Cơ cấu khách quốc tế quá lệch, cách nào cho du lịch đa dạng thị trường?

Cơ cấu khách quốc tế quá lệch, cách nào cho du lịch đa dạng thị trường?

Thay đổi cơ cấu khách quốc tế nhằm tránh bị lệ thuộc, thiệt hại khi thị trường chi phối có biến động, là vấn đề không mới. Tuy nhiên hiện nay vấn đề này lại trở nên thời sự khi thị trường lớn nhất là Trung Quốc sụt giảm, làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu tăng trưởng lượng khách quốc tế của ngành du lịch nước ta.

Câu hỏi tại sao cơ cấu khách quốc tế lại quá lệch về vài thị trường, và làm sao để thay đổi, đã được TBKTSG đặt ra với những doanh nghiệp có kinh nghiệm phát triển thị trường và sản phẩm du lịch mới.

Hiện nay, tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động làm cho các thị trường nguồn của du lịch Việt Nam, đặc biệt là Trung Quốc, bị ảnh hưởng. Vì thế, thay đổi cơ cấu khách là việc quan trọng nhất của cả ngành.

Muốn thay đổi, ngành du lịch phải hiểu rõ là các thị trường khác nhau sẽ có đặc tính khác nhau và cần đầu tư chuyên sâu. Mỗi thị trường nguồn quan trọng trong tốp 10 thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Đức, Anh, Pháp đều rất khác biệt, muốn phát triển thị trường nào thì cần sự kết hợp giữa các công ty trong nước và công ty tốt nhất từ thị trường nguồn đó.

Theo kinh nghiệm của tôi, để hiểu về một thị trường, doanh nghiệp cần ít nhất 9-10 năm đầu tư và thường các công ty liên doanh với nước ngoài sẽ có chiến lược hiệu quả hơn.

Du khách mua quà lưu niệm tại TPHCM. Ảnh: Đào Loan

Du khách mua quà lưu niệm tại TPHCM. Ảnh: Đào Loan.

Để thay đổi cơ cấu khách quốc tế, có ba việc mà chính phủ có thể làm. Trước hết là ưu tiên các nhà đầu tư có lợi thế về các thị trường nguồn khác nhau để tạo nên sự khác biệt về sản phẩm, thị trường. Điều này quan trọng vì nếu địa phương nào cũng chỉ có những tổ hợp du lịch na ná nhau thì khó phát triển được những thị trường khác nhau. Kế đến, cần các mục tiêu cân bằng hơn và tăng năng suất lao động.

Ngành du lịch tăng trưởng nóng trong ba năm qua nhưng năng suất lao động tăng ít là không ổn, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững. Việc cuối cùng là cần ưu tiên đến vấn đề chuyển đổi số.

Năm nay, chúng tôi dự kiến đưa khoảng 180.000 lượt khách Nga đến nghỉ dưỡng bằng máy bay thuê bao. Dù nhiều khách muốn ở lại lâu hơn nhưng bình quân họ chỉ lưu trú khoảng 12 ngày do chính phủ chỉ miễn thị thực cho khách Nga trong vòng 15 ngày. Nhiều khách hàng của chúng tôi đã than phiền về thời gian miễn thị thực ngắn cho nên khi muốn ở lại dài ngày hơn họ lại phải xin thị thực.

Ở nơi khách quốc tế được miễn thị thực đến 30 ngày như đảo Phú Quốc thì chúng tôi cũng vẫn gặp vấn đề về thị thực và thêm nữa là tình trạng thiếu sản phẩm. Du khách đến Phú Quốc được miễn thị thực 30 ngày, có nhiều thời gian hơn nhưng lại chỉ có vài sản phẩm để trải nghiệm như thăm cơ sở nước mắm, cơ sở nuôi cấy ngọc trai, vườn tiêu, nhà tù. Sau đó nếu muốn đến những địa phương khác ngoài hòn đảo này như TPHCM, Hà Nội hay các địa phương đồng bằng sông Cửu Long thì lại phải xin thị thực.

Cơ cấu khách quốc tế quá lệch, cách nào cho du lịch đa dạng thị trường?

Đảo Phú Quốc - Việt Nam.

Nếu khách Nga từ Phú Quốc có thể vào những nơi khác mà vẫn được miễn thị thực thì chúng tôi sẽ kết nối được nhiều tour cho khách và sẽ khai thác lại các chuyến bay thuê bao đưa khách đến Phú Quốc như đã từng thực hiện vào năm 2014.

Chúng tôi thấy Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một thị trường rất tiềm năng vì có nguồn khách lớn. Tuy nhiên, thời điểm này khó đưa khách đến vì việc xin thị thực vào Việt Nam mất nhiều thời gian, nhiều khi phải mất khoảng hai tháng. Nếu có chính sách thị thực thông thoáng thì chúng tôi sẵn sàng thuê bao máy bay đưa khách Thổ Nhĩ Kỳ đến du lịch.

Hiện nay, những chương trình tiếp thị, sản phẩm để đi mở thị trường chưa đúng hướng. Chỉ riêng về tiếp thị, chúng ta chưa thực hiện liên tục các hoạt động quảng bá như hội chợ, tour làm quen mà đang làm cái này bỏ cái kia. Thậm chí, có những sản phẩm chưa sẵn sàng nhưng lại đi quảng bá rầm rộ, đến khi đối tác hỏi thông tin, khách hàng muốn đặt tour thì không thể nói chi tiết. Cho nên, các hoạt động tiếp thị chưa đem lại hiệu quả lớn.

