Xây dựng thương hiệu Việt là yêu cầu cấp bách
Câu chuyện từ Khaisilk hay Asanzo cho thấy tầm quan trọng của việc đầu tư xây dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam. Hay vụ việc Big C dừng nhập hàng Việt Nam mới đây càng cho thấy sức ép cạnh tranh đối với các sản phẩm Việt ngày càng rất lớn.
Các chuyên gia tại diễn đàn thương hiệu về kết nối đầu tư, xúc tiến thương mại và phát triển kinh tế doanh nghiệp cuối tuần qua tại TP.HCM, nhấn mạnh đến vai trò của thương hiệu trong cạnh tranh và hội nhập. Dẫn chứng cụ thể từ sự kiện Big C dừng nhập hàng Việt Nam mới đây cho thấy sức ép cạnh tranh đối với các sản phẩm Việt ngay thị trường nội địa.
Trước đó là các sự vụ hàng hóa Khaisilk hoặc Asanzo cho thấy nếu đánh mất uy tín, khách hàng ngay lập tức rời xa thương hiệu. "Thương hiệu không đơn thuần là thông điệp sản phẩm, hình ảnh doanh nghiệp, là cầu nối giữa doanh nghiệp và khách hàng, mà còn là “sự tồn tại, sự sống còn của doanh nghiệp”.
Đặc biệt khi các hiệp định thương mại tự do đã và sẽ được ký kết, kinh tế Việt Nam không còn phụ thuộc vào thị trường cụ thể nào và thị trường nội địa cũng không còn là sân chơi ưu thế của riêng doanh nghiệp Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh - thành viên ủy ban chính sách phát triển của Liên Hiệp Quốc, chia sẻ với Forbes Việt Nam: Tất cả doanh nghiệp đang phải cạnh tranh trên trường quốc tế, bất kể có phải là doanh nghiệp xuất khẩu hay không. "Muốn xây dựng thương hiệu thành công, các doanh nghiệp đều phải hướng đến việc quản trị chuyên nghiệp, đi lên sản xuất lớn mới đủ lợi thế cạnh tranh trên thị trường,” ông Doanh nói.
Tỷ lệ kinh tế hộ gia đình hiện chiếm đến 32% GDP của Việt Nam, các chuyên gia nhận định, đây là khu vực kinh tế chưa chú trọng thương hiệu, năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế còn thấp.
Ông Doanh dẫn chứng thêm, một doanh nghiệp Việt có doanh số 2.000 tỉ đồng/năm nhưng không hề có thương hiệu, họ chỉ tập trung may gia công cho nước ngoài, kinh doanh dựa trên lao động giá rẻ và sự khéo léo của người lao động. "Khu vực kinh tế này cần được hỗ trợ để liên kết lại, từng bước đưa việc có thương hiệu trở thành nhu cầu cơ bản nhất," ông khuyến cáo.
Theo bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2018 do Brand Finance công bố, “Vietnam” được định giá 235 tỉ USD và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Tuy nhiên, 47% đóng góp đến từ khu vực doanh nghiệp FDI. Điều này càng cho thấy nhu cầu bức thiết của việc phát huy lợi thế của doanh nghiệp Việt.
Chẳng hạn, việc xuất khẩu điện thoại Galaxy của Samsung ra khỏi Việt Nam, cho thấy 55% giá trị gia tăng của sản phẩm do sản xuất từ Việt Nam. Nhưng con số này bao gồm tất cả các dịch vụ mà các doanh nghiệp Hàn Quốc theo Samsung vào Việt Nam. Trừ đi yếu tố này, giá trị gia tăng "thuần Việt" chỉ khiêm tốn 18%.
FDI đang góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế nhưng các chuyên gia cho rằng một nền kinh tế lại không thể dựa hoàn toàn vào FDI. Khi chi phí sản xuất đang ngày một tăng và lực lượng lao động thay đổi nhanh, các chuyên gia kinh tế đặt vấn đề: "Liệu nhà đầu tư một ngày nào đó dịch chuyển sản xuất đến nơi có chi phí nhân công thấp hơn như tình trạng đang diễn ra tại Trung Quốc khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra thì khả năng đối ứng sẽ như thế nào?"
Các chuyên gia cũng cảnh báo “cần ngăn cản những hình thức lắp ráp và dán tem tại Việt Nam giống như cách làm của Asanzo”. Trong bối cảnh ngày càng nhiều hàng rào sở hữu trí tuệ được dựng lên và ngày càng thắt chặt hơn, doanh nghiệp hơn bao giờ hết phải đề cao việc xây dựng thương hiệu gắn liền với tôn trọng và bảo vệ sở hữu trí tuệ.
Ông Trần Giang Khuê, đại diện cục Sở hữu trí tuệ phân tích, không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp kinh doanh ngay thị trường trong nước cũng phải nâng cao kiến thức, cập nhật thông tin về sở hữu trí tuệ. "Tài sản trí tuệ là công cụ quảng bá, xây dựng và phát triển thương hiệu, góp phần nâng cao uy tín, danh tiếng và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp,” ông Khuê nói.
Ông cũng lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu, khi nhắm đưa sản phẩm sang thị trường nào thì phải chú trọng đăng ký thương hiệu tại thị trường đó, tránh trường hợp như kẹo dừa Bến Tre hay cà phê Trung Nguyên tại thị trường Trung Quốc, đến khi doanh nghiệp bước chân sang mới phát hiện đã tồn tại một thương hiệu tương tự tại đây.
Thương hiệu doanh nghiệp cũng chính là hình ảnh của quốc gia trong hội nhập. Giống như Boeing, Microsoft là hình ảnh của nước Mỹ; Toyota hay Canon đại diện của Nhật Bản… Một nền kinh tế mạnh, có năng lực cạnh tranh phải có các thương hiệu uy tín trên thị trường thế giới. “Phải phát triển những doanh nghiệp Việt, thương hiệu quốc gia đại diện của Việt Nam. Để làm được điều đó, trước hết phải có các quy định cụ thể để phân biệt thế nào là hàng sản xuất tại Việt Nam, lắp ráp tại Việt Nam, đóng gói tại Việt Nam, hay làm bao bì ở Việt Nam…”, tiến sĩ Lê Đăng Doanh nêu quan điểm.
Bích Trâm
Nguồn Forbes