Vượt Apple, Microsoft thành công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất toàn cầu
Sau 8 năm, vị trí dẫn đầu tốp 100 công ty đại chúng có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất toàn cầu (Top 100 toàn cầu) do PwC thực hiện đã có chủ nhân mới. Nhờ vốn hóa tăng thêm đến 202 tỉ USD, Microsoft soán ngôi đầu của hãng quả táo Apple.
Theo đó, giá trị vốn hóa của Microsoft đã tăng thêm 202 tỉ USD, tương đương 29%, lên con số 905 tỉ USD nhờ chiến lược chuyển đổi trọng tâm sang điện toán đám mây. Mức tăng trưởng giá trị của Apple, công ty đứng thứ hai danh sách năm nay, là 5%.
Năm 2019 cũng ghi nhận tổng giá trị của các công ty góp mặt vào danh sách tăng 5%, lên mức kỷ lục 21.000 tỉ USD.
Danh sách năm 2019 cũng đón nhận sự trở lại của tập đoàn dầu khí Exxon Mobil vào tốp 10, đẩy công ty dịch vụ tài chính JP Morgan xuống vị trí thứ 11. Đáng chú ý, năm nay không có doanh nghiệp mới nào lọt vào danh sách nhờ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Mức chênh lệch giá trị giữa các công ty đứng đầu và cuối danh sách đang ngày một mở rộng. Giá trị vốn hóa của công ty dẫn đầu trong 10 năm qua đã tăng từ 337 tỉ USD năm 2009 (Exxon Mobil) lên 905 tỉ USD năm 2019 (Microsoft). Tốc độ tăng trưởng này lớn hơn nhiều so với các công ty nằm cuối danh sách với biên độ thay đổi trong 10 năm từ 40 tỉ USD lên 99 tỉ USD.
Xét theo khu vực địa lý, những quốc gia có nhiều doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới không mấy khác biệt so với năm trước: Mỹ vẫn giữ vị trí đầu bảng với 54 công ty, theo sau là Trung Quốc (15 công ty) với tổng giá trị vốn hóa giảm 5% do tác động của chiến tranh thương mại.
Xu hướng này trái ngược với năm 2018, khi Trung Quốc có thêm 3 công ty lọt vào tốp 100 toàn cầu và 2 công ty lọt vào tốp 10. Anh giữ vị trí thứ ba với 6 công ty, giảm một công ty so với năm 2018.
Đây là năm thứ ba liên tiếp lĩnh vực công nghệ dẫn đầu và đóng góp nhiều giá trị nhất vào danh sách với tổng giá trị lên tới 5.691 tỉ USD. Các công ty công nghệ chiếm giữ hàng loạt vị trí trong tốp 10: Microsoft, Apple, Amazon và Alphabet ở bốn vị trí đầu bảng; Facebook, Alibaba và Tencent lần lượt nằm ở vị trí thứ 6, 7 và 8.
“Bốn công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ bỏ xa các công ty còn lại. Về lâu dài, chúng tôi dự đoán rằng tình trạng mất cân bằng này sẽ giảm đi do sự phát triển của các công ty công nghệ Trung Quốc. Số lượng đông đảo của các startup kỳ lân đến từ Trung Quốc chính là dấu hiệu cho sự thay đổi này,” ông Ross Hunter - lãnh đạo trung tâm IPO thuộc PwC Anh nhận định.
Tuy vậy những ngành có tỷ lệ tăng trưởng giá trị cao nhất lại là y tế, viễn thông và dịch vụ tiêu dùng với tốc độ tăng trưởng cùng 15%, trong khi ngành công nghệ chỉ ở mức 6%.
2019 là một năm không mấy suôn sẻ với ngành tài chính khi giá trị vốn hóa của ngành này giảm 3%. Các công ty tài chính nằm trong danh sách tốp 100 toàn cầu của PwC là những doanh nghiệp có kết quả hoạt động kinh doanh tốt nhất ngành.
Bên cạnh đó, PwC cũng thực hiện phân tích giá trị của 100 công ty kỳ lân (những doanh nghiệp có giá trị vốn hóa trên 1 tỉ USD) hàng đầu thế giới. Tính tới tháng 3.2019, thế giới có 326 công ty kỳ lân, với 48% là các công ty Mỹ. Kế tiếp là Trung Quốc đóng góp khoảng 30% và đang ráo riết thu hẹp khoảng cách với quốc gia dẫn dầu.
Hầu hết những công ty kỳ lân mới lọt vào tốp 100 kỳ lân năm 2019 đều đến từ Mỹ (10 trong tổng số 22 công ty), tiếp theo là Trung Quốc với 7 kỳ lân mới. Ngoài ra danh sách cũng ghi nhận những tên tuổi kỳ lân mới đến từ Hàn Quốc, Ấn Độ và Indonesia.
Kỳ lân lớn nhất thế giới hiện tại là Bytedance, công ty quản lý ứng dụng đình đám TikTok với giá trị vốn hóa lên tới 75 tỉ USD. Bytedance đã nhanh chóng vượt qua công ty dẫn trước là Uber nhờ khoản đầu tư 3 tỉ USD đến từ SoftBank vào tháng 10.2018.
Giang Lê
Nguồn Forbes Vietnam