Trần chi phí tiếp thị quảng cáo: Nới hay bỏ?

Theo Tờ trình của Chính phủ về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, tỉ lệ khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mãi được nâng từ 10% lên 15%, tuy nhiên không ít ý kiến cho rằng, để tạo bước đột phá nên bỏ tỉ lệ khống chế thay vì nới như dự thảo.

Cân nhắc con số

Quy định trong dự án luật về lượng mức khống chế quảng cáo, khuyến mãi lên 15% cần có sự cân nhắc thêm vì với những lý do cơ bản sau:

Thứ nhất, cần đảm bảo tính công bằng và hiệu quả quản lý nhà nước theo từng mục tiêu và giai đoạn cụ thể. Theo đó, không nên khống chế trần chi phí quảng cáo nhưng có thể xác lập nguyên tắc mềm quy định doanh nghiệp chỉ được tính giảm trừ 50% tổng chi phí quảng cáo phát sinh không căn cứ vào tổng số chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp được tính trừ hoặc có thể cho phép doanh nghiệp được tính giảm trừ 15 - 20% tổng doanh thu từ sản xuất kinh doanh dịch vụ của năm tài chính. Phần chi phí thực chi vượt trội có thể được chuyển tính vào năm tiếp theo. Việc này cho phép doanh nghiệp có thể chủ động quyết định được ngân sách chi cho quảng cáo của họ tùy thuộc vào mục tiêu kinh doanh, xây dựng thương hiệu, tạo sức cạnh tranh trên thị trường.

Thứ hai, nhà nước cần có mức tính trừ chi phí quảng cáo để khuyến khích sự minh bạch trong kinh doanh của doanh nghiệp. Một mặt những chi phí không công khai, không đúng mục đích quảng cáo sẽ không được coi là chi phí hợp lệ và không được tính trừ.

Thứ ba, cần tính giảm trừ chi phí quảng cáo theo nguyên tắc tránh cào bằng, mà căn cứ theo tính chất từng nhóm ngành và thời điểm, thời gian quảng cáo. Theo tinh thần này nên phân biệt mức giảm trừ chi phí quảng cáo trong thu nhập tính thuế theo tính chất ngành của doanh nghiệp.

Thứ tư, cần tính giảm trừ chi phí quảng cáo theo mục tiêu sử dụng nhằm xây dựng, quảng bá hình ảnh thương hiệu hàng hóa, khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa, hàng của doanh nghiệp sản xuất theo công nghệ sạch bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cần giảm mức chi phí quảng cáo được khấu trừ nhằm ngăn chặn tiêu dùng quá mức đối với những sản phẩm gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng như rượu, thuốc lá.

Tính trên doanh thu

Về mặt nguyên tắc, chúng ta nên quán triệt thống nhất từ trước tới nay tất cả các khoản chi phí thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp phải được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế nhưng những chi phí đó phải được kiểm soát bằng các công cụ là chứng từ hóa đơn thanh toán.

Trần chi phí tiếp thị quảng cáo: Nới hay bỏ?

Qua nghiên cứu dự thảo luật, chúng tôi thấy đã bảo đảm được nguyên tắc trên, đặc biệt công cụ mới là chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, chính vì vậy những khoản chi quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu không cần phải khống chế theo tỉ lệ phần trăm 10% hay 15%.

Trên thế giới hiện nay chỉ có hai nước áp dụng khống chế tỉ lệ phần trăm trên doanh nghiệp là Trung Quốc và Lithuania. Nếu khống chế tỉ lệ phần trăm như dự thảo thì vừa phức tạp, vừa khó khăn cho doanh nghiệp quảng bá thương hiệu của mình, trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các hãng nước ngoài bán hàng vào thị trường của ta có tiềm lực mạnh, thương hiệu lớn và có nguồn lực tài trợ từ Cty mẹ nước ngoài tài trợ cho họ để chiếm lĩnh thị trường của doanh nghiệp nước ta. Vô hình trung doanh nghiệp Việt Nam có thể bị thua ngay trên sân nhà bởi chính những quy định của chúng ta, đó là chưa kể đến doanh nghiệp của ta phải quảng bá và vươn ra nước ngoài. Trong trường hợp cần phải giữ tỉ lệ khống chế chi phí quảng cáo để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước thì quy định tỉ lệ phần trăm hợp lý tính trên doanh thu. Bởi quy định trên doanh thu rõ ràng, minh bạch, doanh nghiệp dễ dàng xác định, cơ quan quản lý Nhà nước cũng dễ giám sát khoản chi này của doanh nghiệp.

Thực tiễn những năm qua chúng ta giới hạn tỉ lệ phần trăm trên chi phí tạo rất nhiều gánh nặng cho doanh nghiệp, như doanh nghiệp phải thống kê lại chứng từ, bóc tách chi phí, tính ra tỉ lệ phần trăm giới hạn trên chi phí, ngoại trừ các chi phí vượt giới hạn... cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý đều vất vả.

Hạn chế cạnh tranh

Là người tham gia trong quá trình thông qua Luật thuế thu nhập doanh nghiệp ở nhiệm kỳ trước và đồng thời tham gia việc xây dựng Luật quảng cáo, cũng là một lĩnh vực có liên quan như đầu vào của doanh nghiệp, tôi cho rằng, chúng ta phải sớm thực hiện lộ trình hội nhập với thế giới, trong đó có việc là xóa bỏ quy định trần này.

Con số 15% đưa ra trong dự thảo có nhích lên hơn trước 5% nhưng nếu làm một phép tính đơn giản: sau 4 năm chúng ta nhích lên được 5% thì phải 68 năm nữa chúng ta mới lên được 100% tức là mới hội nhập mới hoàn thiện lộ trình chúng ta đưa ra. Việt Nam vẫn nói là hội nhập với thế giới trong khi thế giới đã bỏ quy định trần và hiện nay chỉ còn Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng ngay cả Trung Quốc họ cũng đi trước chúng ta ở chỗ tính theo doanh thu.

Việc khống chế phí quảng cáo hạn chế cung cấp thông tin cho người tiêu dùng.

Tôi cho rằng, cần phải xem xét lại căn cứ tăng 5%, tại sao không phải là 20%, 25%? Phải chăng, chỉ vì chúng ta có tâm trạng chung là cảnh giác với các doanh nghiệp chứ không phải là tin cậy các doanh nghiệp, mở rộng cánh cửa cho doanh nghiệp phát triển thương hiệu, phát triển thị trường? Tại sao không nghĩ rằng khi doanh nghiệp phát triển, mang lại nguồn thu bền vững mới là quan trọng?

Thực tế các doanh nghiệp Việt Nam đang phải cạnh tranh, thậm chí cạnh tranh ngày càng ở thế bất lợi đối với các doanh nghiệp có vốn nước ngoài hoặc của nước ngoài. Đặc biệt là trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu.

Thực tế, ngay cả chi phí cho quảng cáo cũng là một khoản đầu tư cần thiết chứ nó không mất đi đâu. Vậy mà chúng ta vẫn còn dè chừng thì có thể 4 năm nữa chúng ta lại có một cuộc sửa đổi để nhích lên vài %. Vì thế Ban soạn thảo nên quan tâm đến lộ trình một cách mạnh mẽ hơn để đạt được mục tiêu cuối cùng và quan trọng nhất là lợi ích của nhà nước gắn chặt với lợi ích doanh nghiệp.

Doanh nghiệp vẫn bị “trói”

Khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi, hoa hồng và môi giới là vấn đề bất cập đối với doanh nghiệp mà tôi đã có kiến nghị nhiều lần tại các cuộc hội thảo có liên quan. Về mặt hình thức, dự thảo đã nâng mức này lên từ 10% lên 15% nhưng về mặt bản chất thì vẫn chưa cởi trói cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc khống chế phí quảng cáo còn hạn chế cung cấp thông tin cho người tiêu dùng. Tình trạng sính hàng ngoại, thích nhập hàng mang những thương hiệu nổi tiếng ở nước ngoài của người tiêu dùng Việt Nam cũng là hệ lụy của việc khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị của doanh nghiệp Việt Nam.

Tôi không cho rằng, việc bỏ tỉ lệ khống chế sẽ làm giảm nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp vào ngân sách. doanh nghiệp buộc phải chi các khoản này để tồn tại, để cạnh tranh được, để tăng thị phần và để gia tăng lợi nhuận của chính họ. Họ không có lý do gì để chi tiền nhiều hơn nhằm giảm lợi nhuận của họ và dẫn đến giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Đặt ra giới hạn tỉ lệ chi trong khi hầu hết các nước không áp dụng theo tôi không phải là một cách làm hay mà còn tự trói tay các doanh nghiệp của chúng ta trong cạnh tranh.

Mặt khác, trên thực tế, các doanh nghiệp hoạt động trong nhiều ngành nghề khác nhau, sản phẩm cũng khác nhau nên nhu cầu về quảng cáo, tiếp thị cũng hoàn toàn không giống nhau. Ví dụ, trong lĩnh vực dược phẩm, chi phí quảng cáo thường chiếm một tỉ lệ rất lớn và nếu như bị khống chế thì các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể cạnh tranh được với các tập đoàn dược phẩm nước ngoài.

Việc quy định một tỉ lệ chung cho các ngành hàng, không những bất cập trên thực tế mà còn kiềm chế việc bán hàng và kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, nên xem xét để có thể điều chỉnh chi phí quảng cáo hoa hồng để trên tỉ lệ phần trăm trên doanh thu, thay vì tính trên tổng số chi phí được trừ như dự thảo luật để đảm bảo tính chủ động cho doanh nghiệp.

----------------
Tình trạng sính hàng ngoại của người tiêu dùng Việt Nam cũng là hệ lụy của việc khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam): Cần giảm mức chi phí quảng cáo được khấu trừ nhằm ngăn chặn tiêu dùng quá mức đối với những sản phẩm gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng như rượu, thuốc lá...

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ - Phó TGĐ Cty CP Tập đoàn Hương Sen (Thái Bình): Những khoản chi quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu không cần phải khống chế theo tỉ lệ phần trăm 10% hay 15%.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Phải chăng, chúng ta có tâm trạng chung là cảnh giác với các doanh nghiệp chứ không phải là tin cậy doanh nghiệp, mở rộng cánh cửa cho doanh nghiệp phát triển thương hiệu, phát triển thị trường?

Bà Vũ Thị Thuận - Chủ tịch HĐQT Traphaco: Đặt ra giới hạn tỉ lệ chi trong khi hầu hết các nước không áp dụng không phải là một cách làm hay mà còn tự “trói tay” các doanh nghiệp của chúng ta trong cạnh tranh.

Nguồn Dùng hàng Việt