“Hội con nhà giàu” thế hệ Y đang tạo ra nhiều xu hướng và những giá trị mới
“Hội con nhà giàu” thế hệ Y đang thay đổi thế giới xa hoa. Như những cá nhân khác của thế hệ Y, những đại gia này thích chi tiền cho những trải nghiệm và sẵn lòng chi trả thêm cho những dịch vụ VIP và sự độc quyền.
Trong giới thời trang xa xỉ ngày nay, những đại gia thế hệ Y này đang hoàn toàn thay đổi khái niệm của những đôi giày sneaker đắt tiền và trang phục đường phố. Thói quen chi tiền của “hội con nhà giàu” thế hệ Y đang thay đổi hoàn toàn thế giới xa hoa.
“Hội con nhà giàu” này cũng đang tạo ra những xu hướng và giá trị địa vị hoàn toàn mới, trong đó chủ yếu là những đôi giày sneaker đắt tiền và trang phục đường phố. Trang phục đường phố bây giờ đã là một phần của giới thời trang xa xỉ.
Phần lớn chuyện này xảy ra nhờ vào vai trò của các phương tiện mạng xã hội. Trong khi càng ngày càng có nhiều thành phần thế hệ Y đổ ào vào Instagram, các thương hiệu và tạp chí thời trang đang dần mất đi sự quan trọng trong mắt những người có tầm ảnh hưởng. Đó là chưa kể đến việc thế hệ Y đang dần bị ảnh hưởng bởi kinh tế chia sẻ, thứ đã bắt đầu dấn chân vào thế giới của sự xa hoa. Những dịch vụ cho thuê như Rent the Runway đã khiến những sản phẩm sang trọng có thể dễ dàng tới tay người tiêu dùng hơn trước. Sau đây là bảy cách “hội nhà giàu” của thế hệ Y đang thay đổi thế giới xa hoa.
Họ sẵn lòng chi trả thêm cho những trải nghiệm VIP
Như những người bạn đồng thế hệ, “hội con nhà giàu” này thích chi tiền cho những trải nghiệm thay vì đồ dùng vật chất. Điều khiến họ khác biệt là sự sẵn lòng chi trả thêm vài trăm đồng để tăng độ thoải mái hay chất lượng dịch vụ của những trải nghiệm này để nó hợp với lối sống của họ.
Ví dụ như khi thế hệ Y, bất chấp địa vị xã hội của họ có khác nhau đến mấy, cùng nhau tham dự lễ hội âm nhạc Bonnaroo. Trong khi những vị khách bình dân ngủ trong những túp lều cơ bản và tắm ở nhà tắm công cộng, “hội con nhà giàu” sẽ chi thêm vài trăm đồng để có được trải nghiệm VIP – một đầu bếp thượng hạng của riêng mình và dịch vụ tài xế trên xe golf”. Đây chính là lý do tại sao bây giờ nhiều lễ hội và buổi trình diễn âm nhạc tạo ra những dịch vụ VIP.
Cũng tương tự như khi thế hệ Y tiệc tùng ở một hộp đêm, chỉ có “hội nhà giàu” mới được cho đi qua sợi nhung màu đỏ dẫn tới khu vực riêng tư (chúng thường là những khu sang trọng hơn).
Họ tìm kiếm sự độc quyền và cá nhân hóa
“Hội nhà giàu” của thế hệ Y thường thích sự cá nhân hóa trong những trải nghiệm này. Đây là một lợi ích họ sẵn lòng chi trả thêm tiền để có được. Khi những đại gia này đã bắt đầu mất hứng thú với sản phẩm, họ sẽ muốn những trải nghiệm độc quyền hay những trải nghiệm được cá nhân hóa cho chỉ riêng mình họ. Điều này đặc biệt đúng với những du khách trẻ tuổi và giàu có.
Họ thích tìm tới những khách sạn sang trọng với những tiện nghi và sự chăm sóc đặc biệt như bồi bàn trực tiếp pha rượu trong phòng hay những chiếc xe đẩy đem tới đồ giải khát.
Theo như Deanna Ting từ báo Skift, các khách sạn sang trọng đang dùng sự cá nhân hóa để lấy lòng khách hàng.
