Shark Phú và tham vọng làm chủ công nghệ gốc ở Sunhouse

Shark Phú và tham vọng làm chủ công nghệ gốc ở Sunhouse

Rời ghế nóng Shark Tank Việt Nam mùa 3 để tập trung củng cố và phát triển thương hiệu Sunhouse, Shark Phú khiến nhiều người luyến tiếc

Sunhouse cần chuyển mình!

Sunhouse từ lâu nổi tiếng với các sản phẩm nhà bếp, nhưng ít ai biết rằng trước khi định vị được phân khúc này trong chiến lược kinh doanh của mình, ông chủ Sunhouse Nguyễn Xuân Phú vẫn loay hoay trong việc định danh ngành hàng cho công ty.

Bà Đặng Thuý Hà, Giám đốc miền Bắc của Nielsen Vietnam kể lại rằng, trong một lần làm nghiên cứu, khi bà hỏi ông Phú đang làm trong ngành hàng nào, ông Phú trả lời là đồ gia dụng.

Tuy nhiên khái niệm đồ gia dụng rất rộng và với khách hàng, khi hỏi về đồ gia dụng họ sẽ liên tưởng tới đủ thứ trong gia đình.

“Nếu định danh cho ngành hàng mình đang hoạt động lớn như vậy nghĩa là đang đặt mình vào một nguy cơ cạnh tranh rất lớn với các thương hiệu trong và ngoài nước, cạnh tranh với cả các nhóm thuộc tập hợp con của cụm từ đồ gia dụng.

Và sau khi phân tích, dựa trên giá trị cốt lõi của sản phẩm cũng như định hướng tương lai, Sunhouse quyết định chỉ tập trung vào nhà bếp. Họ quảng cáo 'Nhà là nhà bếp, bếp là Sunhouse', họ định vị tất cả sản phẩm, chiến lược kinh doanh cũng chỉ đi theo ngành hàng đã chia nhỏ”, bà Hà tiết lộ.

Shark Phú và tham vọng làm chủ công nghệ gốc ở Sunhouse

Tập đoàn Sunhouse hiện tại.

Và khi đang làm rất tốt ở mảng sản phẩm nhà bếp, Sunhouse lại mạnh dạn mở ra ngành hàng mới đó là hàng điện máy gia dụng lớn như quạt điều hòa, điều hòa… Đó chính là lý do ông Phú chia tay Shark Tank mùa 3.

Nói thêm về lý do rời ghế nóng, ông Phú cho biết, ông vẫn thường xuyên lắng nghe ý kiến của người tiêu dùng sau khi họ sử dụng sản phẩm của Sunhouse. Đâu đó, nhiều người tiêu dùng vẫn chưa thực sự hài lòng với chất lượng hàng hóa của Sunhouse.

“Tôi nhận ra câu chuyện của chính mình: Sunhouse cần chuyển mình, để vươn lên một tầm cao mới”, Shark Phú chia sẻ.

Vị chủ tịch của Sunhouse cũng cho biết, mở rộng sang các lĩnh vực khác đặc biệt như hàng điện máy, gia dụng lớn như quạt điều hòa, điều hòa, thì vấn đề công nghệ và kiểm soát chất lượng hàng hóa là chuyện khó khăn hơn rất nhiều so với việc sản xuất đồ gia dụng nhà bếp như xoong, nồi, chảo.

Từ các comment của người dùng, trong đó có khán giả “ruột” Shark Tank, bản thân người đứng đầu Sunhouse đặt quyết tâm cao trong việc cải tổ, thay đổi chiến lược lớn cho doanh nghiệp này. Cụ thể, trong giai đoạn 3 - 5 năm tới, ông Phú cho biết sẽ tập trung vào việc nâng cao chất lượng, tập trung cải tiến hoạt động sản xuất, đầu tư công nghệ cao nhằm chủ động kiểm soát chất lượng sản phẩm, thắt chặt hơn nữa quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm đầu ra.

Shark Phú và tham vọng làm chủ công nghệ gốc ở Sunhouse

Vị chủ tịch của Sunhouse chia sẻ: "Tôi nhận ra câu chuyện của chính mình: Sunhouse cần chuyển mình, để vươn lên một tầm cao mới".

Việc chuyển đổi chiến lược dài hạn này khiến khối lượng công việc điều hành tăng lên rất nhiều. “Những công việc mang tính bước ngoặt của Sunhouse muốn hoàn thành cần sự tập trung cao độ của người lãnh đạo cao nhất. Chính vì vậy, mùa vừa rồi tôi đã quyết định không tham gia Shark Tank Việt Nam”, ông Phú lý giải.

