Bứt phá M&A: Tháo nút thắt chính sách

Trong 7 tháng qua, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt gần 5,43 tỷ USD, dự báo cả năm 2019, giá trị M&A có thể gần 7,6 tỷ USD đã tạo cơ hội cho việc mua bán và sáp nhập doanh nghiệp bứt phá.

Nếu như năm 2009, tổng giá trị các thương vụ M&A đạt 1,1 tỷ USD, thì đến năm 2018, theo thống kê của Diễn đàn M&A Việt Nam đã vượt mốc 10,2 tỷ USD, đưa tổng giá trị M&A trong 10 năm qua đạt khoảng 55 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Vũ Đại Thắng cho rằng, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường M&A tại Việt Nam được tiếp sức bởi nhiều yếu tố tích cực từ nội tại nền kinh tế cũng như các cơ hội từ hội nhập quốc tế.

Bứt phá M&A: Tháo nút thắt chính sách

Diễn đàn M&A Việt Nam 2019.

Thông qua M&A, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã sở hữu cổ phần của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) hoạt động hiệu quả như Vinamilk (VNM), Sabeco (SAB). Cùng với đó, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán sớm được sửa đổi, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ vừa ban hành đã tháo gỡ nhiều vướng mắc, xóa bỏ những chồng chéo; một số luật mới sẽ sớm được ban hành như Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các nhà đầu tư tham gia M&A.

Để thị trường M&A “bứt phá”, phải đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn DNNN để thu hút dòng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, như trường hợp Sabeco, Vinamilk, Vinaconex.

Sự thay đổi chính sách thương mại của các nước lớn, một số chính sách trong nước còn là rào cản, chất lượng doanh nghiệp và quy mô nền kinh tế chưa đủ hấp dẫn, những tồn tại trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn là nỗi lo của các nhà đầu tư khi tham gia M&A.

Theo ông Dominic Scriven - Chủ tịch Công ty Dragon Capital, có ba mối quan tâm mà các nhà đầu tư tham gia M&A đang đặt ra. Thứ nhất, pháp lý phải đầy đủ và ổn định. Thứ hai là cơ cấu lại các thành phần kinh tế nhà nước. Thứ ba là thúc đẩy sự phát triển kinh tế tư nhân.

Theo ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, thời gian qua, số lượng DNNN được cổ phần hóa tuy có chậm lại, nhưng chất lượng những DN đã cổ phần tốt hơn. Minh chứng là nhiều nhà đầu tư đã đầu tư vào những DN này với số tiền lớn. Ông Tiến cho biết thêm: “Chính phủ đang cố gắng thu hẹp DNNN, công bố rõ DNNN nào sẽ bán cổ phần, mở cửa cho các cơ quan định giá quốc tế định giá DN. Bộ Tài chính đang thí điểm để đến năm 2021 áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế cho những DNNN quy mô lớn để khi cổ phần hóa sẽ đồng nhất với các thông lệ quốc tế”.

Bứt phá M&A: Tháo nút thắt chính sách

Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã sở hữu cổ phần của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) hoạt động hiệu quả như Vinamilk (VNM), Sabeco (SAB).

Theo ông Lê Song Lai - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), hai năm gần đây, kết quả thoái vốn DNNN chậm lại, trong 6 tháng đầu năm 2019 mới thoái vốn thành công bốn DNNN. Quy định thoái vốn DNNN vẫn phải tiếp tục hoàn thiện. Chẳng hạn, việc thoái vốn DNNN phải đấu giá công khai, nếu không thành công thì chào giá cạnh tranh, nếu không thành công nữa thì bán với giá thỏa thuận. Những DNNN có quỹ đất nhưng không có giấy tờ hoàn chỉnh thì rất khó định giá. Có DNNN cổ phần hóa đến nay đã 15 năm, giấy tờ đất cũng chỉ là hợp đồng thuê đất, biên lai thu tiền sử dụng đất. Nếu những DNNN có đầy đủ giấy tờ pháp lý về quỹ đất thì giá trị thực tế sẽ cao hơn rất nhiều. Vì vậy, cần tiếp tục rà soát và xử lý vấn đề này.

Vấn đề nới room, ông Lai cho rằng, có những thương vụ nhà đầu tư nước ngoài không được tham gia vì bị hạn chế sở hữu. Nếu họ tham gia được thì mức cạnh tranh sẽ cao hơn, khả năng nguồn thu mang về cho Nhà nước tốt hơn.

Ông Phạm Hồng Sơn - Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ, những điểm mới của Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ gắn việc IPO của DNNN với quy định phải niêm yết luôn, tránh tình trạng thời gian qua có nhiều DN IPO một thời gian nhưng không niêm yết tạo ra sự không minh bạch trong hoạt động. Về vấn đề nới room, ông Sơn cho biết, thị trường tài chính Việt Nam đang tương đối mở, đặc biệt là chứng khoán và quản lý quỹ đã mở 100% vì thế có một số công ty chứng khoán lớn của nước ngoài đã mua lại một số công ty chứng khoán Việt Nam. Đây là trào lưu tốt, vì đó là những nhà đầu tư có chất lượng cao mang đến kinh nghiệm quản lý chuẩn cho thị trường phát triển. "Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa cho ra sản phẩm chứng quyền có đảm bảo, không hạn chế sở hữu của DN nước ngoài. Thời gian tới, cũng sẽ tập trung vào quản trị DN chặt chẽ hơn theo chuẩn quốc tế, cùng với đó là xem xét nâng cao chuẩn kế toán mới cho DN Việt Nam", ông Sơn khẳng định.

Lữ Ý Nhi
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn