Top doanh nghiệp bán lẻ có vốn hoá lớn nhất thị trường làm ăn ra sao trong 6 tháng đầu năm 2019?
Hầu hết các doanh nghiệp nhóm này đều ghi nhận sự tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2019.
Sau 6 tháng đầu năm, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG) trở thành “quán quân bán lẻ” trên sàn với 51.727 tỷ đồng doanh thu, tăng 16% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu online đạt 7.720 tỷ đồng, tăng trưởng 39% và chiếm 15% trong cơ cấu doanh thu. Lợi nhuận sau thuế thu về 2.121 tỷ đồng, tăng 38% so với nửa đầu năm 2018.
Tính đến cuối tháng 6, Thế Giới Di Động có 2.449 cửa hàng, tăng 262 cửa hàng so với cuối năm 2018. Trong đó chuỗi Bách Hóa Xanh hiện có 100 cửa hàng lớn 300m2 trên tổng số 600 cửa hàng, chiếm khoảng 17% số cửa hàng toàn chuỗi.
Ngoài ra, Thế Giới Di Động cũng đã bán đồng hồ theo mô hình shop-in-shop tại 34 cửa hàng với tổng số sản phẩm bán ra gần 11.000 chiếc đồng hồ. Việc bán thêm đồng hồ giúp các cửa hàng tăng trung bình khoảng 10% doanh thu mà hầu như không mất thêm chi phí trên một cửa hàng.
Cùng với kết quả kinh doanh tăng trưởng, cổ phiếu MWG cũng diễn biến tích cực từ đầu năm 2019 và bứt phá rõ rệt từ giữa tháng 4 đến nay. Hiện cổ phiếu này vẫn đang giao dịch quanh vùng đỉnh lịch sử gần 109.000 đồng/cổ phiếu (giá điều chỉnh), tăng 36% trong hơn 3 tháng.
Với việc cổ phiếu vượt đỉnh lịch sử, vốn hóa thị trường của Thế Giới Di Động cũng theo đó leo lên 48.119 tỷ đồng, gấp hơn 9 lần so với mức vốn hóa thời điểm “chân ướt chân ráo” lên sàn hồi giữa tháng 7/2014 (5.112 tỷ đồng).
Một doanh nghiệp bán lẻ khác có mức vốn hóa “khổng lồ” là CTCP Vincom Retail (mã VRE) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng trong nửa đầu năm 2019.
Sau nửa năm, Vincom Retail ghi nhận 4.267 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.251 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng trưởng 36% và 7% so với nửa đầu năm ngoái. Kết quả này giúp Vincom Retail trở thành doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng doanh thu nhanh nhất trong nhóm.
Tính đến cuối tháng 6, Vincom Retail sở hữu 69 trung tâm thương mại hoạt động tại 38 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, với tổng diện tích sàn bán lẻ đạt khoảng 1,5 triệu m2. Trong quý II, Vincom đã ra mắt 3 trung tâm thương mại mới, trong đó nổi bật là Vincom Center Trần Duy Hưng. Bên cạnh đó, đài quan sát Landmark 81 SkyView – Đài quan sát cao nhất khu vực Đông Nam Á ra mắt cuối tháng 4.
Đáng chú ý, với hơn 2,3 tỷ cổ phiếu đang niêm yết và lưu hành, vốn hóa thị trường của Vincom Retail hiện đã vượt hơn 86.000 tỷ đồng và trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ 10 trên toàn thị trường.
Doanh nghiệp có mức vốn hóa thị trường khiêm tốn nhất trong nhóm, CTCP Thế giới số (Digiworld – mã DGW) lại có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong 6 tháng đầu năm 2019.
Doanh nghiệp có mức vốn hóa thị trường khiêm tốn nhất trong nhóm, CTCP Thế giới số (Digiworld – mã DGW) lại có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong 6 tháng đầu năm 2019.
Thực tế, cả 2 chỉ tiêu kinh doanh chính là doanh thu và lợi nhuận của Digiworld đều ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số so với nửa đầu năm ngoái với 3.377 tỷ đồng doanh thu và 60 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 28% và 43%. Trong quý II vừa qua, Digiworld cũng lần đầu đạt doanh thu vượt 2.000 tỷ đồng và là mức doanh thu cao nhất từ khi thành lập.
Trái ngược với kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh, cổ phiếu DGW lại chưa có sự bứt phá từ đầu năm 2019 đến nay. Với thị giá “loanh quanh” vùng 22.500 đồng/cổ phiếu, vốn hóa thị trường của Digiworld chỉ khoảng 959 tỷ đồng, khiêm tốn hơn rất nhiều so với những doanh nghiệp trong nhóm bán lẻ.
Trong khi đó, sự cố ERP và hiệu ứng mất doanh số tại cửa hàng đã kéo lùi tăng trưởng của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã PNJ) trong quý II nói riêng và 6 tháng đầu năm nói chung.
Riêng trong quý II, PNJ ghi nhận 2.962 tỷ đồng doanh thu và 169 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 8% và 6% so với cùng kỳ năm trước do sức mua thị trường đối với trang sức suy giảm. Bên cạnh đó, những trục trặc không lường trước được trong hoạt động sau khi triển khai hệ thống ERP mới vào ngày 27/03 đã ảnh hưởng đến hoạt động bán hàng của công ty.
Dù kết quả quý vừa qua không thực sự thuận lợi nhưng tính chung 6 tháng đầu năm, PNJ vẫn đạt 7.745 tỷ đồng doanh thu thuần và 598 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 5,3% và 16% so với nửa đầu năm 2018.
Tương tự như DGW, cổ phiếu PNJ cũng chưa tạo được đột phá kể từ đầu năm 2019 dù kết quả kinh doanh vẫn tăng trưởng. Hiện cổ phiếu này đang dừng ở mức 78.200 đồng/cổ phiếu, cao hơn 15% so với đầu năm nhưng còn kém khá xa so với đỉnh đạt được cuối tháng 3 năm ngoái. Ước tính với mức thị giá này, vốn hóa của PNJ vào khoảng 17.400 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, vốn hóa thị trường của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail – mã FRT) lại “bốc hơi” gần 20% so với đầu năm, xuống còn hơn 3.400 tỷ đồng do xu hướng đi xuống của cổ phiếu FRT bất chấp kết quả kinh doanh bán niên vẫn ghi nhận sự tăng trưởng.
Sau 6 tháng, FPT Retail đạt 8.003 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 7% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng thương mại điện tử tăng trưởng 40,6%, mang về 1.649 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21% tổng doanh thu. Doanh thu ngành hàng phụ kiện đạt 374 tỷ đồng, tăng 25% với lượng SIM bán ra trong kỳ đạt 460.000, tăng 91%. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng gần 8%, thu về 158 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 6, tổng số cửa hàng của FPT Retail đã tăng thêm 25 cửa hàng so với đầu năm nay lên 558 cửa hàng.
Thanh Hà
Nguồn BizLive