Ông Phú cũng tiết lộ, trong bước chuyển mình này của Sunhouse, điểm mấu chốt nhất để kinh doanh chất lượng là bản thân doanh nghiệp phải sở hữu được công nghệ gốc. Theo đó, muốn quản trị được chất lượng sản phẩm thì các linh kiện chính trong sản phẩm và công nghệ gốc tạo ra sản phẩm, doanh nghiệp phải sở hữu được.

“Chính vì thế, giai đoạn vừa rồi Sunhouse cùng lúc phải đầu tư thêm 3 nhà máy mới: Nhà máy sản xuất vi mạch điện tử, Nhà máy ép khuôn nhựa và Nhà máy lắp ráp”, Shark Phú tiết lộ.

Ông Phú cho biết nhà máy vi mạch này do Sunhouse liên doanh với một doanh nghiệp Hàn Quốc, với tỷ lệ sở hữu ở mức 65%. Nhà máy đạt tiêu chuẩn nhà cung cấp (vendor) cấp 1 của Samsung, có thể làm các mạch trong smartphone, TV, điều hòa…

Nhà máy này công suất lớn, nên đầu ra không chỉ cung cấp cho Sunhouse mà còn nhắm mục tiêu sẽ là nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng của Samsung, LG ở Việt Nam, làm khách hàng của các thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu.

Vui buồn với Shark Tank

Sau 2 mùa Shark Tank, Shark Phú rót vốn thực tế khoảng 5 thương vụ, nhưng ông nhìn nhận: “Gần như khả năng thành công không cao. Nếu xét về góc độ đầu tư, chúng tôi không được vụ nào”.

Ông Phú lý giải, nền tảng của các startup còn quá non trẻ, thiếu quá nhiều điều kiện, cơ hội thành công trong thương trường không cao. “Tỷ lệ thất bại là rất rất cao, lên đến 99%. Tôi đang hy vọng 1% còn lại có thể rơi vào mình, may mắn được một vụ nào đó”, ông Phú cho biết.

Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT Sunhouse Nguyễn Xuân Phú cho biết trong tâm niệm, ông luôn mong muốn sẽ tham gia lâu dài với Shark Tank Việt Nam.

Shark Phú - Shark Tank Việt Nam mùa 3

Shark Phú tại Shark Tank Việt Nam.

Chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ nhất khi tham gia Shark Tank, Shark Phú nhắc đến một lần ông cùng bộ phận đầu tư xuống tận Bến Tre khảo sát và thẩm định startup để đưa ra quyết định đầu tư sau khi chương trình Shark Tank Việt Nam đóng máy.

“Cuối cùng, tôi quyết định không đầu tư”, Shark Phú thâm trầm.

“Thương vụ đó tôi rất ấn tượng và muốn hỗ trợ bạn đó. Mặc dù bạn đó rất tốt, cũng rất ham muốn thành công, nhưng thực sự có một khoảng cách quá lớn giữa thông tin trên truyền hình và thực tế. Đấy cũng là một lý do nữa mà mình phải rút khỏi hội đồng đầu tư mùa 3”.

Ông Phú cho biết, nếu một ngày quay trở lại Shark Tank, ông sẽ thay đổi lại chiến lược đầu tư, tránh đầu tư tràn lan.

“Nếu tham gia Shark Tank trở lại trong tương lai, chắc chắn tôi sẽ tập trung vào một vài lĩnh vực, đặc biệt startup đó phải nằm trong chuỗi giá trị của Sunhouse thì mới đầu tư. Trước đây tôi cũng đầu tư rất nhiều lĩnh vực khác, nhưng quả thực thương vụ không đủ hấp dẫn để bỏ thời gian, công sức đi cùng các bạn đó, nên tỷ lệ thất bại quá cao”.

Ngồi ghế nóng suốt 2 mùa Shark Tank, Shark Phú thẳng thắn chỉ ra rằng một số startup đưa thông tin gọi vốn trên truyền hình không chuẩn xác. Trong khi đó, trong một thời gian rất ngắn, nhà đầu tư chỉ nghe rồi đưa ra quyết định, dẫn đến khi khảo sát thực tế lại khác nhau nhiều, đẩy cá mập đầu tư vào thế khó - Đầu tư thì khả năng thành công không cao, mà không đầu tư thì lại dở…

Khánh Hà
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp