6 năm Facebook chật vật tìm chỗ đứng trong mảng phần cứng
Thất bại phần cứng đầu tiên của Facebook xuất hiện vào năm 2013.
Theo CNBC, khi đó, công ty hợp tác với HTC để làm HTC First, điện thoại thông minh có giao diện theo hơi hướng Facebook song sản phẩm này không hề được lòng người tiêu dùng. Nó nhanh chóng bị hạ giá xuống chỉ còn 0,99 USD. Từ năm 2013 đến nay, không nhiều điều về mảng phần cứng của Facebook thay đổi.
Giữa tuần này, Facebook công bố mẫu mới nhất trong dòng loa thông minh cho phép gọi video Portal. Công ty còn thông báo đang hợp tác với nhà sản xuất kính mát Ray-Ban, hãng Luxcottica, để phát triển kính thông minh thực tế tăng cường (AR). Sáu năm qua, Facebook thử tung sản phẩm phần cứng mà người dùng muốn nhiều lần nhưng chưa từng thành công.
Năm 2014, Facebook mua Oculus VR với giá 2 tỷ USD, CEO Facebook Mark Zuckerberg và giám đốc tài chính Mike Schroepfer là nhà tài trợ chính cho thỏa thuận này. Tại thời điểm thương vụ diễn ra, Zuckerberg cho hay Facebook có tham vọng xây dựng nền tảng tiêu dùng tuyệt vời kế tiếp. "Lúc này, chúng tôi cảm thấy mình đang ở vị trí mà có thể bắt đầu vào các nền tảng kế tiếp, tạo điều kiện cho trải nghiệm cá nhân hữu ích, mang tính giải trí hơn nữa. Tương lai đang đến và chúng ta có cơ hội để cùng nhau xây dựng nó", Zuckerberg nói.
Từ khi Zuckerberg tuyên bố như trên, Facebook tung một số bộ kính thực tế ảo (VR). Không bộ nào thành công và chiếc làm tốt nhất có lẽ là Gear VR, bộ kính VR do Samsung sản xuất, thường được tặng kèm cho người tậu các dòng smartphone phổ biến nhất của Samsung. Năm 2016, Facebook đưa Regina Dugan, cựu giám đốc cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) về để tạo phòng thí nghiệm tập trung vào phần cứng gọi là Building 8.
Dù vậy, bộ phận trên bị hủy và tổ chức lại trong vòng chưa đầy hai năm. Đóng góp duy nhất của bộ phận vào công cuộc chinh phục mảng phần cứng của Facebook là các thiết bị Portal. Hiện chưa rõ các sản phẩm Portal mới sẽ có giá ra sao nhưng thế hệ đầu tiên được phát hành vào năm 2018 chỉ xuất xưởng có 54.000 chiếc, theo IDC.
Tại Redmond, Washington, Facebook nghiên cứu kính AR từ năm 2016. Song sau khá nhiều năm, hãng vẫn chưa đi đến sản phẩm nào vì gặp khó trong việc giảm kích thước kính thông minh xuống hình thức mà người tiêu dùng có thể thích. Đây là lý do mà Facebook hợp tác với Luxottica, theo nhiều nguồn tin, song hai bên không kỳ vọng tung sản phẩm trước năm 2023.
Dù Facebook thất bại trong việc xâm nhập mảng phần cứng, một số hãng phần mềm đồng môn của công ty có ít nhiều thành công. Đáng chú ý nhất là Amazon. Hãng có vị trí trong phòng khách của người tiêu dùng với dòng loa Echo và nhiều thiết bị phát trực tuyến Fire TV. Google thì có loa thông minh Google Home và đang bán thế hệ thứ ba của smartphone Google Pixel nổi tiếng.
Bước vào mảng phần cứng từ lâu là ưu tiên hàng đầu của CEO Zuckerberg. Tỷ phú công nghệ rất thích ý tưởng Facebook là tiện ích cho người dùng của mình, một nhân viên từng công tác tại Building 8 cho hay. Bằng cách khẳng định mình là hãng tiện ích, Zuckerberg kỳ vọng người dùng không thể bỏ Facebook và nhiều ứng dụng, dịch vụ vì nó đem lại quá nhiều giá trị cơ bản.
Facebook đã và đang nỗ lực đi theo hướng này với nhiều cách khác nhau. Dịch vụ của hãng như một cuốn sổ địa chỉ, lịch sự kiện, album ảnh và dịch vụ nhắn tin. Mạng xã hội đóng vai trò rất lớn trong cuộc sống trực tuyến của người dùng, song Facebook chưa từng có thiết bị phần cứng đủ mạnh để người dùng sử dụng, truy cập vào cuộc sống số của họ.
Thời smartphone vừa ra đời, Facebook chỉ mới là startup chớm nở. Zuckerberg cược lớn vào VR năm 2014, song Facebook dường như đến với bữa tiệc thiết bị VR sớm ít nhất 10 năm. Trong khi đó, hãng lại đến với bữa tiệc loa thông minh và nhà thông minh trễ vài năm, trượt sau Amazon và Google. Kính thông minh giờ đây là hi vọng cuối cùng của Facebook để tìm chỗ đứng trong mảng phần cứng.
Thu Thảo
Nguồn BizLive