Tỷ lệ hàng Việt ở các đại siêu thị hiện nay là bao nhiêu?
10 năm sau kể từ khi có cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" lượng hàng Việt duy trì tại các siêu thị lớn duy trì trên mức 90%.
Theo một báo cáo của Bộ Công Thương, sau 10 năm triển khai, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã góp phần vào phát triển thị trường trong nước, từ đó đưa ra các giải pháp tổ chức hiệu quả hệ thống phân phối, thiết lập các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong thị trường với nhau, từ người sản xuất đến người tiêu dùng, từ trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước, nhằm đưa hàng hóa có chất lượng từ nhiều khu vực, vùng miền khác nhau đến tận tay người tiêu dùng tại địa phương và thu hút hàng hóa nông sản, đặc sản tại địa phương đến các tỉnh, thành phố khác.
Hoạt động thương mại tại thị trường trong nước hàng năm tạo ra giá trị khoảng 14-15% GDP, doanh thu bán lẻ và dịch vụ không ngừng tăng và cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng chung của cả nền kinh tế. Đồng thời, thị trường trong nước cũng hỗ trợ tích cực cho công tác giải quyết việc làm khi thu hút khoảng 6 - 7 triệu lao động (chiếm hơn 12% tổng lao động toàn xã hội).
Theo kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện Dư luận Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, đối tượng điều tra là cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên phạm vi toàn quốc, có 88% người tiêu dùng cho biết họ quan tâm đến cuộc vận động này.
Trong đó, "Rất quan tâm" là 53% và "Quan tâm có mức độ" là 35%; số người "ít quan tâm" hoặc "không biết có Cuộc vận động này" chiếm tỷ lệ thấp 12%. So với kết quả điều tra các năm 2010 thì tỷ lệ "rất quan tâm" đến Cuộc vận động ở thời điểm năm 2019 tăng 5% (từ 48% lên 53%).
Tuy nhiên, so với kết quả năm 2014, tỷ lệ "rất quan tâm" của người dân đối với Cuộc vận động lại giảm 8% (năm 2014 là 61%).
67% người được hỏi cho rằng, kể từ khi có cuộc vận động, bản thân họ đã "Tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; 52% cho rằng "Khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen nên mua hàng Việt Nam"; 36% cho rằng "Trước đây có thói quen thường mua hàng có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài nay đã dừng mua (hoặc mua ít hơn), thay vào đó là mua hàng Việt Nam".
So sánh kết quả điều tra năm 2019 với các năm 2010 và 2014, có thể thấy sự chuyển biến trong nhận thức, thái độ của người dân khi mua sắm hàng hóa đã có sự thay đổi đáng kể.
Tỷ lệ này có xu hướng tăng dần (năm 2010 là 59%; năm 2014 là 63%; năm 2019 là 67%).
Big C cam kết giữ nguyên trên 90% hàng Việt, hàng Thái Lan 1,26% trong đó hàng thương hiệu Thái Lan 0,3% và cam kết giữ vững tỷ lệ này.
Một kết quả được báo cáo đề cập đó là tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước duy trì ở mức cao, hầu hết trên 80%. Chẳng hạn, tỷ lệ hàng Việt ở Saigon Co.opmart đạt 90-93%, Satra là 90-95%, Vissan là 95%, Lotte đạt 82%, AEON đạt 80%... Điều này là minh chứng rõ nét cho việc hàng hóa Việt Nam đang dần chiếm lĩnh được thị trường nội địa trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay.
Bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, hiện không có quy định nào quy định về tỷ lệ hàng hoá nội trong các siêu thị ngoại tại Việt Nam.
Riêng với trường hợp Big C, bà Nga cho biết, Big C cam kết giữ nguyên trên 90% hàng Việt, hàng Thái Lan 1,26% trong đó hàng thương hiệu Thái Lan 0,3% và cam kết giữ vững tỷ lệ này. Năm 2018 tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống siêu thị này là 96% bao gồm nhiều mặt hàng, phần lớn kinh doanh hàng nông sản chiếm tới hơn 70%.
Vừa qua, sự việc Big C tạm dừng hợp đồng của 200 nhà cung cấp may mặc ở Việt Nam cũng dấy lên làn sóng phản đối dữ dội trong dư luận với đại siêu thị này. Với sự vào cuộc của nhiều bộ ban ngành, Central Group ngay sau đó đã mở lại đơn hàng cho 50 nhà cung cấp, còn lại sẽ làm việc kỹ hơn về việc doanh nghiệp Việt chưa đáp ứng được quy định, cam kết theo hợp đồng đã ký và Central khẳng định tuân thủ đúng nội dung tinh thần hợp đồng đã ký giữa Central và các nhà cung cấp.
Bạch Huệ
Nguồn VN Economy