Những kẻ tí hon đối đầu Vinamilk, Cô gái Hà Lan

Sữa vốn là hàng hóa thiết yếu nên mặc dù kinh tế suy thoái nhưng ngành này vẫn có tốc độ tăng trưởng khá tốt.

Theo báo cáo của Euromonitor, doanh thu từ các sản phẩm sữa nước năm 2012 tăng trưởng 21% so với năm 2011, các sản phẩm sữa bột có mức tăng trưởng cao nhất với 23%.

Nhưng sân chơi trong ngành sữa chủ yếu thuộc về Vinamilk và FrieslandCampina Việt Nam (nhãn hiệu chính là Dutch Lady) với hơn 2/3 thị phần.

Những kẻ tí hon đối đầu Vinamilk, Cô gái Hà Lan

Vinamilk, FrieslandCampina: hai bình sữa nước khổng lồ tại Việt Nam

Năm 2012, doanh thu từ nhóm sản phẩm sữa nước đạt hơn 15.500 tỷ đồng, gấp 10 lần so với nhóm sản phẩm sữa bột. Khách hàng tiêu thụ sản phẩm sữa nước chủ yếu là trẻ em trong khi sữa bột hướng đến đối tượng khách là người trưởng thành.

Với quy mô lớn, nhóm khách hàng ổn định do thói quen uống sữa mới chỉ phát triển đối với trẻ em nên ngành hàng sữa nước vẫn là mục tiêu của phần lớn các doanh nghiệp.

Theo thống kê của Euromonitor, hiện có hơn 10 doanh nghiệp tham gia cuộc chơi dành thị phần sữa nước gồm: Vinamilk, FrieslandCampina, Hanoi Milk, Đường Quảng Ngãi, Sữa Ba Vì, Sữa Mộc Châu,... Tuy nhiên Vinamilk và FrieslandCampina Việt Nam dành phần lớn sân chơi, các doanh nghiệp khác chỉ chiếm được một góc nhỏ bên cạnh hai người khổng lồ. Năm 2012, hai ông lớn này chiếm gần 66% thị phần toàn ngành.

Những kẻ tí hon đối đầu Vinamilk, Cô gái Hà Lan

Thị phần các doanh nghiệp sữa năm 2012 (Nguồn: Euromonitor)

Vinamilk hiện có 5 thương hiệu sữa nước trong đó dòng sản phẩm Vinamilk chiếm 35,6% thị phần toàn ngành.

FrieslandCampina Việt Nam là công ty liên doanh thành lập từ năm 1995 tại Việt Nam giữa công ty xuất khẩu tỉnh Bình Dương (Protrade) và Royal FrieslandCampina-tập đoàn sữa lớn của Hà Lan.

FrieslandCampina Việt Nam hiện có 4 dòng sản phẩm sữa nước trong đó Dutch Lady (Sữa Cô gái Hà Lan) chiếm vị trí chủ lực với 15,8% thị phần năm 2012.

Vinamilk dành phần thắng trong cuộc đua thị phần

Cuộc đua dành thị phần giữa hai ông lớn ngành hàng sữa nước đã diễn ra từ lâu và phần thắng dần nghiêng về Vinamilk. Nếu như năm 2009, khoảng cách chênh lệch thị phần giữa hai công ty này chỉ hơn 13% thì đến năm 2012 đã nâng lên gần gấp đôi với con số 25,1%. Vinamilk liên tục gặt hái được thành tựu khi doanh thu năm 2012 đạt 27.300 tỷ đồng, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt gần 180 triệu USD.

Những kẻ tí hon đối đầu Vinamilk, Cô gái Hà Lan

Chạy đua thị phần giữa Vinamilk và Friesland Campina Việt Nam

Với lợi thế về vốn, Vinamilk không ngừng mở rộng quy mô sản xuất khi có 1 nhà máy sản xuất sữa ở New Zealand và 11 nhà máy sản xuất sữa từ Bắc vào Nam đã chạy hết 100% công suất. Với mục tiêu lọt vào top 50 công ty sản xuất sữa lớn nhất thế giới năm 2017, Vinamilk sẽ khánh thành 2 nhà máy chế biến sữa hiện đại bậc nhất Thế giới vào đầu quý II năm 2013.

Ngoài ra Vinamilk còn đẩy mạnh hoạt động sản xuất sang các mảng kinh doanh khác gồm sữa bột, sữa đậu nành và nước uống đóng chai. Mới đây Vinamilk cho ra mắt nhãn hiệu nước uống ICY.

Thị trường nước uống không cồn đang được nhiều ông lớn ngành hàng tiêu dùng quan tâm.

Khác với Vinamilk đẩy mạnh sang mảng nước uống và sữa đậu nành, FrieslandCampina Việt Nam lại tập trung hơn đến các sản phẩm sữa bột. Mới đây công ty này tung ra nhãn hiệu mới trong mảng sữa bột là Dutchlady Complete và đẩy mạnh quảng cáo cho nhãn hàng Friso.

Những kẻ tí hon đối đầu Vinamilk, Cô gái Hà Lan

Theo Euromontor, người tiêu dùng Việt Nam có thói quen lựa chọn sữa theo nhãn hiệu lâu năm, ít khi mua các nhãn hiệu tư nhân. Chính vì vậy chiến lược tung ra nhãn hàng mới tận dụng thương hiệu Dutchlady của FrieslandCampina Việt Nam khá khôn ngoan.

Sữa đậu nành- đường đua riêng giữa Vinamilk và Đường Quảng Ngãi

Đường Quảng Ngãi manh nha lấn sân sang ngành sữa từ năm 1997 với sự thành lập Vinasoy thuộc nhà máy sữa Trường Xuân. Ban đầu mặt hàng chủ lực của nhà máy là sữa tiệt trùng, sữa chua và kem, nhãn hiệu sữa đậu nành Fami chỉ là mặt hàng phụ. Tuy nhiên việc chen chân cạnh tranh với những ông lớn như Vinamilk, FrieslandCampina rõ ràng không hiệu quả trong khi sữa Fami lại tăng trưởng tốt.

Đường Quảng Ngãi nhanh chóng chuyển hướng chiến lược sang kinh doanh sữa đậu nành- mảng sản phẩm mà hai ông lớn còn bỏ ngỏ. Từ năm 2009, công ty này liên tục đầu tư cho hoạt động sản xuất sữa đậu nành.

Ước tính mỗi năm Vinasoy đầu tư 5-7% doanh thu cho việc quảng bá thương hiệu. Chiến lược kinh doanh lựa chọn sản phẩm mới tỏ ra khá hiệu quả khi doanh thu từ sữa của Đường Quảng Ngãi liên tục tăng trưởng. Đây có thể xem là đối thủ đáng gờm của Vinamilk đối với mảng kinh doanh sữa đậu nành hiện nay.

Những kẻ tí hon đối đầu Vinamilk, Cô gái Hà Lan

Tăng trưởng doanh thu từ sữa của đường Quảng Ngãi

Cửa nào cho doanh nghiệp bé?

Đứng cạnh hai ông lớn là Vinamilk và FrieslandCampina Việt Nam, những doanh nghiệp nhỏ hơn như sữa Long Thành, TH Milk Tân Hiệp Phát, Casmilk,... liệu làm sao để tăng trưởng, tăng thị phần? Đây là câu hỏi khó cho các nhà quản lý của các doanh nghiệp này.

Các giải pháp mà các doanh nghiệp nhỏ nước ngoài thường sử dụng bao gồm: tăng cường hoạt động Marketing, nâng cao chất lượng chăm sóc khách hàng, đầu tư nghiên cứu các sản phẩm mới, tăng thị phần qua các thương vụ M&A....

Việc đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, quảng cáo đã được doanh nghiệp có thị phần bé như Sữa Ba Vì hướng tới. Điển hình là việc "săn" phù thủy Trần Bảo Minh về làm giám đốc điều hành và ra mắt thương hiệu Love' in Farm với mục tiêu phát triển nông nghiệp chăn nuôi bò sữa, bảo vệ quyền lợi người nông dân và người tiêu dùng Việt Nam.

Còn những doanh nghiệp sữa không đủ tiềm lực tài chính làm thương hiệu sẽ dùng cách gì để tăng trưởng? Liệu trong tương lai có ông lớn sản xuất sữa nước ngoài nào khác đặt chân vào Việt Nam và thực hiện các thương vụ M&A với các doanh nghiệp này? Đó cũng là một giả thiết có thể đặt ra.

Nguồn Chiến lược Marketing