Thay đổi du lịch từ công nghệ dữ liệu
Nhiều startup ngoài ngành đang tham gia vào ngành du lịch, tuy chưa đa dạng hóa được các sản phẩm trong ngành nhưng họ đang xây dựng nên nguồn dữ liệu lớn để phục vụ vào các cải tiến trong du lịch.
Tại Diễn đàn khởi nghiệp du lịch chiều 4-9, nhiều ý kiến cho thấy rằng ngành du lịch đang cần nguồn dữ liệu, thông tin để cải tiến những dịch vụ đang đi vào lối mòn.
Theo ông Jason Lusk, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Clickable Việt Nam, nhiều công ty du lịch trong nước vẫn đang bị động trong việc làm mới các sản phẩm du lịch của mình. Họ vẫn còn dùng cách truyền thống là thu thập dữ liệu từ nguồn khách đến Việt Nam và tiếp thị cũng vẫn dùng cách cũ để tiếp cận khách hàng.
Tuy nhiên, các công ty du lịch còn có thể dùng dữ liệu từ các ứng dụng kết nối du lịch để thiết kế sản phẩm trước khi khách du lịch tới. Từ những thói quen tìm kiếm, thông tin phản hồi trên trên các nền tảng thông tin du lịch đều là những dữ liệu cho các công ty chỉnh sửa sản phẩm của mình phù hợp với thị hiếu của từng loại thị trường.
Nền tảng dùng để quét mã phản hồi nhanh của Komorebi sẽ cho ra dữ liệu địa điểm. Ảnh: Mỹ Huyền
Đây sẽ là cơ hội cho các startup muốn tiếp cận ngành du lịch bằng các nền tảng công nghệ thu thập dữ liệu của họ. Lấy ví dụ một ứng dụng di động kết nối hai công ty và khách hàng của họ sẽ xây dựng được một lượng dữ liệu lớn từ thói quen của khách du lịch đến khoanh vùng khách hàng du lịch để phục vụ cho việc cải tiến ngành du lịch.
Ông Eytan Schmal, CEO của startup Komorebi cho hay công ty cũng nhắm vào lợi thế thu thập dữ liệu của công ty công nghệ để vào thị trường du lịch. Komorebi đã từng thành công khi đưa mã phản hồi nhanh (QR code) vào các ngành sản xuất hàng hóa, ấn phẩm văn học và âm nhạc.
Hiện nay, Kommorebi đang trong quá trình đàm phán cùng các cơ quan chức năng để đưa công nghệ QR code vào giới thiệu các địa điểm tham quan trong thành phố. Khách du lịch chỉ cần quét mã bằng điện thoại tại địa điểm để xem thông tin giới thiệu với nhiều tính năng chỉ đường, chỉ dẫn và kết nối với các địa điểm tương tự. Với đầy đủ lịch sử hình thành của một địa điểm, các hình ảnh minh họa, người dùng đi du lịch có thể bình luận, gợi ý cho người đến sau.
Komorebi còn nhiều tính năng khác nhưng dữ liệu mà nền tảng này mang quan trọng hơn nhiều. Số lần người dùng tìm hiểu và đến thăm một địa điểm sẽ là dữ liệu phân tích cho các công ty du lịch hiểu được sở thích của thị trường. Từ đó, có thể xây dựng chiến lược bán hàng cho mình.
Trong dịp này, Kay Woo, nhà sáng lập của nền tảng gọi xe MVL cũng tiết lộ kế hoạch liên kết cùng với các dịch vụ cư trú để cung cấp dịch vụ đưa đón khách du lịch. Bằng việc hợp tác này, các đối tác sẽ chia sẻ số lượng người dùng tại nền tảng của từng đối tác từ đó mở rộng cho mình. Riêng ở Việt Nam, nền tảng MVL đã có hơn 6.000 tài xế. Tuy nhiên, việc chia sẻ số lượng người dùng không chỉ nằm tại thị trường Việt Nam mà còn vương ra các nước Đông Nam Á nơi nền tảng MVL có mặt.
Cũng từ dữ liệu thu thập được mà Luxstay, một startup chuyên kết nối chỗ ở và người dùng, đã đưa ra các chiến lược thu hút khách du lịch cho các đối tác của mình.
Đà Lạt là một địa điểm du lịch đẹp, nhưng chủ của các homestay có lợi thế địa điểm rất tốt lại chưa biết cách khai thác lợi thế của mình để cách thu hút khách du lịch đến ở. Từ các dữ liệu người dùng trên ứng dụng của mình, Luxstay đang cùng các chủ nhà khai thác lợi thế của hai bên, dữ liệu và địa điểm.
Luxstay đang làm việc với nhiều homestay đang cùng hợp tác tại Đà Lạt để xây dựng lại hình ảnh và thương hiệu để thu hút khách du lịch hơn. Các hỗ trợ bao gồm đào tạo về cách thiết kế tạo hình cho nơi ở, xây dựng văn hóa riêng cho các homestay và cách quảng bá hình ảnh của họ cho hợp với thị hiếu mà Luxstay đã phân tích được từ dữ liệu của mình. Hiện nay, Luxstay đang lên phương án mở rộng khu vực hỗ trợ làm thương hiệu cho một số địa phương khác.
Theo Jason, ngành du lịch là có biên lợi nhuận thấp nên các công ty trong ngành không đổ nhiều tiền đầu tư và nghiên cứu công nghệ để kinh doanh. Do đó, ngành phụ thuộc nhiều vào các công ty công nghệ ngoài ngành, đặc biệt là các startup để phát triển theo xu hướng mới. Đó là phát triển du lịch từ thị hiếu người du lịch từ các cơ sở dữ liệu.
Ngoài ra, ông còn khuyến khích ngành du lịch trong nước nên chào đón nhiều startup ngoại vào để tạo nên sự cạnh tranh. Qua đó, các startup Việt sẽ cần phải tăng nội lực cạnh tranh để thúc đẩy ngành du lịch đi lên.
Mỹ Huyền
Nguồn The Saigon Times