Tôi cho rằng nếu năng lực hạn chế, tài lực thiếu hụt và không áp dụng triệt để bốn khái niệm trong tiếp thị là sản phẩm, giá cả, phân phối và xúc tiến, hỗ trợ bán hàng thì không thể mở được thị trường mới.

Hiện tại có hai thị trường lớn mà ngành du lịch chưa khai thác được là Ấn Độ và Trung Đông nhưng điều kiện về giao thông, dịch vụ để phát triển nguồn khách lớn từ đây lại chưa tốt. Việt Nam chưa có đường bay trực tiếp đến Ấn Độ, thị thực cấp cho công dân những nước ở khu vực này chưa thông thoáng, sản phẩm cho dòng khách Hồi giáo chưa sẵn sàng nên chưa thể phát động thị trường ngay được.

Cơ cấu khách quốc tế quá lệch, cách nào cho du lịch đa dạng thị trường?

Ấn Độ và Trung Đông là hai thị trường du lịch tiềm năng.

Cơ quan quản lý du lịch nên học tập cách thức mà người Thái làm trước khi mở chiến dịch thu hút du khách Hồi giáo. Người Thái chuẩn bị nhiều thứ, trong đó có ẩm thực (hệ thống nhà hàng bán các món ăn halal dành cho người đạo Hồi), phòng cầu nguyện... Phải chuẩn bị thật đầy đủ rồi mới bắt đầu đi quảng bá để thu hút khách đến.

Thực tế cho thấy sự bùng nổ lượng khách Trung Quốc là do doanh nghiệp lữ hành và hàng không nước này chủ động kết nối. Vì thế, ngành du lịch sẽ gặp khó khăn lớn để phát động thị trường trở lại khi khách giảm. Tại một số điểm đến như Nha Trang, khi khách Trung Quốc đến quá đông thì khách từ một số thị trường khác như châu Âu đi nơi khác và không dễ để kéo họ quay lại.

Nếu có chiến lược tốt thì khi một thị trường chiếm quá 30% tổng lượng khách là cần cân nhắc hạn chế, giảm chứ không phải là tìm cách để tăng thêm như hiện nay. Đáng lẽ, việc đánh giá sự tăng trưởng của du lịch không nên dựa vào số lượng mà phải tính toán xem khách đó chi tiêu bao nhiêu, ở bao lâu, là khách lẻ tự đi, khách hội họp hay tham quan thuần túy, để có cách kích thích khách chi tiêu nhiều hơn và hạn chế những thị trường chỉ thuần đem lại số lượng.

Trong bảy tháng đầu năm, thị trường châu Á chiếm đến 77,6% lượt khách quốc tế đến Việt Nam, trong đó, hai thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc nắm giữ đến hơn một nửa lượng khách.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong bảy tháng đầu năm nay, thị trường châu Á chiếm đến 77,6% trong tổng số gần 9,8 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam.

Đặc biệt, chỉ riêng hai thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc đã nắm giữ đến hơn một nửa lượng khách.

Nói thế không có nghĩa là ngành du lịch không thể cơ cấu lại thị trường, làm nguồn khách đa dạng hơn. Chúng ta vẫn còn cơ hội nhưng cần phải thực hiện ngay từ bây giờ và cần sự đầu tư bài bản, lâu dài cũng như sự hợp tác chặt chẽ từ các ngành liên quan.

Ở góc độ doanh nghiệp, chúng tôi cần ít nhất ba năm để mở một thị trường. Muốn phát triển thị trường nào thì phải nghiên cứu kỹ thị trường đó để biết sở thích, thói quen du lịch, mùa du lịch, cách thức tiếp cận cũng như biết điểm mạnh điểm yếu của mình để thay đổi cách thức cho phù hợp.

Bên cạnh đó, còn có hàng loạt việc phải làm như chuẩn bị con người có thể nói ngôn ngữ của thị trường đó, sản phẩm, tiếp thị trực tiếp và trực tuyến, tổ chức tour làm quen, đi chào bán sản phẩm... Đi mở thị trường không đơn thuần chỉ là đi xúc tiến quảng bá, mời chào khách đến Việt Nam để ngắm cảnh đẹp.

Hiện chúng tôi đã có lượng khách tương đối tốt từ thị trường Mỹ và thấy thị trường này còn có nhiều dư địa để ngành du lịch có thể khai thác. Đặc biệt, cơ hội sẽ lớn hơn khi có đường bay thẳng và có văn phòng đại diện du lịch Việt Nam tại Mỹ.

Tôi cho rằng, phải đầu tư lớn thì mới phát triển được thị trường mới. Chẳng hạn, chỉ riêng về quảng cáo trên truyền hình, khi ở Mỹ, cứ khoảng 30 phút thì tôi lại thấy có một quảng cáo du lịch Ấn Độ, Thái Lan... trong khi đó chúng ta chưa có quảng bá gì đáng kể thì khó có thể thu hút du khách Mỹ.

Đào Loan
Nguồn The Saigon Times