Jenni Benzaquen, Phó chủ tịch của những thương hiệu sang trọng ở châu Âu của Tập đoàn Marriott International, chia sẻ với Deanna Ting. “Trong quá khứ, sự xa hoa là thứ ai cũng dễ nhận thấy. Nhưng bây giờ thì nó không phải là những chiếc găng tay và khăn trải bàn màu trắng tuyết nữa. Sự xa hoa này không nhất thiết thuộc dạng trang trọng, và các khách sạn cần hiểu rõ khách của mình. Họ muốn những điều khó quên và độc đáo. Đồng thời họ cũng có tham vọng khám phá những điều mới lạ và đặt chân đến những nơi bạn bè chưa tới được”.
Lựa chọn thương hiệu qua hình ảnh và giá trị
Những trải nghiệm đặc biệt chưa phải là điểm dừng. Theo như Lina Batarags thì thay vì thẳng thừng thế chỗ của những thương hiệu trong đời sống của “hội nhà giàu”, những trải nghiệm này đang bổ sung vào tầm quan trọng và sự đắn đo khi mua bán từ một thương hiệu nhất định.
“Điều họ muốn là sự cá nhân hóa.”
“So với thế hệ ông bà và bố mẹ thì giới trẻ ngày nay khó giữ lòng trung thành với duy nhất một thương hiệu,” Mike Phillips, Phó chủ tịch của ban tiếp thị và truyền thông của Wealth-X, chia sẻ với Lina. “Nếu thích hợp với giá trị của bản thân và sở thích, họ sẽ sẵn lòng thử qua những cái mới”.
Anh nói thêm: “Những hội nhà giàu đang dần đánh giá các thương hiệu qua các câu hỏi như: Thương hiệu này đại diện cho thông điệp gì? Họ đóng góp gì cho lợi ích của công chúng… nếu chọn mua sản phẩm này, nó sẽ nói lên điều gì về bản thân và giá trị của tôi?”.
"Sự nhận thức này không dừng lại ở các sản phẩm."
Toàn bộ các doanh nghiệp trên thế giới đang sáng lập hay trong quá trình cải thiện những dịch vụ phục vụ cho nhu cầu này của khách hàng. Họ cân nhắc sự lành mạnh, thứ đang dần được công nhận là phiên bản hiện đại của sự xa hoa. Từ đó mà hàng loạt các spa nghỉ dưỡng và khu nghỉ mát đang xuất hiện những phương pháp trị liệu như cryofacial (làm mát phần mặt), nghỉ dưỡng cả tuần liền và truyền vitamin vào người.
Đầu tư vào loại giá trị địa vị mới: những đôi giày sneaker hàng hiệu
Điều đó không có nghĩa là những đại gia của thế hệ Y chán nản việc mua sắm đâu. Chỉ là họ có khả năng sẽ đầu tư nhiều hơn vào một đôi giày sneaker hàng hiệu để khẳng định địa vị xã hội của mình.
Theo một báo cáo gần đây của The NPD Group, giày dép là hạng mục quyền lực nhất trong thị trường mua sắm hàng hiệu trên mạng internet. “Vua” của hạng mục đó chính là những đôi giày sneaker.
Beth Goldstein, nhà phân tích thời trang và phụ kiện của The NPD Group đã chia sẻ rằng chính vì mong muốn có sự thoải mái và đi theo phong cách athleisure (thời trang mang tính ứng dụng cao), mà phần lớn thế hệ Y mới yêu thích xu hướng này đến vậy. Những người nổi tiếng và biên tập viên thời trang đang bỏ ra 900 USD cho một đôi sneaker Triple S của Balenciaga. Các CEO của Silicon Valley cũng sẵn lòng chi tới 495 USD cho một đôi giày low-top của Lanvin.
Kết quả là những đại gia của thế hệ Y đã giúp tăng giá trị của những đôi sneaker và cho chúng một chỗ đứng trong thế giới công nghệ và giới thời trang.
Đưa trang phục đường phố vào những thị trường “sang chảnh”
Sự ưa thích phong cách athleisure đã khiến thế hệ Y đem trang phục đường phố từ dưới lòng đất lên cho cả thế giới cùng chiêm ngưỡng. Hiện đang có nhiều thương hiệu sang trọng hợp tác với những thương hiệu quần áo đường phố để có thể phục vụ cho nhu cầu của giới trẻ thế hệ Y.
Mặc dù phong cách đường phố đã tồn tại trong nhiều thập niên qua, nhờ Instagram mới trở nên nổi tiếng. “Hình ảnh táo bạo của phong cách đường phố đã giúp xu hướng tạo nên tiếng tăm trên mạng xã hội”, Jessica chia sẻ. “Vì các thế hệ trẻ đang dần ưa chuộng sự độc đáo hơn độ khéo léo, ta cũng không còn thiết tha gì tới sự trang trọng của truyền thống xa xưa nữa”.
Cô nói thêm: “Vì những thương hiệu thời trang đang càng ngày càng tiếp xúc với xu hướng nổi tiếng của mạng xã hội này, phong cách đường phố cũng dần có được một vị trí cao trong vương quốc thời trang thượng hạng”.
Gucci cũng lại trở nên thịnh hành – vào năm 2015, thương hiệu này đã đón nhận Alessandro Michele với tư cách Giám đốc sáng tạo. Ông cũng là người giúp Gucci quen với phong cách đường phố và sự ảnh hưởng của văn hóa thịnh hành.
“Hội con nhà giàu” đang dùng mạng xã hội để gây ảnh hưởng lên các xu hướng thời trang, và đồng thời cũng lấy đi sức mạnh đó khỏi tay các tạp chí
Phong cách đường phố là một ví dụ tiêu biểu cho việc các đại gia thế hệ Y đang dùng Instagram để ảnh hưởng đến giới thời trang sang chảnh. Những người có tầm ảnh hưởng, từ những người nổi tiếng như Kim Kardashian West tới những blogger như Chiara Ferragni, đang quyết định đâu là những xu hướng của giới thượng lưu. Những xu hướng họ thể hiện trên mạng xã hội rồi sẽ được truyền tới cho công chúng.
Marc Bain của Quartz đã chia sẻ: “Sự bùng nổ của mạng xã hội đã hoàn toàn thay đổi khuôn mẫu cũ. Đó là khi những thương hiệu xây dựng toàn bộ hình ảnh công chúng của họ qua việc quảng cáo và xây dựng mối quan hệ với các tạp chí và biên tập viên thời trang như Anna Wintour của Vogue”.
Tuy các thương hiệu vẫn nắm giữ hầu hết, nhưng sức mạnh của những người có tầm ảnh hưởng đang dần tăng lên.
Anh nói thêm: “Nhưng bây giờ, bất cứ ai có điện thoại di động cũng có thể trở thành “một người có tầm ảnh hưởng”. Họ có thể phần nào đó xây dựng hình ảnh của một thương hiệu qua những tấm hình và dòng trạng thái mà họ đăng tải. Điều này đã gây nên sự mất cân bằng trong quyền lực. Tuy các thương hiệu vẫn nắm giữ hầu hết, sức mạnh của những người có tầm ảnh hưởng đang dần tăng lên”.
Theo như Marc thì đây chính là lý do tại sao trong phương diện thời trang, các tạp chí không còn hấp dẫn như trước đây nữa.
Họ đang biến “sang chảnh” thành dễ mua và dễ chia sẻ
Thế hệ Y phát cuồng vì nền kinh tế chia sẻ. “Hứng chịu hậu quả nặng nề từ việc vay tiền để đi học và đại suy thoái, việc sở hữu không còn quan trọng với các bạn trẻ thế hệ Y nữa. Thay vì vậy, họ bắt đầu chia sẻ, thương lượng và trao đổi để có thể có trong tay những sản phẩm chất lượng hơn”, Jilian Mincer ( Reuters) chia sẻ. “Những hành vi này đã khởi động các loại doanh nghiệp như dịch vụ cho thuê xe Zipcar, dịch vụ xe taxi Uber và dịch vụ cho thuê nhà ở Airbnb”.
Theo Marc Bain thì hiện đang xuất hiện nhiều dịch vụ tương tự trong giới thượng lưu: “Bây giờ bạn có thể thuê một chiếc đầm Narciso Rodriguez trong một buổi tối, một chiếc áo khoác Marni trong một tháng thông qua Rent the Runway. Bạn muốn thể hiện mình có khẩu vị tinh tế bằng một chiếc đồng hồ Rolex hay Patek Philippe, nhưng khổ nỗi lại không có hàng ngàn đôla để tiêu xài. Nếu vậy, bạn hãy tìm đến Eleven James”.
Những dịch vụ này khiến các sản phẩm sang trọng dễ tới tay người dùng hơn, từ đó làm giảm đi “sức mạnh tinh thần của những thứ hạng sang”. Marc Bain chia sẻ, đồng tình với những gì Gary Wassner, CEO của Tập đoàn Hilldun và Chủ tịch của Interluxe Holdings, đã phát biểu ở một buổi họp báo được tổ chức bởi phòng thương mại và công nghiệp của Pháp và Hoa Kỳ vào năm 2018.
Avery Jay
Nguồn Doanh Nhân Plus