VNG Corporation được định giá thương hiệu 59,6 triệu USD

Forbes Việt Nam vừa công bố danh sách Top 50 thương hiệu dẫn đầu Việt Nam năm 2019, theo đó giá trị thương hiệu của Công ty Cổ Phần VNG (VNG) được định giá 59,6 triệu USD, tăng 12% về giá trị và 4 bậc về thứ hạng so với danh sách năm 2018.

Đây là năm thứ 4 liên tiếp VNG có tên trong danh sách do Forbes bình chọn. Được biết, Forbes Việt Nam đã thực hiện danh sách này theo phương pháp đánh giá của Forbes (Mỹ), tính toán hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như độ phủ và mức độ nhận biết của người tiêu dùng dành cho thương hiệu.

VNG Corporation được định giá thương hiệu 59,6 triệu USD

Những thương hiệu giá trị nhất là thương hiệu đạt mức doanh thu lớn trong các ngành và có tình hình tài chính tích cực, ấn tượng. Trong đó, 10 thương hiệu dẫn đầu danh sách trị giá gần 7 tỷ USD.

Vị trí quán quân trong lĩnh vực phân phối và phát hành trò chơi trực tuyến (game online) năm 2018 tiếp tục thuộc về VNG

Cũng theo đánh giá của Forbes: “Vị trí quán quân trong lĩnh vực phân phối và phát hành trò chơi trực tuyến (game online) năm 2018 tiếp tục thuộc về VNG. Ở mảng công nghệ không liên quan tới game, ứng dụng Zalo có hơn 100 triệu lượt tải, được nhiều tỉnh, thành phố ứng dụng trong cải cách thủ tục hành chính. Dựa trên nền tảng Zalo, VNG hiện đang tiếp tục cung cấp thử nghiệm nhiều dịch vụ khác như thanh toán, thương mại điện tử hay ứng dụng gọi xe. Ngoài ra, hệ thống quảng cáo Adtima phục vụ việc quảng cáo cho cổng nội dung số Zing cũng nằm trong tốp 4 nhà quảng cáo trực tuyến lớn nhất trong nước. VNG là kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam khi được quỹ đầu tư Temasek rót vốn và định giá 2,2 tỷ USD vào đầu năm 2019”.

Hiện tại, VNG đang tập trung phát triển 4 mảng kinh doanh chính là trò chơi trực tuyến, nền tảng kết nối, thanh toán và tài chính và dịch vụ đám mây. Ngoài ra, công ty cũng đầu tư nghiên cứu các công nghệ dẫn đầu xu thế hiện nay như Big Data, AI, Machine Learning…

Không chỉ chinh phục thị trường trong nước, VNG còn hiện diện tại nhiều nước Đông Nam Á như Thái Lan, Myanmar, Singapore, Philippines…với mong muốn đưa sản phẩm, công nghệ Việt ra thế giới.

Lữ Ý Nhi
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn