Cuộc đua thị trường đặt phòng trực tuyến
Không chỉ đưa khách sạn lên trang đặt phòng trực tuyến, các thương hiệu đặt phòng mới còn đứng ra trực tiếp quản lý, kinh doanh các khách sạn này.
Cuộc đối đầu trong ngành khách sạn
Chủ một số khách sạn tư nhân tại Hà Nội và TPHCM cho biết trước đây mỗi tháng khách sạn đạt doanh thu khoảng 60-80 triệu đồng. Khi hai nền tảng công nghệ đặt phòng trực tuyến RedDoorz và OYO đề nghị hợp tác thì họ cam kết trả cho các chủ khách sạn gấp rưỡi con số này mỗi tháng. Lúc này, các chủ khách sạn chỉ tham gia quản lý và vận hành (quản lý nhân viên và các dịch vụ phòng), còn RedDoorz và OYO sẽ tham gia vào toàn bộ hoạt động kinh doanh với các phần việc như: bán phòng trên hệ thống website hoặc phần mềm di động, hỗ trợ đào tạo nhân viên, thậm chí nâng cấp dịch vụ khách sạn theo tiêu chuẩn của họ.
Nếu trước đây các khách sạn thường cho thuê phòng với giá khoảng 600.000-800.000 đồng mỗi ngày, thì giờ đây giá phòng do RedDoorz và OYO quyết định. Vào thời điểm ít khách, giá thuê có khi chỉ còn hơn 200.000 đồng/đêm.
Tóm lại, các chủ khách sạn không cần phải quan tâm đến hoạt động kinh doanh vì đã ký hợp đồng bán buôn phòng trọn gói cho RedDoorz và OYO, mà chỉ phải quản lý vận hành khách sạn của mình đúng theo tiêu chuẩn của các thương hiệu này đề ra. Tuy nhiên, bảng tên của khách sạn sẽ có sự thay đổi, không chỉ có tên của khách sạn mà còn có thêm thương hiệu RedDoorz hoặc OYO. Với một số nơi mà chủ khách sạn đồng ý thì khách sạn sẽ chỉ gắn tên của hai thương hiệu này.
RedDoorz là nền tảng công nghệ quản lý và đặt phòng khách sạn của Singapore. Sau bốn năm có mặt tại quốc gia này và Indonesia, Philippines, thương hiệu này đang đẩy mạnh khai thác thị trường Việt Nam. Đây là nền tảng công nghệ quản lý và đặt phòng, kết nối giữa khách thuê và chủ khách sạn phân khúc tầm trung và thấp. RedDoorz cho biết đã kết nối được với 1.200 khách sạn tại bốn nước nêu trên và số lượng khách hàng ngày càng tăng do đáp ứng được xu hướng tự đi du lịch tiết kiệm.
RedDoorz nhận định Việt Nam là thị trường nhiều cơ hội với công ty này vì hiện có khoảng 85 triệu khách du lịch nội địa, sử dụng gần 23% ngân sách cho dịch vụ lưu trú và khoảng 18 triệu khách nước ngoài dành 33% ngân sách cho dịch vụ lưu trú tại Việt Nam. Thị trường khách sạn Việt Nam dự kiến sẽ tăng 13,2% trong năm nay, đạt doanh thu lên 566 triệu đô la Mỹ.
Thị trường khách sạn Việt Nam dự kiến sẽ tăng 13,2% trong năm nay, đạt doanh thu lên 566 triệu đô la Mỹ.
“Hiện nay RedDoorz đã kết nối được với hơn 100 khách sạn tại Việt Nam tại sáu thành phố gồm TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Nha Trang và Đà Lạt. Chúng tôi muốn tăng lượng khách sạn kết nối vào hệ thống lên gấp vài lần từ nay đến cuối năm”, ông Rishabh Singhi, Giám đốc điều hành của RedDoorz, nói.
Các khách sạn khi hợp tác với RedDoorz sẽ được hưởng doanh thu khoảng 80% (tùy khách sạn). RedDoorz sẽ là kênh bán hàng độc quyền và có cam kết về mức doanh thu tối thiểu với các khách sạn này. Hiện giá thuê phòng qua RedDoorz tại Việt Nam thấp nhất từ 249.000 đồng/đêm. Tỷ lệ lấp đầy đạt 75%.
