Tư duy lãnh đạo: Thông minh hơn A.I - Chạy đua cùng robot
Tận dụng lợi thế kết hợp công nghệ và tài năng cho phép doanh nghiệp phát huy tối đa sức mạnh của mình.
Khác tuổi tác, khác về tư duy và mô hình kinh doanh, thế nhưng điểm chung của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp có quy mô ở Việt Nam là ứng dụng công nghệ nhằm tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh. Không những thế, công nghệ còn là yếu tố quyết định sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai.
“Chúng tôi phải ra nước ngoài, không có công nghệ không thực hiện được mục tiêu này”, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC), nói.
Động lực mới từ công nghệ
Khác với đại diện đến từ Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động, PNJ, Tiki hay Seedcom, người đứng đầu Hòa Bình thuộc thế hệ các nhà lãnh đạo đầu tiên ở Việt Nam, lại hoạt động trong một ngành khá đặc thù. Vì thế, phát biểu của ông Lê Viết Hải ngay lập tức thu hút được sự quan tâm của đại diện các doanh nghiệp trong buổi tọa đàm “Lãnh đạo và tư duy công nghệ” tại sự kiện vinh danh Top 50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2018 do Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức mới đây.
Thành lập năm 1987, tham vọng của Hòa Bình là tăng trưởng 25 lần sau mỗi 10 năm và Công ty vẫn đang không ngừng đeo bám mục tiêu. Năm 1998, doanh thu của Tập đoàn đạt 30 tỉ đồng, năm 2008 là 700 tỉ đồng và năm 2018 là hơn 18.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, Hòa Bình đang đối mặt với việc mục tiêu tăng trưởng không đảm bảo vì hạn chế về khả năng tăng trưởng ở thị trường nội địa. Theo đó, tốc độ tăng trưởng ở Việt Nam chỉ còn khoảng 10% mỗi năm nên để hoàn thành mục tiêu, doanh nghiệp này buộc phải tìm cơ hội tăng trưởng ở các thị trường nước ngoài.
Theo ông Lê Viết Hải, so với các nước trong khu vực, Hòa Bình đang có nhiều lợi thế về kinh nghiệm xây dựng nhà cao tầng, tốc độ triển khai và đội ngũ nhân công giá cạnh tranh. “Hòa Bình sẽ không phát huy sức mạnh được nếu không quản lý 100 công trình quy mô lớn cùng lúc. Không có công nghệ, không thể quản lý được”, ông Hải khẳng định.
Hòa Bình là một trong số rất nhiều công ty ở Việt Nam sinh ra trong giai đoạn giao thời, khi việc quản lý bắt đầu từ con người và chuyển dần một phần sang máy móc. Công nghệ giúp tăng hiệu quả công việc nhưng nó cũng phát sinh các rào cản đến từ khả năng tiếp cận của nhóm lãnh đạo cũ cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi của một số bộ phận theo mô hình truyền thống. Khá nhiều công ty dù lãnh đạo rất muốn ứng dụng công nghệ nhưng việc triển khai không như mong đợi. Không nhiều trường hợp có quyết tâm cao như người đứng đầu Hòa Bình.
PNJ cũng là một doanh nghiệp may mắn, theo ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc, khi hệ thống thích ứng được vấn đề này vì bản thân PNJ cũng từng trải qua 2 lần thay đổi mô hình kinh doanh và mỗi lần như vậy người PNJ cũng cởi mở hơn để tiếp tục tồn tại và phát triển. Kết thúc năm 2018, doanh thu thuần PNJ đạt 14.573 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 960 tỉ đồng, tăng lần lượt 33% và 32% so với trước đó. Nhìn chung, Công ty vượt gần 9% so với chỉ tiêu đề ra. “Có thể ví văn hóa PNJ như một hệ điều hành và dù đã được lập trình cách đây 50 năm nhưng vẫn đủ sức tích hợp các mô hình mới như bán lẻ và sắp tới là đa kênh”, ông Thông ví von.
Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở đó, sự phát triển của công nghệ từ phía người dùng đang trở thành áp lực cho doanh nghiệp và sự thay đổi chậm chạp có thể làm họ bị lãng quên. Ông Nguyễn Hoành Tiến, Giám đốc Điều hành Seedcom, cho rằng trong vòng 5 năm tới, hành vi mua sắm của khách hàng trên trực tuyến và tại các cửa hàng truyền thống sẽ rất khó phân biệt, doanh nghiệp phải cung cấp trải nghiệm giống nhau trên tất cả các kênh.
Bên cạnh đó, việc phổ biến của smartphone thúc đẩy tính cá thể hóa của từng khách hàng, dẫn đến hành vi mua hàng với trải nghiệm được cá nhân hóa cũng tăng theo. Để làm được điều này, cần rất nhiều nền tảng công nghệ tốt. Tầm quan trọng của công nghệ giờ đây không dừng ở khâu tiếp xúc khách hàng mà còn ở giai đoạn chuỗi cung ứng, giao nhận. Nhu cầu khách hàng ngày càng phân mảnh và thay đổi nhanh chóng nên các thông tin này từ đầu khách hàng đến khâu hậu cần rất quan trọng. “Công nghệ machine learning (học máy), A.I (trí tuệ nhân tạo) sẽ được chúng tôi đầu tư phát triển thận trọng”, ông Tiến nói.
Ở vị trí là công ty bán lẻ lớn nhất Việt Nam với khoảng 50.000 nhân viên, hàng ngàn cửa hàng và hàng chục triệu khách hàng, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động cũng cực kỳ xem trọng vai trò của công nghệ. “Công nghệ hóa những công việc đòi hỏi khối lượng lớn và phục vụ hằng ngày mà nếu không biết áp dụng công nghệ thông tin thì doanh nghiệp không thể đi nhanh và đi xa”, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động, cho biết. Công ty hiện sử dụng hệ thống ERP, hệ thống trưng bày sản phẩm hiển thị giá tự động, hệ thống trưng bày sản phẩm QR code... chỉ cần 1-2 người vận hành.
Những cái tên như Seedcom, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động, PNJ hay Hòa Bình có thể nói là rất dũng cảm trong việc tiếp cận công nghệ để đầu tư cho tương lai, khi không nhiều doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn với vấn đề này. Báo cáo “Chỉ số phát triển kỹ thuật số của doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực châu Á - Thái Bình Dương” (Cisco) được thực hiện trên 1.340 doanh nghiệp tại khu vực cho thấy, có hơn 60% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại châu Á - Thái Bình Dương đã bắt đầu số hóa nhờ vào việc truy cập internet được cải thiện và tỉ lệ sở hữu smartphone ngày càng tăng. Họ đang tái định nghĩa trải nghiệm và mong đợi của khách hàng, thay đổi cách thức hoạt động, trong khi vẫn nắm bắt tốt các nguồn đầu tư và thúc đẩy nhiều cơ hội mới. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra, các doanh nghiệp trong khu vực, ngoại trừ Singapore, đều được xếp vào giai đoạn “Thờ ơ với kỹ thuật số”. Giai đoạn này được định nghĩa là “khoảng thời gian mà các nỗ lực kỹ thuật số của doanh nghiệp dừng ở mức phản ứng với thay đổi của thị trường nhiều hơn là phát triển theo các phương thức chủ động”.
Làn sóng công nghệ số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như A.I, blockchain, internet vạn vật (Internet of Things - IoT), các nền tảng và dịch vụ điện toán đám mây có tiềm năng tạo bước nhảy vọt trong nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghiệp, đơn giản hóa chuỗi cung ứng, logistics và giúp các doanh nghiệp vận hành hiệu quả hơn. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải đối mặt với những rào cản trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số như thiếu kỹ năng số và nhân lực (17%), thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số (16,7%), thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp (15,7%)…
Điểm đáng ghi nhận ở thị trường Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đang bước đầu đầu tư vào công nghệ đám mây (18%), an ninh mạng (12,7%), nâng cấp phần mềm, phần cứng để chuyển đổi số (10,7%). Tuy nhiên, báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2019 “Trước ngưỡng cửa kinh tế số” mới đây của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết tới 85% doanh nghiệp công nghiệp vẫn nằm ngoài cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chỉ có 13% ở cấp độ mới bắt đầu.
Tương lai trong tay nhân tài
Khảo sát gần đây của HSBC “Sẵn sàng cho tương lai” được thực hiện với 2.500 doanh nghiệp tại 14 nền kinh tế. Phần lớn doanh nghiệp tham gia khảo sát nói rằng, các cơ hội công nghệ lớn nhất nằm ở IoT, A.I, công nghệ 5G, tất cả đều có 2 đặc tính chung: thứ nhất, cần lực lượng nhân sự lành nghề để khai thác, cho thấy tầm quan trọng của yếu tố con người; thứ 2, những công nghệ này mang các công ty lại gần với khách hàng hơn, nhấn mạnh tầm quan trọng của thực thi và triển khai.
Có thể thấy, bên cạnh tư duy công nghệ, con người cũng góp phần quan trọng trong mục tiêu phát triển bền vững của các doanh nghiệp công nghệ. Đây là vấn đề được bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc Điều hành ESP Capital, đặt ra cho các diễn giả. ESP là cái tên khá quen thuộc ở thị trường Việt Nam, thông qua các thương vụ đầu tư vào các startup như Luxstay, Ecomobi, Homedy… Bà Vy hiểu rõ yếu tố con người đóng vai trò như thế nào trong mô hình các công ty công nghệ, nhất là những công ty đang trong giai đoạn tăng trưởng. Đó là chưa kể những khác biệt về văn hóa của các cá nhân nước ngoài khiến nhiều công ty chưa kịp thu được thành quả đã phải nhận trái đắng. Ông Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập sàn thương mại Tiki.vn, cho biết mục tiêu cuối cùng của Tiki.vn là trở thành một nền tảng có ảnh hưởng đến xã hội và con người nhiều nhất có thể.
Trong giấc mơ này, Tiki phải cạnh tranh với các đối thủ ở tầm khu vực với trị giá cả ngàn tỉ USD như Amazon chẳng hạn, nên rất cần nhân lực có kinh nghiệm và kiến thức trên toàn cầu. Hằng năm, Công ty đều đặt mục tăng trưởng cao, đòi hỏi mỗi cá nhân đều phải nỗ lực tăng theo nhưng với 2.000 con người, đây là một mục tiêu khó. Chính vì thế, Tiki.vn cần nhiều nhân tài không chỉ trong nước, khu vực để đưa Công ty đi lên. Theo ông Sơn, các công ty có quy mô toàn cầu đều tìm nhân tài ở Việt Nam, Trung Quốc nên sẽ là thiệt thòi cho Tiki.vn khi cạnh tranh với các đối thủ toàn cầu nhưng lại giới hạn trong tuyển dụng. “Quan điểm của tôi là làm sao trong mảng công nghệ, đầu tư chính đáng về con người và phục vụ người Việt Nam tốt nhất thì đừng giới hạn việc tuyển dụng ở Việt Nam”, ông Sơn cho biết.
Đồng quan điểm, ông Thông của PNJ cho rằng, bên cạnh năng lực, nhân lực PNJ cần phải có kiến thức, có khả năng giả định các tình huống đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau. PNJ đã chuyển đổi mô hình kinh doanh từ đơn vị sản xuất vàng bạc sang bán lẻ từ năm 2013 nên các kinh nghiệm trước đây có được không đảm bảo cho tương lai của Công ty. “Chúng tôi hướng đến mô hình có tính mở cao nhằm tìm cơ hội phát triển từ nhiều hình thức hợp tác mới và mở rộng lĩnh vực kinh doanh”, ông Thông nhận định.
Nhân tài đối với Công ty là những cá nhân có tư duy logic để xử lý lượng thông tin lớn nhằm đưa ra các quyết định tốt cho hoạt động kinh doanh.
Trong khi đó, người đứng đầu Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động hướng đến việc trở thành một đế chế bán lẻ không dừng ở Việt Nam nên việc lựa chọn nhân tài của Công ty rất khác với thị trường. “Mọi người nghĩ tôi là nhân tài, nhưng không phải. Đó là do tôi ở vị trí có nhiều thông tin tốt hơn để quyết định mà thôi”, ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ.
Do đó, theo ông Tài, nhân tài đối với Công ty là những cá nhân có tư duy logic để xử lý lượng thông tin lớn nhằm đưa ra các quyết định tốt cho hoạt động kinh doanh. Ông Tài cho biết từng có thời gian, Công ty chọn các ứng viên là những người có trình độ học vấn cao, bằng cấp tốt từ bên ngoài nhưng việc tuyển dụng này đã phải dừng lại do không đáp ứng được nhu cầu của Công ty. Cũng nhờ cách tuyển dụng “khác thường” này mà việc chuyển giao của Công ty rất đơn giản, ai có khả năng đọc và xử lý thông tin, đưa ra các quyết định tốt hơn người tiền nhiệm sẽ được chọn.
Năm 2018, doanh thu thuần của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động tăng 30,4% lên mức 86.516 tỉ đồng; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 35% lên 3.774 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 2.880 tỉ đồng, tăng gần 31%. Năm 2019, Công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần 108.468 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.571 tỉ đồng, tăng lần lượt 26% và 37% so với cùng kỳ. Rõ ràng với kế hoạch năm sau cao hơn năm trước 2 con số, Công ty không có thời gian cho các cuộc chuyển giao chậm chạp. “Ngày nào mà người lãnh đạo vẫn phải đích thân duyệt các quyết định quan trọng thì ngày chuyển giao ở doanh nghiệp đó còn ở thì tương lai rất xa”, ông Tài khẳng định.
Huy Vũ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư