Facebook bắt tay Microsoft tổ chức cuộc thi phát hiện deepfake
Deepfake (công nghệ sản xuất, chỉnh sửa ảnh hoặc video dựa trên trí tuệ nhân tạo với các nội dung không đúng thực tế) làm dấy lên mối lo ngại về vấn nạn thao túng các video để truyền bá thông tin sai lệch. Facebook sẽ trao khoản tiền lên đến 10 triệu đô la cho bất kỳ cá nhân hoặc nhóm nào có thể xây dựng công cụ phát hiện công nghệ này.
Đây là dự án do Facebook khởi xướng, hợp tác với Công ty Microsoft, Partnership on AI và một số học giả đến từ các trường đại học như Cornell Tech, MIT, Oxford, UC Berkeley... nhằm phát hiện và xử lý các video deepfakes, được mệnh danh là "bóng ma mới của thế giới Internet".
“Gã khổng lồ” công nghệ đã mạnh tay chi 10 triệu đô la cho cuộc thi Deepfake Detection Challenge (DFDC) (tạm dịch là Thử thách phát hiện deepfake). Số tiền sẽ được trao dưới hình thức tài trợ cho các trường đại học, các giải thưởng, hội thảo..., hướng đến phát triển bộ dữ liệu trong tương lai.
Thuộc một phần của dự án, Facebook ủy quyền cho các nhà nghiên cứu tạo ra video deepfake để làm dữ liệu cho cuộc thi. Công ty cho biết những video này sẽ ra mắt vào tháng 12 với sự góp mặt của các diễn viên được trả phí và không sử dụng bất kỳ dữ liệu nào của người dùng Facebook.
Trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11-2020, các nền tảng mạng xã hội đang đứng trước áp lực phải giải quyết mối đe dọa từ deepfakes. Một vài đối tượng sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo tạo ra các video siêu thực, trong đó khuôn mặt của một người được gán vào người khác và có những lời nói hay hành động mà họ chưa từng làm trước đó với độ chân thật gần như tuyệt đối.
Vào tháng 7, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Adam Schiff đã yêu cầu Facebook, Twitter và Alphabet, Google, công ty sở hữu YouTube lên kế hoạch giải quyết các vấn đề này.
Hồi tháng 8, Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ Mỹ đã chứng minh hiểm họa này bằng cách tạo ra một video về Chủ tịch Tom Perez, khiến khán giả tại Hội nghị tin tặc Defcon nghĩ rằng Tom Perez đang tham gia hội nghị.
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đã tạo ra một cuộc đua giữa những người tạo ra deepfake và những người cố gắng phát hiện deepfakes. “Thử thách phát hiện deepfake” không phải là nỗ lực đầu tiên của Facebook trong cuộc chiến đầy cam go này. Công ty cho biết họ đang chi 7,5 triệu đô la cho các nhóm chuyên gia tại Đại học California, Berkeley, Đại học Maryland và Đại học Cornell trong một dự án khác cũng liên quan đến deepfake. Một trong những nhóm này do Giáo sư Hany Farid của Đại học UC Berkeley đứng đầu, đang xây dựng các “mô hình sinh trắc mềm” để phác họa nét mặt của các chính trị gia, từ lông mày cho đến từng cử chỉ.
“Thử thách phát hiện Deepfake” sẽ bắt đầu vào tháng 10 và kéo dài đến tháng 5-2020 trên toàn cầu.
Ngọc Mai (Theo Reuters)
Nguồn The Saigon Times