Quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới: Hãy học kinh nghiệm từ quốc tế
Là một hình thức thương mại mới và có nhiều điểm khác biệt với thương mại truyền thống, thương mại điện tử xuyên biên giới đặt ra nhiều thách thức về mặt quản lý cho các quốc gia để vừa đảm bảo sự hội nhập với nền thương mại quốc tế, vừa đảm bảo hoạt động quản lý hiệu quả.
Hiểu một cách đơn giản, thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới là vượt khỏi phạm vi một quốc gia, mang tính liên kết toàn cầu. Theo đó, người tiêu dùng có thể đặt hàng từ khắp mọi nơi trên thế giới và thực hiện hoàn toàn trên nền tảng Internet, từ hoạt động tìm hiểu thông tin sản phẩm, đặt hàng, thanh toán.
Đối với hoạt động TMĐT xuyên biên giới, một trong những bài toán mà cơ quan quản lý gặp phải là việc kiểm soát hàng hóa, bao gồm kiểm soát chất lượng, nguồn gốc xuất xứ... Nguyên nhân chính là do các sản phẩm giao dịch có nguồn gốc đa dạng, giá trị sản phẩm nhỏ nên các hoạt động kiểm tra hàng hóa, kiểm tra chuyên ngành sẽ rất manh mún. Mặt khác, nhiều sản phẩm, thường là các sản phẩm có giá trị thấp, không có đẩy đủ các giấy tờ, chứng từ liên quan để chứng minh chất lượng, nguồn gốc, khiến hoạt động thông quan gặp khó khăn. TMĐT xuyên biên giới tạo ra sự đa dạng về hàng hóa, nhưng cũng chính sự đa dạng này khiến cơ quan quản lý không đủ nguồn lực để kiểm soát quá trình giao dịch.
Kinh nghiệm từ một số quốc gia trong khu vực
Để đối phó với những phát sinh đến từ TMĐT xuyên biên giới, tùy vào mục tiêu quản lý và quan điểm về hàng hóa, các quốc gia sẽ đưa ra các chính sách quản lý của riêng mình. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia vẫn điều chỉnh chính sách theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm: giảm thời gian lưu kho, kiểm tra đối với sản phẩm giao dịch TMĐT; giảm khối lượng hàng hóa phải kiểm tra; và đơn giản hóa quy trình giao dịch (quy trình đặt hàng, giao dịch, thanh toán...).
Trung Quốc là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT xuyên biên giới nhanh nhất thế giới (trung bình 30% năm) và được dự đoán trở thành thị trường TMĐT xuyên biên giới lớn nhất thế giới vào năm 2020 (China Internet Watch).
Theo đó, Trung Quốc đưa ra nhiều chính sách ưu đãi riêng dành cho TMĐT. Từ năm 2012, Chính phủ Trung Quốc chọn 13 thành phố thử nghiệm toàn diện TMĐT xuyên biên giới(1). Các chính sách của Trung Quốc cũng hướng đến việc giảm thời gian và khối lượng hàng hóa phải kiểm tra, bao gồm các quy định giúp giảm khối lượng hàng hóa cần kiểm tra; thành lập các cơ quan quản lý chất lượng riêng đối với hàng hóa giao dịch qua TMĐT xuyên biên giới, chính sách ưu đãi về việc kiểm tra chuyên ngành cũng được Trung Quốc áp dụng nhằm đơn giản hóa quá trình thông quan (thủ tục đơn giản, thời gian rút ngắn, một số sản phẩm không phải dán nhãn phụ).
Các chính sách của Hàn Quốc theo hướng giảm tối đa thời gian thông quan cho hàng hóa TMĐT, bao gồm hình thành trung tâm lưu thông hàng hóa chuyển phát nhanh với các thiết bị soi chiếu có tốc độ xử lý tối đa 30.000 đơn hàng/giờ.
Bên cạnh đó, các chính sách thuế ưu đãi cũng được áp dụng như miễn thuế cho các sản phẩm có mức đóng thuế dưới 50 nhân dân tệ, giảm thuế giá trị gia tăng cho hàng hóa giao dịch qua kênh TMĐT.
Về phương thức giao dịch, các trang web TMĐT bán hàng tại Trung Quốc đều có kết nối chia sẻ dữ liệu với cơ quan hải quan về thông tin đơn hàng, tình trạng thanh toán, việc vận chuyển hàng hóa theo thời gian thực khi khách hàng mua hàng hóa. Hàng hóa được xuất từ kho hàng tại nước ngoài và được vận chuyển đến khu vực riêng đối với hàng TMĐT được kiểm soát bởi cơ quan hải quan bằng dịch vụ chuyển phát nhanh. Sau khi hoàn tất thủ tục thông quan, giám sát kiểm định, hàng hóa được đưa đến tay khách hàng.
