng mới và là đích tới của nhiều mạng xã hội. Tại Việt Nam, không chỉ riêng Lotus, rất nhiều mạng xã hội mới cũng đã nhìn ra còn đường này và đang dùng phương thức trả tiền cho những người sáng tạo bài viết. Gapo có hệ thống trả tiền cho những bài viết chất lượng và có lượng tương tác cao. Hay như mạng xã hội video Mocha với 12 triệu người dùng của Viettel. Chỉ cần có lượt xem, Mocha sẽ tính tiền cho tài khoản đó, được biết người dùng tải lên sẽ được trả khoảng 40 đồng/lượt xem, còn người xem sẽ được trả khoảng 10 đồng/lượt xem.
Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nói rằng đây là một cuộc cách mạng về công nghệ và mở ra cơ hội kiếm tiền cho những người bán hàng trực tuyến và cả những người kiếm tiền trực tuyến nhờ danh tiếng. Mọi thứ mới chỉ là một bản thử nghiệm và người dùng đang thử nghiệm dịch vụ.

Sen nở làm sao để không tàn?

Theo Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), Việt Nam đang có 436 mạng xã hội nội địa. Tuy nhiên, sự tồn tại của các mạng xã hội này rất mờ nhạt, hầu hết hoạt động theo dạng diễn đàn, không được ưa chuộng so với các mạng xã hội nước ngoài có nhiều ứng dụng nổi trội, cấu trúc phong phú, giao diện thu hút, khả năng tương tác và liên kết cộng đồng cao.

Đây cũng là thách thức rất lớn đối với các tên mới như Lotus, Mocha hay Gapo dù được đầu tư mạnh. Theo ông Tân, mốc đầu tiên mà Lotus phải đạt là có 4 triệu người dùng thường xuyên. Đây là cột mốc Lotus khá tự tin để thực hiện với hạ tầng kỹ thuật và những đặc tính nổi trội của mình. Mốc thứ 2 và thứ 3, Lotus lần lượt đặt ra mục tiêu đạt 20 triệu, 50 triệu người dùng.

Ông Nguyễn Phan Anh, giảng viên đại học, chuyên gia Marketing Online, CEO Công ty PA Marketing, nhận định: “Tin tốt là số lượt tải ứng dụng Lotus khá cao và có ngay một lượng cài đặt lớn trong thời gian ngắn. Nhưng điều này chưa nói lên được gì, vì hoàn toàn phụ thuộc vào tương tác của người dùng trên chính mạng xã hội Lotus đó. Nếu thấy có lợi cho họ, họ sẽ ở lại, nếu không có lợi, họ sẽ đi ra, hoặc thậm chí đóng tài khoản”.

Mạng xã hội: Cuộc chiến giành lại 60 triệu người dùng

Trước đây, tại Việt Nam, Viber có khoảng 4 triệu người dùng, nhưng do không tận dụng được lợi thế nên số lượng người dùng ứng dụng ứng dụng này tại Việt Nam hiện rất ít, do cạnh tranh giữa các ứng dụng dịch vụ OTT khác. “Mặc dù vậy, nếu mọi thứ nỗ lực cộng với sự may mắn thì chúng ta có thể có thêm nền tảng tốt để kết nối, giao thương và bán hàng”, ông Phan Anh cho biết.

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, doanh thu từ kênh quảng cáo kỹ thuật số dự kiến ở Việt Nam sẽ đạt 875 triệu USD trong năm nay, dự kiến sẽ tăng lên gần 1,7 tỉ USD vào năm 2023. Trong đó, quảng cáo trên mạng xã hội chiếm thị phần lớn nhất với tỉ trọng khoảng 85%. Thực tế, người dùng Việt Nam đang tương tác nhiều trên mạng xã hội và miếng bánh tỉ USD doanh thu từ quảng cáo trên mạng xã hội rất hấp dẫn, tiếp tục trở thành hấp lực thu hút sóng đầu tư vào mạng xã hội. Nếu chọn thị trường ngách thì các nhà phát triển mạng xã hội trong nước vẫn còn cơ hội. Nhiều thị trường trên thế giới vẫn tồn tại nhiều mạng xã hội cùng phát triển nhưng cần có ý tưởng mới và xác định đúng lợi thế cạnh tranh.

Tất nhiên, đầu tư mạng xã hội thành công không phải là chuyện dễ. Đó thực sự là cuộc chơi “đốt tiền” với tổng vốn đầu tư có thể lên đến hàng ngàn tỉ đồng trước khi gặt hái được kết quả. Nếu Lotus không có doanh thu thì số tiền 1.200 tỉ đồng đầu tư chỉ có thể duy trì được 2-3 năm. Chuyên gia Phan Anh cũng nhận xét: “Nhờ được truyền thông tốt nên Lotus được nhiều người biết đến và đã có những lượt tải ứng dụng và trải nghiệm dịch vụ. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là hình thức dùng thêm, dùng song song, còn việc chuyển dần qua mạng xã hội trong nước và bỏ mạng xã hội đang dùng (ví dụ như Facebook Zalo) thì trước mắt không có”.

Còn về dài hạn, nếu như Lotus hay Gapo chứng minh được lợi ích tốt, dịch vụ tốt, đem lại giá trị cho người dùng, giúp họ bán được hàng, kiếm được tiền (đây là bản chất lõi) thì họ sẽ gắn bó và sử dụng nhiều thời gian hơn cho những mạng xã hội này. Tất nhiên, hai mạng xã hội này còn phải giải quyết hàng loạt vấn đề đề về kỹ thuật, trải nghiệm người dùng, bảo mật, hệ sinh thái nội dung... Đây rõ ràng là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn cho các mạng xã hội mới tại Việt Nam. Vì vậy, ông Trần Anh Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MOG Việt Nam, cho rằng, khả năng mạng xã hội của Việt Nam cạnh tranh trực tiếp với Facebook rất khó, trừ khi Chính phủ có một số chính sách để phát triển những sản phẩm trong nước với ưu đãi riêng để tạo lợi thế cạnh tranh.

Bảo Trung
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư