Vì đâu Fintech hút vốn ngoại?
Thời gian gần đây, thị trường tài chính Việt Nam đón nhận nhiều thương vụ của các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào các startup Fintech, cho thấy sự hấp dẫn của ngành công nghiệp mới mẻ này...
Những thương vụ lớn
Ngày 26/7/2019, Trusting Social - Công ty khởi nghiệp chuyên về đánh giá điểm tín dụng của Việt Nam do TS. Nguyễn An Nguyên sáng lập đã huy động được 25 triệu USD từ các nhà đầu tư Sequoia Capital, 500 Startups, BeeNext.
Với giải pháp cho phép ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (Al) để đánh giá mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng, qua đó mang tới trải nghiệm vay tín chấp nhanh chóng với chi phí hợp lý, startup này cho biết đã chấm điểm cho gần 500 triệu người tại Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ, và đặt mục tiêu 1 tỷ khách hàng vào cuối năm 2019. Bản thân Trusting Social cũng đã thiết lập nền tảng cho vay trực tuyến Avay.vn - có thể cho vay tín chấp lên đến 70 triệu đồng chỉ qua các bước phê duyệt trong vài phút từ thông tin khách hàng nhập vào.
Hiện Cento Ventures xem Trusting Social là một trong bốn công ty công nghệ tại Việt Nam với mức định giá trên 100 triệu USD, bên cạnh VNG Corporation được xem là kỳ lân (trên 1 tỷ USD). Trong khi đó, Sequoia Capital - một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm danh tiếng nhất hiện nay tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghệ, đã xác nhận khoản đầu tư vào Trusting Social là khoản đầu tư đầu tiên tại Việt Nam.
Chỉ trước đó ba ngày (23/7/2019), thị trường cũng xôn xao trước thông tin quỹ đầu tư khởi nghiệp lớn nhất thế giới Softbank Vision Fund của tỷ phú công nghệ Nhật Bản Masayoshi Son, ông chủ của Softbank và Quỹ Đầu tư quốc gia Singapore (GIC) có thể sẽ đầu tư 300 triệu USD vào nền tảng thanh toán VNPAY của Việt Nam. Nếu thương vụ này thành công thì đây là đợt gọi vốn cho công ty Fintech lớn nhất từ trước tới nay.
Được biết, VNPAY do Công ty CP Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPAY) phát triển là giải pháp thanh toán cho phép khách hàng sử dụng tính năng QR Pay được tích hợp sẵn trong ứng dụng Mobile Banking của các ngân hàng trên điện thoại di động và quét mã VNPAY để thanh toán giao dịch. Cũng trong lĩnh vực Fintech, ví điện tử Momo đã huy động được gần 100 triệu USD qua hai vòng gọi vốn năm 2016 và 2018.
Sức hút của thị trường Việt Nam
Theo báo cáo của Tổ chức We are social 2018, Việt Nam có 64 triệu người dùng Internet, chiếm 67% dân số, có 70,03 triệu người dùng điện thoại di động, chiếm 74% dân số. Tuy nhiên, hiện Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có mức độ tiếp cận các dịch vụ tài chính còn ở mức thấp, người trưởng thành có tài khoản ngân hàng mới đạt 30,8%, thấp hơn nhiều nước trong khu vực.
Ở lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P Lending), nếu như Trung Quốc đang bước vào giai đoạn thoái trào và đối mặt với hàng loạt rủi ro, thì Việt Nam lại đang ở thời kỳ đầu bùng nổ. Thậm chí ngay cả những công ty tài chính cho vay tiêu dùng truyền thống như FE Credit cũng đang sử dụng các giải pháp xếp hạng tín dụng cá nhân của Social Trusting, cho thấy các tiện ích dịch vụ mà nhóm công ty Fintech có cơ hội phát triển và cung cấp là còn rất lớn.
Việt Nam có 64 triệu người dùng Internet, chiếm 67% dân số, có 70,03 triệu người dùng điện thoại di động, chiếm 74% dân số. Tuy nhiên, người trưởng thành có tài khoản ngân hàng mới đạt 30,8%.
Thời gian qua, các tổ chức tài chính truyền thống như ngân hàng đã hợp tác với các công ty Fintech nhằm tận dụng triệt để những lợi thế của nhau để mang đến những sản phẩm, dịch vụ tiện ích nhất cho khách hàng. Có thể kể đến như thương vụ hợp tác giữa Ngân hàng Nam Á và sàn tài chính Tima, VPBank hợp tác với Timo và TPBank liên kết với Công ty CP Misa và Công ty CP Finext với instant.vn để đưa ra sản phẩm “Cho vay online không tài sản đảm bảo” dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đáng lưu ý là sắp tới Việt Nam sẽ triển khai dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động (Mobile Money), đây càng là điều kiện tốt để các công ty Fintech phát triển hơn nữa. Những đề án thanh toán không dùng tiền mặt, yêu cầu minh bạch, công khai các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, hay chiến lược phát triển tài chính toàn diện của Chính phủ sẽ là các yếu tố, cam kết hỗ trợ về mặt định hướng và môi trường cho các công ty Fintech phát triển.
Tính đến cuối tháng 6/2019, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước đã có 30 tổ chức không phải là ngân hàng được NHNN cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có những tên tuổi đã trở nên phổ biến như Napas, VNPAY, MOCA, EPAY... Với mật độ thuê bao di động tại Việt Nam đã trên mức 100% từ nhiều năm nay, đủ đảm bảo điều kiện cho các dịch vụ như Mobile Money phát triển trên điện thoại di động, cũng như kích thích các công ty Fintech tham gia.
Trong khi đó, các thương vụ gọi vốn thành công của các startup trong lĩnh vực Fintech sẽ góp phần làm bùng nổ thêm các dự án khởi nghiệp tại Việt Nam trong lĩnh vực này.
Anh Khoa
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn