Airbnb, Agoda, Booking dần lấy thị phần khách sạn bình dân

Airbnb, Agoda, Booking dần lấy thị phần khách sạn bình dân

Trong khi Booking hay Agoda đang cho phép nhiều người dùng tiếp cận với các khách sạn hơn thì Airbnb đã hoàn toàn thay đổi cuộc chơi và chiếm được thị phần.

Theo Hiệp hội du lịch Châu Á - Thái Bình Dương PATA, dự báo lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam năm 2023 là 30 triệu lượt với tốc độ gia tăng trung bình hàng năm từ 2018 đến 2023 là 14%/năm.

PATA cũng cho biết nhóm khách du lịch tự túc đang gia tăng mạnh trong những năm qua, làm thay đổi những mô hình kinh doanh du lịch truyền thống.

Du lịch tự túc lên ngôi

Nghiên cứu từ TrekkSoft ghi nhận tính đến tháng 01/2018, “solo travel” và “travel alone” (du lịch tự túc) trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google với lượt tìm kiếm tăng đến 600%.

Du lịch tự túc được hiểu là xu hướng du khách thực hiện chuyến du lịch đi một mình đến những nơi khác nhau, tự quyết định về chuyến đi, các dịch vụ cũng như trải nghiệm tại các địa điểm du lịch.

Airbnb, Agoda, Booking dần lấy thị phần khách sạn bình dân

Du khách ngày nay có thể dễ dàng tự đặt vé máy bay, đặt phòng, tour địa phương thông qua các ứng dụng online với mức giá tiết kiệm mà không cần đến công ty lữ hành. Ảnh: Duy Hiệu.

Theo PATA đánh giá, xu hướng này phát triển là nhờ sự thúc đẩy của tầng lớp trung lưu đang gia tăng ở châu Á, phương tiện kết nối dễ dàng - tiêu biểu là các hãng hàng không giá trẻ, công ty dịch vụ lữ hành trực tuyến và sự ra đời của nhiều nền tảng công nghệ.

Nhóm khách du lịch tự túc là những người am hiểu về công nghệ và cũng độc lập hơn so với thế hệ trước. Những ưu tiên hàng đầu của nhóm khách này yếu tố an toàn, bảo mật, vệ sinh và khả năng truy cập Wi-Fi/Internet. Ngoài ra, họ cũng thường sử dụng các dịch vụ thuận tiện và có chi phí thấp nhằm tiết kiệm ngân sách.

Sự bùng nổ của các nền tảng công nghệ mới

Xu hướng du lịch tự túc đã tạo ra động lực cho sự ra đời của các nền tảng dịch vụ công nghệ. Klook, nền tảng đặt dịch vụ ở các điểm đến du lịch với tổng số vốn đã gọi lên đến 300 triệu USD, chỉ riêng tại thị trường châu Á số lượng khách du lịch cá nhân đã tăng trên nền tảng của họ từ 31% lên 38% vào năm 2018.

Thống kê của TripAdvisor mới đây cũng cho thấy trong tháng 6/2019, số lượng người sử dụng các nền tảng đặt phòng lớn như Booking.com là 203 triệu lượt, Airbnb là 77 triệu lượt và Agoda là 16,6 triệu lượt.

Airbnb, Agoda, Booking dần lấy thị phần khách sạn bình dân

Những nền tảng công nghệ như Booking, Agoda, Airbnb hiện nay là kênh chính để du khách đặt phòng khách sạn tại các địa điểm du lịch. Ảnh: Quỳnh Trang.

Theo báo cáo của Travelport Digital, một nền tảng tương tác di động dành cho các thương hiệu du lịch, 35% tổng số người dùng đã tải ứng dụng về máy điện thoại để tìm kiếm các chuyến bay/khách sạn, 27% tải ứng dụng về máy để đặt các chuyến bay/khách sạn, và 19% bật thông báo từ các ứng dụng du lịch để nhận tin tức.

Nhiều start-up nước ngoài như RedDoorz hay OYO đã mở rộng và khai thác cơ hội tại Việt Nam, trong khi một số start up Việt hiện trong lĩnh vực này như Luxstay, Vntrip, Ivivu, Vietnambooking đang nhận được rất nhiều sự ủng hộ.

Khách sạn bình dân kinh doanh gián đoạn

Ngành khách sạn nghỉ dưỡng đã và đang chịu áp lực từ việc vận hành các mô hình kinh doanh lỗi thời, do đó buộc phải thích nghi và thay đổi nhiều hơn so với các loại hình bất động sản khác.

Trước sự phát triển này, ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam đánh giá trong kỷ nguyên của công nghệ bất động sản (proptech) và công nghiệp 4.0, các trang đặt phòng, truyền miệng và mạng xã hội có thể làm gián đoạn, đồng thời cũng mang lại nhiều lợi ích cho ngành khách sạn.

Ông Troy Griffiths cho biết trước đây các dịch vụ vận chuyển nhà hàng hay gói tour đều được cung cấp trọn gói trong phạm vi mô hình khách sạn, tuy nhiên các dịch vụ này đang tách ra và vận hành độc lập.

Airbnb, Agoda, Booking dần lấy thị phần khách sạn bình dân

Các nhà vận hành mới như OYO hay RedDoorz đang tiêu chuẩn hóa các khách sạn bình dân tại Việt Nam. Ảnh: ShutterStock.

Các nền tảng như OYO, RedDoorz có quy trình vận hành chặt chẽ, hướng đến tiêu chuẩn hóa chất lượng dịch vụ. Khách sạn và chủ nhà có vai trò là bên nhận nhượng quyền, do đó họ phải vận hành theo quy chuẩn được định sẵn, đảm bảo diện tích tối thiểu như máy lạnh, TV, Wi-Fi miễn phí, chăn ga sạch, bữa sáng miễn phí, nhà vệ sinh sạch và đầy đủ vệ sinh cá nhân.

"Các đơn vị vận hành quốc tế và các trang đặt phòng đem đến lợi thế về công suất cho thuê và quy mô mạng lưới, nhờ đó giúp khách sạn tăng doanh thu", ông Troy nói thêm.

Ông cũng cho rằng các đơn vị này đang khai thác phân khúc thị trường trẻ hơn bằng cách cung cấp dịch vụ nhanh chóng với giá cả hợp lý. Các khách sạn 3-4 sao là phân khúc khá quen thuộc với du khách tại hầu hết quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Hải Tuệ
Nguồn Zing News