Cựu nhân viên khách sạn thành chủ startup dịch vụ lưu trú triệu USD

Cựu nhân viên khách sạn thành chủ startup dịch vụ lưu trú triệu USD

Amit Saberwal, 49 tuổi, từng trải qua nhiều đêm mất ngủ trước khi nảy ra ý tưởng khởi nghiệp mà sau này trở thành dịch vụ khách sạn giá rẻ trực tuyến hàng đầu châu Á, RedDoorz, có trụ sở tại Singapore.

Theo Bloomberg, thời gian đầu, không nhiều nhà đầu tư quan tâm tới ý tưởng khởi nghiệp của Saberwal, một nhân viên kinh doanh khách sạn ở tuổi trung niên. Ý tưởng các phòng nghỉ chất lượng với giá 20 USD/đêm có vẻ không thực tế. Trong khi đó, những startup của các nhà sáng lập trẻ hơn, như Zen Rooms, được Rocket Internet đầu tư, nhận được chú ý lớn. Saberwal đã phải mất khoảng 6 tháng trước khi nhận được khoản đầu tư khiêm tốn 540.000 USD từ Jungle Ventures Pte., có trụ sở tại Singapore.

Sau 4 năm, nhiều đối thủ của Saberwal đã rút lui, còn ông tự hào khi nói về việc RedDoorz đã giúp khách hàng có giấc ngủ ngon tại 1.400 khách sạn ở 80 thành phố khắp Indonesia, Singapore, Philippines và Việt Nam. Và việc huy động vốn cho RedDoorz trở nên dễ dàng hơn. Ngày 19/8, RedDoorz công bố nhận được 70 triệu USD vốn đầu tư từ Asia Partners, Rakuten Capital và Mirae Asset-Naver Asia Growth Fund. Trước đó không lâu, startup này huy động được 45 triệu USD từ các nhà đầu tư dẫn đầu bởi China's Qiming Venture Partners.

Cựu nhân viên khách sạn thành chủ startup dịch vụ lưu trú triệu USD

Amit Saberwal là cựu nhân viên kinh doanh của một khách sạn - Ảnh: Bloomberg.

Tốc độ huy động vốn nhanh chóng của RedDoorz cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn của các nhà đầu tư vào mảng kinh doanh khách sạn giá rẻ tại Đông Nam Á, được dự báo sẽ trở thành thị trường trị giá 36 tỷ USD vào năm 2025, theo một báo cáo của Google và quỹ đầu tư quốc gia Singapore Temasek.

Saberwal đã thuyết phục được các nhà đầu tư với kế hoạch kinh doanh khôn ngoan, tránh được các khoản chi phí lớn mà nhiều startup thường có, theo Anurag Srivastava, đối tác quản lý của Jungle Ventures - nhà đầu tư trong các vòng gọi vốn của RedDoorz.

"Amit không phải là đứa trẻ 24 tuổi với những kế hoạch đầy rủi ro", Srivastava cho biết. "Chúng tôi tin tưởng rằng ông ấy sẽ không nông nổi. Ông ấy xây dựng công ty một cách khôn ngoan, không có sự điên cuồng, không đốt tiền một cách điên cuồng".

Từ khi ra đời vào năm 2015, RedDoorz đã huy động được tổng cộng 140 triệu USD, với các nhà đầu tư gồm 500 Startups, SIG và Qiming Venture Partners.

Cựu nhân viên khách sạn thành chủ startup dịch vụ lưu trú triệu USD

Giao diện ứng dụng của RedDoorz - Ảnh: Asia PR Werkz.

RedDoorz dự định dùng khoản vốn đầu tư mới để cạnh tranh với startup khách sạn Ấn Độ Oyo Hotels, được SoftBank rót vốn và Homes, công ty có kế hoạch đầu tư 100 triệu USD vào Indonesia - thị trường lớn nhất của RedDoorz. Saberwal cho biết ông muốn tập trung vào thị trường Đông Nam Á, trước mắt là mở rộng sang thị trường Malaysia và Thái Lan trong năm nay, sau đó là các quốc gia khác như Campuchia.

"Hành trình của RedDoorz cho thấy cơ hội là rất lớn. Đây là phân khúc hoàn toàn mới", Saberwal nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg.

Tương tự như Oyo, RedDoorz ký hợp đồng với chủ các khách sạn giá rẻ, cung cấp cho họ phần mềm, các tiêu chuẩn chung - như khăn tắm, ga giường, dịch vụ internet, nước uống sạch…, đào tạo nhân viên của họ, rồi sau đó chia sẻ doanh thu. Hệ thống độc quyền của RedDoorz sẽ tiến hành phân tích dữ liệu lớn để dự báo nhu cầu, từ đó đưa ra mức giá phòng hợp lý. Nhờ lợi thế hoạt động trên quy mô lớn, các khách sạn tham gia mạng lưới của RedDoorz giảm được chi phí hoạt động và thu hút được nhiều khách hàng hơn.

Cả hai startup này đều đang nhắm vào nhóm du khách trẻ du lịch tự túc ngày càng đông tại châu Á. Theo Bain & Co, tầng lớp trung lưu tại Đông Nam Á sẽ tăng lên 350 triệu người vào năm 2022. Hiện đang có khoảng 125.000 khách sạn giá rẻ từ 3 sao trở xuống và RedDoorz nhắm tới khai thác khoảng 2.000 khách sạn trong số này vào cuối năm nay.

Saberwal đặt mục tiêu đưa định giá của RedDoorz lên 1 tỷ USD vào năm 2020 và 5 tỷ USD trong 2 - 3 năm tới, khi đó ông có thể đưa công ty lên sàn chứng khoán.

"Giấc mơ của doanh nhân là đưa công ty của mình phát triển theo hướng hợp lý và con đường hợp lý nhất của chúng tôi là một IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng), Saberwal chia sẻ.

Ngọc Trang
Nguồn VN Economy