Nhà đầu tư Nhật tìm kiếm gì từ các thương vụ M&A tại Việt Nam?

Dòng vốn từ Nhật vào Việt Nam vẫn tăng đều qua các kênh đầu tư trực tiếp (FDI) và các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A), tuy nhiên sự cẩn trọng của các nhà đầu tư Nhật đang phải cạnh tranh với dòng vốn M&A đang gia tăng từ Hàn Quốc, Hồng Kông hay Trung Quốc.

Nhật Bản hiện nằm trong top 5 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều 7 tháng đầu năm 22 tỉ USD, chiếm tỷ trọng hơn 17% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam.

Nhật còn là nhà đầu tư lớn thứ hai của Việt Nam. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, tính lũy kế đến tháng 6.2019, có 4.190 dự án đầu tư của Nhật với tổng vốn xấp xỉ 58 tỉ USD, chiếm tỷ trọng 16,52% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam đến nay.

Bên cạnh dòng vốn FDI, Nhật Bản cũng là một trong những nhà đầu tư sớm tham gia vào thị trường M&A Việt Nam. Các thương vụ thể hiện rõ kể từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2006 và Hiệp định Đối tác kinh tế Việt - Nhật (VJEPA) có hiệu lực từ năm 2009. Đây là FTA song phương đầu tiên của Việt Nam, trong đó hai bên cam kết dành nhiều ưu đãi cho nhau so với FTA giữa ASEAN và Nhật (AJCEP).

Nhà đầu tư Nhật tìm kiếm gì từ các thương vụ M&A tại Việt Nam?

Báo cáo thực trạng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật tại châu Á - châu Đại dương do JETRO công bố hồi đầu năm cho thấy, 70% doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam có kế hoạch tiếp tục mở rộng kinh doanh - tỷ lệ tương đối cao so với các nước trong khu vực. Trong giai đoạn 2013-2018, Việt Nam dẫn đầu dòng vốn của Nhật trong khu vực ASEAN.

Các số liệu thống kê cho thấy sự gia tăng vốn góp mua cổ phần của các đối tác ngoại trong doanh nghiệp Việt Nam. Năm 2018 ghi nhận 9,89 tỉ USD vào Việt Nam thông qua M&A, tăng xấp xỉ 60% so với 2017, chiếm 27,8% vốn đăng ký mới. Trong đó các đối tác Nhật chiếm đến 4,8 tỉ USD.

Nhìn vào các thương vụ M&A tiêu biểu giai đoạn 2018-2019 được công bố tại Diễn đàn M&A mới đây, trong 7 thương vụ M&A với đối tác ngoại thì 3 trong số đó được thực hiện bởi các nhà đầu tư Nhật. Cụ thể, thương vụ Mitsui đầu tư 130 triệu USD để sở hữu 35,1% vốn công ty Minh Phú; Sojizt tăng sở hữu tại PAN lên 10% với vốn rót hơn 35 triệu USD; và Taisho chi 107 triệu USD để nắm giữ 50,7% tại Dược Hậu Giang.

Đáng chú ý, năm 2011 ngân hàng Muziho của Nhật đổ 567 triệu USD để sở hữu 15% vốn tại Vietcombank thì đến đầu 2019, Muziho gia tăng sở hữu bằng đợt phát hành riêng lẻ cùng với quỹ đầu tư quốc doanh của Singapore (GIC) nhằm đảm bảo tỷ lệ nắm giữ 15% với giá trị thương vụ gần 270 triệu USD.

Trong 10 năm qua, bên cạnh những thương vụ thành công cũng có nhiều trường hợp thất bại mà nguyên nhân chủ yếu do định giá và chiến lược hậu M&A.

Theo tập đoàn tư vấn Recof Corporation của Nhật, các thương vụ M&A của Nhật tại Việt Nam trong vòng bốn năm trở lại đây ghi nhận số lượng kỷ lục với quy mô giao dịch đa dạng. Các lĩnh vực chủ chốt là bất động sản, chế biến - gia công thực phẩm, dịch vụ và bán lẻ.

Ông Tamotsu Majima, giám đốc cấp cao Recof Nhật Bản lý giải điều này xuất phát bởi hai nền kinh tế Việt - Nhật đang ngày càng tiến gần hơn cả trên phương diện kinh tế và văn hóa. Nhiều người Việt sang Nhật du lịch và làm việc, doanh nghiệp ngày càng chú trọng tuyển dụng và đào tạo lao động Việt Nam.

“Vốn đầu tư vào Việt Nam của Nhật đang năng động hơn, chúng tôi kỳ vọng xu hướng này sẽ gia tăng. Với doanh nghiệp Nhật, vấn đề lớn nhất để thúc đẩy các thương vụ là đòi hỏi cao về tính tuân thủ và quản trị với đối tác Việt”, ông Tamotsu Majima nói.

Là người có kinh nghiệm tư vấn chiến lược hậu M&A, theo ông Masahiro Kotaka - giám đốc điều hành KPMG Nhật Bản, thông thường một thương vụ M&A được ký kết vẫn chưa phải là kết thúc mà mở ra những thách thức "hậu M&A". Trong khi các công ty nhận đầu tư thường kỳ vọng vào các động lực tăng trưởng mới nên quyết định hợp tác cùng nhà đầu tư Nhật thì các nhà đầu tư Nhật lại có xu hướng tìm kiếm các công ty am hiểu thị trường địa phương.

"Do vậy họ thường dè dặt đưa ra chiến lược kinh doanh mới mà đặt trọng tâm vào tính tuân thủ pháp lý cũng như các quy tắc quản trị, dựa trên luật lệ Nhật. Đây là một khoảng cách lớn về sự ưu tiên giữa hai bên trong các thương vụ M&A," ông Masahiro lý giải.

Ghi nhận từ báo cáo của MAF 2019, trong 10 năm qua, bên cạnh những thương vụ thành công cũng có nhiều trường hợp thất bại mà nguyên nhân chủ yếu do định giá và chiến lược hậu M&A. Một trong những thương vụ được nhắc đến điển hình là bất đồng giữa Kusto Group và Coteccons.

Quỹ đầu tư Kusto Group của Nhật gắn bó tại Coteccons kể từ năm 2012, mới đây đã từ chối chủ trương sáp nhập công ty liên kết Ricons vào Coteccons. Các nhà đầu tư xem đây là sự vụ cụ thể cho thấy rằng việc chốt thương vụ M&A không có nghĩa là kết thúc một dự án đầu tư thành công.

Nhi Phạm
Nguồn Forbes Việt Nam