Giá trị các thương vụ M&A ở Việt Nam đạt 1,9 tỷ USD sau nửa năm

Tổng giá trị các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) trong 10 năm qua đạt 55 tỷ USD. Tuy nhiên, giá trị các thương vụ trong 6 tháng đầu năm đang chững lại với 1,9 tỷ USD.

Chiều 6/8, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng dự Diễn đàn M&A Việt Nam 2019 tại TP.HCM với chủ đề “Thay đổi để bứt phá”.

Thứ trưởng Thắng nhận định trong 10 năm qua, hoạt động M&A đã tăng trưởng không ngừng và trở thành một xu thế quan trọng trong hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Nếu năm 2009, tổng giá trị thương vụ M&A chỉ đạt 1,1 tỷ USD thì đến năm 2018, con số này đã đạt 7,64 tỷ USD. Qua đó, tổng giá trị thương vụ trong thập kỷ qua đạt khoảng 55 tỷ USD.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng giá trị các thương vụ M&A được công bố tại Việt Nam đang chững lại, chỉ đạt 1,9 tỷ USD, bằng 53% cùng kỳ năm 2018 (3,55 tỷ USD). Còn theo một thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), giá trị nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước trong 6 tháng đầu năm đạt 2,64 tỷ USD.

Giá trị các thương vụ M&A ở Việt Nam đạt 1,9 tỷ USD sau nửa năm

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng phát biểu trong Diễn đàn M&A Việt Nam 2019. Ảnh: Báo Đầu tư.

Đánh giá về sự tham gia của Chính phủ với hoạt động M&A ở Việt Nam, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết Chính phủ đang xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tham gia vào quá trình tái cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước thông qua góp vốn, mua cổ phần cũng như thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

Đặc biệt, ông cho biết chủ trương mới của Chính phủ tới đây sẽ đa dạng hóa hình thức mua bán và sáp nhập (M&A), đồng thời nghiên cứu, thực hiện thí điểm đối với các phương thức đầu tư, mô hình kinh doanh mới để để tận dụng cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

“Các yếu tố tích cực trên đang mở ra một kỷ nguyên mới cho hoạt động M&A tại Việt Nam với nhiều cơ hội bứt phá, đưa M&A trở thành kênh thu hút đầu tư quan trọng trong thời gian tới”, ông khẳng định.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh thêm: “Để có thể thực sự bứt phá, thị trường M&A Việt Nam trông đợi những thay đổi mạnh mẽ từ quá trình ban hành và thực thi chính sách đến các hoạt động kết nối, thực thi thương vụ và sự đổi mới, sáng tạo của các bên mua và bán”.

Bên cạnh đó, tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn trong giai đoạn 2018 và 6 tháng đầu năm tuy có những nỗ lực và kết quả nhất định, nhưng có dấu hiệu chững lại. Theo đó, cần tháo gỡ các rào cản và thực hiện quyết liệt, thì mới đạt mục tiêu và kỳ vọng của Chính phủ cũng như các nhà đầu tư.

Hà Bùi
Nguồn Zing News