Du khách nội – ngoại: Ai mang lại nguồn thu lớn hơn?

Năm ngoái, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng thêm khoảng 2.6 triệu lượt, nâng tổng số lên gần 15.5 triệu lượt; khách du lịch nội địa tăng cao hơn, với khoảng 6.8 triệu lượt nâng tổng số lên gần 80 triệu lượt nhưng tổng thu từ mảng quốc tế vẫn chiếm phần lớn trong tổng thu từ khách du lịch.

Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Du lịch, năm 2018 tổng thu từ khách du lịch của cả nước là 637,000 tỉ đồng, tăng 17.7% so với năm trước đó. Trong số này, tổng thu từ du lịch nội địa là 254,000 tỉ đồng, chiếm 39.9% còn tổng thu từ du lịch quốc tế là 383,000 tỉ đồng, chiếm 60.1%.

So với năm 2017, tổng thu của hai mảng đều tăng trưởng nhưng tỉ lệ đóng góp vào tổng thu của du lịch nội địa giảm nhẹ. Vào năm 2017, tổng thu từ khách du lịch là 541,000 tỉ đồng, trong đó 41.6% đến từ du lịch nội địa nhưng đến năm ngoái, mảng này chỉ chiếm 39.9% trong tổng thu.

Du khách nội – ngoại: Ai mang lại nguồn thu lớn hơn?

Số liệu từ Tổng cục Du lịch, tính toán theo phương pháp Tài khoản vệ tinh du lịch. Đồ họa: Đào Loan.

Một điểm đáng quan tâm trong mảng du lịch nội địa là dù tổng lượng khách và tốc độ tăng trưởng của phân khúc khách hàng có nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú vẫn thấp hơn khách tham quan trong ngày nhưng vào năm ngoái, lượng khách có nghỉ đêm đã tăng trưởng tốt hơn. Trong năm, có thêm 2.9 triệu lượt khách có lưu trú, nâng tổng số lên 38.6 triệu lượt khách. Số lượng khách tham quan trong ngày tăng thêm 3.9 triệu lượt, nâng tổng số lên 41.4 triệu lượt.

Với mảng du lịch quốc tế, 78.2% trong tổng thu từ khách du lịch quốc tế của Việt Nam đến từ 10 thị trường gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ, Nga, Malaysia, Úc, Thái Lan và Anh.

Trong đó, hai thị trường nguồn lớn nhất là Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm đến gần một nửa trong tổng thu. Tỉ trọng về nguồn thu từ hai thị trường này lần lượt chiếm 24.7% và 24% trong tổng thu.

Du khách nội – ngoại: Ai mang lại nguồn thu lớn hơn?

Số liệu từ Tổng cục Du lịch, tính toán theo phương pháp Tài khoản vệ tinh du lịch. Đồ họa: Đào Loan.

Tuy nhiên, nếu tính chi tiêu trên mỗi đầu khách thì hai thị trường trên thua những thị trường xa như Mỹ, Nga, Úc. Chẳng hạn, bình quân mỗi khách Úc đến Việt Nam chi tiêu hơn 36,6 triệu đồng, gần gấp đôi khách Trung Quốc.

Theo Tổng cục Du lịch, tổng đóng góp trực tiếp và gián tiếp của ngành du lịch vào GDP năm 2018 đạt khoảng 15.6%, trong đó đóng góp trực tiếp là 8.39%.

Đóng góp của du lịch vào nền kinh tế được cơ quan này tính toán bằng khung phương pháp Tài khoản vệ du lịch theo khuyến nghị của Tổ chức Du lịch Thế giới. Đây là công cụ thống kê để đo lường quy mô, đóng góp của ngành du lịch trong nền kinh tế trên cơ sở xây dựng và phân tích mối liên hệ giữa nguồn cầu và nguồn cung trong du lịch.

Đào Loan
Nguồn The Saigon Times