RedDoorz cũng vừa gọi vốn thành công 70 triệu đô la Mỹ. Đơn vị này cho biết sẽ dùng một phần lớn trong khoản tiền vừa gọi để mở trung tâm công nghệ và phát triển thị trường Việt Nam.
Đối trọng với RedDoorz, OYO là doanh nghiệp từ Ấn Độ có mô hình kinh doanh tương tự cũng đã có mặt tại Việt Nam. Hiện OYO quản lý hơn 23.000 khách sạn và 46.000 nhà nghỉ tại 80 quốc gia, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Philippines, các nước ở khu vực Trung Đông và châu Âu…
Tại Việt Nam, OYO cho biết đã kết nối với hơn 90 khách sạn tại sáu thành phố, đồng thời cam kết sẽ đầu tư hơn 50 triệu đô la Mỹ để thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Đơn vị này dự kiến tới cuối năm sau sẽ mở rộng quy mô ra 10 thành phố của Việt Nam với hơn 20.000 phòng độc quyền.
Ông Anil Goel, Giám đốc sản phẩm và công nghệ toàn cầu của OYO, kỳ vọng Việt Nam sẽ có 103 triệu khách du lịch cả trong và ngoài nước vào năm nay. Đây là cơ hội tốt để OYO xây dụng một hệ sinh thái khách sạn.
Doanh nghiệp trong nước “đốt nóng” cuộc đua
RedDoorz, OYO là hai mô hình kinh doanh khác hẳn so với các website đặt phòng trực tuyến như Chudu24, Booking hay Agoda… vẫn làm vài năm nay. Các website này chỉ xây dựng nền tảng để kết nối chủ khách sạn và người có nhu cầu thuê phòng với nhau; và đóng vai trò như một đại lý bán phòng, được hưởng hoa hồng theo tỷ lệ phần trăm doanh thu theo thỏa thuận. Các đơn vị này không can thiệp vào chất lượng hay giá bán của khách sạn.
Do đó RedDoorz và OYO là những mô hình kinh doanh mới và khác biệt, được dự báo sẽ tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt ở phân khúc khách sạn bình dân 2-3 sao trong thời gian tới. Học theo những mô hình kinh doanh mới của RedDoorz và OYO, dự án khởi nghiệp Mandala Inn tại Việt Nam đã được hình thành. Mới đây, quỹ đầu tư khởi nghiệp Apec Capital cho biết đã đầu tư gần một triệu đô la Mỹ cho dự án Mandala Inn để xây dựng chuỗi khách sạn nhượng quyền hoạt động tương tự như RedDoorz và OYO. Mandala Inn đang tham vọng kết nối với 600 cơ sở lưu trú trên toàn Việt Nam trong một năm tới.
Mandala Inn đang tham vọng kết nối với 600 cơ sở lưu trú trên toàn Việt Nam trong một năm tới.
Nói về cơ sở cho kế hoạch trên, Mandala Inn cho biết Việt Nam hiện có hơn 30.000 cơ sở lưu trú 2-3 sao với gần 600.000 phòng. Tuy nhiên, các cơ sở này chưa đồng đều về chất lượng lưu trú, năng lực kém, cơ sở vật chất, quy trình nghiệp vụ khách sạn chưa đảm bảo. Từ đó Mandala Inn ra đời với ý tưởng sẽ xây dựng một chuỗi nhượng quyền khách sạn với các cam kết về tiêu chuẩn chung đảm bảo cho toàn chuỗi.
Ví dụ với những tiêu chí ban đầu, Mandala Inn tập trung vào nâng tiêu chuẩn lưu trú, đảm bảo chăn gối, khăn trải giường, khăn tắm sạch, kết nối mạng nhanh và nước uống miễn phí cho mỗi phòng.
Ông Phạm Duy Hưng, Phó tổng giám đốc tập đoàn Apec (đơn vị sở hữu quỹ Apec Capital), cho rằng với tiềm năng khai thác một thị trường hấp dẫn chưa được quan tâm tới, Mandala Inn sẽ thành công với mục tiêu cung cấp dịch vụ chất lượng phù hợp với giá cả phải chăng.
Vân Ly
Nguồn The Saigon Times