Gặp thời, nhiều doanh nghiệp thủy sản báo lãi ấn tượng trong quý II

Nhờ xuất khẩu tích cực, các doanh nghiệp thủy sản đã ghi nhận những tín hiệu khả quan khi doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng đột biến so với năm trước.

Gặp thời, nhiều doanh nghiệp thủy sản báo lãi ấn tượng trong quý II

Ảnh: Baotintuc.vn

Kết quả ấn tượng

Công ty Cổ phần Nam Việt (HoSE: ANV) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2019. Kết thúc nửa năm, Nam Việt ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, doanh thu thuần 1.975 tỷ đồng, tăng 17%. Biên lợi nhuận hiệu quả hơn giúp doanh nghiệp có lãi 353 tỷ đồng, tăng 82% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Nam Việt chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng mạnh từ thị trường châu Âu (tăng 90%) và các nước ASEAN (tăng 24%). Đây cũng là hai thị trường lớn nhất chiếm gần 40% tổng lượng xuất khẩu trong nửa đầu năm 2019.

Tương tự, CTCP Xuất-Nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (HoSE: ACL) cũng ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế đạt 126,7 tỷ đồng tăng 120% so với cùng kỳ năm 2018. Lãi ròng sau thuế thu về 113 tỷ đồng, gấp 2,2 lần kết quả 6 tháng đầu năm ngoái. Với kết quả đạt được sau nửa năm, Thủy sản Cửu Long An Giang đã hoàn thành 51% kế hoạch doanh thu và hơn 70% mục tiêu lợi nhuận trước thuế đề ra cho cả năm 2019.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) cũng ghi nhận lãi trước thuế 95 tỉ đồng, tăng 40% so cùng kì năm trước. Với kết quả này, công ty đã thực hiện hơn 50% kế hoạch lợi nhuận năm 2019.

Báo cáo tài chính quý II/2019 của CTCP Thủy sản MeKong (HoSE: AAM) cũng ghi nhận doanh thu thuần đạt 95 tỉ đồng. Lãi trước thuế 8,5 tỉ đồng, tăng 10,4% và vượt kế hoạch năm. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 95 tỉ đồng, giảm 14%. Lợi nhuận trước thuế 8,5 tỉ đồng, tăng 10,4% và vượt 6% kế hoạch năm.

Gap thoi, nhieu doanh nghiep thuy san bao lai an tuong trong quy II

Nguồn: NCĐT tổng hợp.

Tổng cục Thủy sản cho biết, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2019, toàn ngành đã duy trì tăng trưởng khá. Tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành đạt 6,5%, đạt mức tăng cao nhất trong 9 năm trở lại đây. Sở dĩ đạt được kết quả này là do nhu cầu thị trường tiêu thụ tăng cao, cùng với đó, sự trở lại của thị trường EU, Nhật Bản cũng đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng chung của ngành thủy sản.

Tăng trưởng khoảng 5% trong 6 tháng cuối năm

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến Thủy sản (Vasep), 6 tháng cuối năm, xuất khẩu thủy sản có thể tăng trưởng khả quan hơn sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực. Việc xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Nhật Bản cũng sẽ khả quan hơn, nhất là với mặt hàng tôm.

Bên cạnh đó, việc tham gia EVFTA sẽ giúp thủy sản Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh so với đối thủ chưa có FTA. Cùng với đó là thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm. Có điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực nhờ sự dịch chuyển đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia. Môi trường kinh doanh và thể chế ổn định, minh bạch hơn.

Vasep dự báo xuất khẩu thủy sản 6 tháng cuối năm sẽ hồi phục với mức tăng trưởng khoảng 5% đạt trên 5 tỷ USD, đưa tổng xuất khẩu cả năm lên khoảng 9 tỷ USD, tăng nhẹ khoảng 2% so với năm 2018.

Hà Linh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư