Sau Vingroup và Masan, SK Group tiếp tục tìm thương vụ mới tại Việt Nam
Tính đến thời điểm hiện tại, SK Group thông qua công ty đầu tư SK South East Asia Investment đã rót 1,5 tỉ USD vào Việt Nam thông qua hai thương vụ M&A với hai tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam là Masan và Vingroup. Nhà đầu tư này cho biết tiếp tục tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới.
Giữa tháng 5 năm rồi, thương vụ SK Group chi gần 1 tỉ USD để mua 6,2% vốn cổ phần tại Vingroup. Thương vụ gây chú ý với giới đầu tư không chỉ về giá trị mà còn là sự hợp tác đầu tiên giữa hai tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu của Hàn Quốc và Việt Nam.
Đây cũng là một trong 10 thương vụ M&A tiêu biểu của năm 2019. Tính về giá trị, đã chiếm hơn 13% tổng giá trị giao dịch M&A dự kiến đạt 7,6 tỉ USD trong năm 2019, theo số liệu công bố tại Diễn đàn mua bán và sáp nhập (M&A Forum 2019) hồi đầu tuần này.
Ông Andrew D.Kim, giám đốc phát triển Trung tâm M&A toàn cầu, Cơ quan xúc tiến đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) đánh giá thương vụ giữa SK Group và Vingroup có nhiều điểm không giống các thương vụ truyền thống của Hàn Quốc.
Theo ông Kim, thông thường đến 80% thương vụ M&A nhà đầu tư Hàn Quốc chú trọng đến tỷ lệ nắm giữ, đặc biệt là khả năng kiểm soát, tuy nhiên ở thương vụ này nhà đầu tư quan tâm nhiều đến điều kiện thể chế, khả năng đầu tư và cân nhắc kế hoạch rút lui nếu cần, thậm chí họ tìm cách để đảm bảo khoản đầu tư trước các rủi ro có thể xảy ra.
Trang tin Business Korea của Hàn Quốc cho biết SK South East Asia Investment được thành lập tháng 8.2018 nhằm mục tiêu tăng cường sự hiện diện của SK tại Đông Nam Á, nhằm thay thế cho thị trường Trung Quốc. Công ty này có vốn ban đầu 500 triệu USD được góp từ 5 công ty thành viên, gồm SK E&C, SK Innovation, SK Telecom, SK Hynix và SK E&S.
SK Telecom được xem là nhà mạng lớn nhất và dẫn đầu về công nghệ 5G tại Hàn Quốc
Đáng chú ý, SK Telecom được xem là nhà mạng lớn nhất và dẫn đầu về công nghệ 5G tại Hàn Quốc. Do vậy thương vụ đầu tư tỉ đô với Vingroup cũng đặt ra câu hỏi liệu có liên quan đến khả năng Vingroup gia nhập lĩnh vực viễn thông. Trao đổi với Forbes Vietnam bên lề diễn đàn M&A, ông Michael Han - trưởng đại diện SK Vietnam không đưa ra bình luận về thông tin trên. Ông cho biết hiện tại 20% danh mục tại Đông Nam Á liên quan đến lĩnh vực viễn thông, 80% đến từ các lĩnh vực phi viễn thông.
SK Group thông qua SK Telecom từng đầu tư cho mạng di động S-Fone vào những thập niên trước trong dự án hợp đồng hợp tác kinh doanh (BBC) với công ty Viễn thông Sài Gòn (SPT Telecom), nhưng mạng này sau đó thất bại và SK Telecom rút khỏi dự án.
Ông Michael Han cho biết lựa chọn đầu tư vào Vingroup vì đây là công ty lớn nhất Việt Nam, chiếm 25% giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán. “Chúng tôi không làm việc với một giao dịch cố định bằng giá trị mà dựa vào bàn luận tỷ lệ nắm giữ cổ phần”, ông Han nói.
Theo thông báo mới nhất, Vingroup vừa bổ sung một thành viên hội đồng quản trị là ông Park Woncheol, thành viên trong nhóm hỗ trợ chiến lược tại SUPEX, hội đồng tư vấn đưa ra quyết định của tập đoàn mẹ SK.
Ngoài Masan và Vingroup, ông Michael Han cho biết, công ty đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Đó là lý do SK thành lập một doanh nghiệp tại Việt Nam cách đây 5 tháng. "Hiện còn sớm để nói về lĩnh vực hay công ty nào nhưng chúng tôi đang tìm kiếm đối tác dựa trên yếu tố am hiểu địa phương, có nền tảng tài chính rộng mở,” ông Michael cho biết.
SK thông qua các công ty con đầu tư vào các công ty trong lĩnh vực năng lượng và dầu khí tại Việt Nam. SK Energy cũng là đối tác cung cấp xăng dầu cho Petrolimex. Gần đây nhất, SK Innovation cũng đầu tư 30 triệu USD mở Trung tâm Sáng tạo công nghệ Việt Nam.
Nhi Phạm
Nguồn Forbes Vietnam