Vì sao hạn chế đầu tư nước ngoài vào Fintech tại Việt Nam?

Vì sao hạn chế đầu tư nước ngoài vào Fintech tại Việt Nam?

Hiện nay, Fintech rất cần vốn đầu tư nước ngoài để phát triển, đầu tư cho công nghệ, thị trường, nhân lực, do vậy, việc hạn chế đầu tư nước ngoài sẽ kìm hãm sự phát triển của Fintech.

Quan điểm được nhiều chuyên gia đưa ra tại tọa đàm "Chính sách quản lý Fintech" do Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam và chuyên trang ICTNews - Báo VietNamNet tổ chức ngày 20/8 tại Hà Nội.

Thiếu khuôn khổ pháp lý

Ông Ngô Văn Đức (Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước) cho biết, hoạt động Fintech vài năm gần đây phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới và Việt Nam cũng nằm trong xu thế chung.

Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển Fintech khi dân số đứng thứ 15 trên thế giới với khoảng 96,2 triệu người, có trên 65,6% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn. Người dân tại vùng nông thôn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ tài chính truyền thống.

Ngoài ra là sự phát triển của công nghệ thông tin, Internet với 51 triệu người dùng điện thoại, trong đó hơn một nửa dùng smartphone, 50 triệu người dùng Internet. Tỷ lệ tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng của người dân hiện nay là 45,8 triệu người trưởng thành có tài khoản ngân hàng hoặc tiếp cận với ít nhất một dịch vụ tài chính, chiếm 63% dân số.

Vì sao hạn chế đầu tư nước ngoài vào Fintech tại Việt Nam?

Tọa đàm "Chính sách quản lý Fintech" được tổ chức ngày 20/8 tại Hà Nội.

Tuy vậy, theo ông Đức, hoạt động Fintech phát triển ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Theo thống kê không chính thức của Ngân hàng Nhà nước, có gần 150 doanh nghiệp Fintech đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chủ đạo là lĩnh vực thanh toán, có 30 tổ chức trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

Đối với riêng thị trường ví điện tử, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, cho biết, theo số liệu thống kê có được hết quý 1/2019, toàn thị trường có 27 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nhưng 90% thị phần xét cả về giá trị và số lượng giao dịch thuộc về 5 công ty trung gian thanh toán.

Nhìn chung, hoạt động Fintech đang gặp nhiều thách thức, nhất là về rào cản pháp lý để bảo vệ quyền lợi cơ bản cho khách hàng. Cụ thể theo ông Ngô Văn Đức, đến nay khuôn khổ pháp lý đối với Fintech, đặc biệt là quy định về quy chế quản lý chưa có, cũng chưa có luật, nghị định quy định chức năng nhiệm vụ của cơ quan quản lý hoặc ngân hàng nhà nước.

"Ngoại trừ hoạt động Fitnech trong thanh toán đã được hoàn thiện năm 2011-2012, các lĩnh vực khác chưa có khuôn khổ pháp lý để điều chỉnh", ông Đức cho biết.

Vì sao hạn chế đầu tư nước ngoài?

Trong số 27 doanh nghiệp ví điện tử trên thì 90% thị phần xét cả về giá trị và số lượng giao dịch thuộc về 5 công ty trung gian thanh toán. Trong khi tất cả đều có sở hữu vốn nước ngoài từ 30% cho đến trên 90%.

Ngoài những thách thức, khó khăn về yếu tố pháp lý nói chung trên, một vấn đề được khá nhiều chuyên gia và doanh nghiêp quan tâm là tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.

Luật sư Phùng Anh Tuấn, Phó chủ tịch, Tổng Thư kí Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho biết, đa số các chính sách hiện nay định hướng siết chặt quản lý, kiểm soát đối với Fintech.

Cụ thể, nghị định thay thế Nghị định 101/2012 của Chính phủ giới hạn đầu tư nước ngoài vào Fintech ở mức 30% hoặc 49%. Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 39 áp hạn mức giao dịch theo ngày và theo tháng đối với ví cá nhân lần lượt là 20 triệu và 100 triệu đồng, với ví tổ chức là 100 và 500 triệu đồng. Đồng thời hạn chế mỗi người chỉ được sử dụng một ví điện tử tại một tổ chức.

"Hiện nay Fintech rất cần vốn đầu tư nước ngoài để phát triển, đầu tư cho công nghệ, thị trường, nhân lực. Việc hạn chế đầu tư nước ngoài sẽ kìm hãm sự phát triển của Fintech", ông Tuấn nhận xét, tương tự quan điểm của nhiều chuyên gia khác.

Trước những thắc mắc về tỷ lệ sở hữu trên, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán Nghiêm Thanh Sơn thẳng thắn dẫn chứng trong số 27 doanh nghiệp ví điện tử trên thì 90% thị phần xét cả về giá trị và số lượng giao dịch thuộc về 5 công ty trung gian thanh toán. Trong khi tất cả đều có sở hữu vốn nước ngoài từ 30% cho đến trên 90%.

"Điều này đặt ra quan ngại lớn đối với cơ quan quản lý và Chính phủ. Chúng tôi cũng nghiên cứu điều đó dẫn đến nguy cơ thao túng thị trường vào tay doanh nghiệp nước ngoài", ông Sơn cho biết.

Thủy Diệu
Nguồn VN Economy