Tại Indonesia, để đơn giản hóa quá trình thông quan cho các sản phẩm giao dịch qua TMĐT, việc kiểm soát của hải quan đối với hàng hóa giao dịch qua TMĐT được thực hiện dựa trên giá trị của hàng hóa.
Đối với hàng hóa mua bán qua sàn giao dịch TMĐT trị giá dưới 1.500 đô la Mỹ, cơ quan hải quan tiếp nhận tờ khai hải quan từ các doanh nghiệp bưu chính, thực hiện thu thuế thông qua nền tảng điện tử Marketplace. Đối với hàng hóa giao dịch TMĐT gửi kho ngoại quan, không có định mức miễn thuế mà áp dụng mức thuế suất là 7,5% đối với hàng trị giá dưới 1.500 đô la và trên 1.500 đô la thì áp thuế MFN, đồng thời được chậm nộp thuế trong ba năm.
Còn Hàn Quốc, với đặc thù của hàng hóa qua giao dịch điện tử đa số là sản phẩm cá nhân và hàng hóa giá trị nhỏ, việc vận chuyển và thông quan hàng hóa thông thường sẽ thực hiện thông qua công ty chuyển phát nhanh, chiếm tỷ trọng 70% trên tổng số hàng hóa chuyển phát nhanh tại Hàn Quốc.
Các chính sách của Hàn Quốc theo hướng giảm tối đa thời gian thông quan cho hàng hóa TMĐT, bao gồm hình thành trung tâm lưu thông hàng hóa chuyển phát nhanh với các thiết bị soi chiếu có tốc độ xử lý tối đa 30.000 đơn hàng/giờ. Bên cạnh đó, Hàn Quốc hình thành Cục thông quan hàng chuyển phát nhanh thuộc Hải quan Incheon chuyên quản lý thông quan hàng chuyển phát nhanh. Hàn Quốc cũng áp dụng cơ chế cho phép miễn kiểm tra, miễn xác minh điều kiện những hàng hóa giao dịch điện tử có trị giá (giá trước thuế) dưới 2.000 đô la Mỹ.
Việt Nam có thể học gì?
Bản dự thảo nghị định mới của Bộ Tài chính soạn về quản lý hoạt động TMĐT qua biên giới trong lĩnh vực hải quan đã bắt đầu tiếp thu kinh nghiệm của một số nước trong khu vực, theo đó Việt Nam hướng đến việc xây dựng hệ thống quản lý hoạt động TMĐT nhằm kết nối các bên liên quan vào quá trình xử lý giao dịch, nhằm đẩy nhanh tiến độ giao dịch.
Bên cạnh đó, biện pháp giúp giảm khối lượng sản phẩm phải kiểm tra cũng được đề xuất. Tuy nhiên, đề án mới chỉ tập trung được vào vấn đề liên quan đến việc thông quan hàng hóa phục vụ cho hoạt động quản lý trước mắt, trong khi chưa có giải pháp thúc đẩy hoạt động TMĐT từ phía các doanh nghiệp. Các vấn đề liên quan đến hoạt động thanh toán cũng chưa được làm rõ, trong khi đây đang là một trong số các vấn đề lớn đang gây cản trở cho hoạt động TMĐT.
Với tốc độ phát triển nhanh chóng của TMĐT xuyên biên giới như hiện nay thì nghị định này sẽ cần có thêm những định hướng và giải pháp mang tính đột phá để giúp nền TMĐT Việt Nam nhanh chóng bước ra sân chơi lớn.
(1) Các địa phương thí điểm bao gồm: Hàng Châu, Thiên Tân, Thượng Hải, Trùng Khánh, An Huy, Trịnh Châu, Quảng Châu, Thành Đô, Đại Liên, Ninh Ba, Thanh Đảo, Thâm Quyến và Tô Châu.
Thế kẹt của sàn giao dịch thương mại điện tử
Đối với các sàn giao dịch TMĐT tại Việt Nam, việc thanh toán khi nhận hàng đang gặp phải khó khăn trong việc mua ngoại tệ, thanh toán tiền hàng cho người bán hàng tại nước ngoài. Theo quy định tại Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 và Nghị định số 70/2014/NĐ-CP, sàn giao dịch TMĐT cần xuất trình nhiều loại giấy tờ mới được mua ngoại tệ chuyển ra nước ngoài như hợp đồng ngoại thương, xác nhận đã nhận hàng của người tiêu dùng, giấy ủy quyền của người tiêu dùng... Đặc điểm của TMĐT là giá sản phẩm giao dịch thường thấp (khoảng 80% trị giá dưới 30 đô la Mỹ), số lượng các giao dịch thì nhiều, vì vậy việc chuẩn bị hồ sơ như trên là không thể thực hiện được trong thực tế, chưa kể đến chi phí cho một điện chuyển tiền gần 20 đô la Mỹ.
Trịnh Hoàng - Lê Dung
Nguồn The Saigon Times