5 bài học lớn từ gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon sau 25 năm phát triển
Amazon mới đây đã bước sang tuổi 25. Nhìn lại chặng đường phát triển, cổ phiếu công ty đã từ mức 20 USD một cổ lên đến giá trị gần 2.000 USD.
Công ty này hiện đang thống trị ngành thương mại điện tử với cơ sở hạ tầng điện toán đám mây lớn nhất và dẫn đầu thị trường trợ lý gia đình với công nghệ Alexa. Không chỉ vậy, Amazon còn có một doanh nghiệp quảng cáo trực tuyến đang phát triển và trở thành một thế lực ở Hollywood thông qua phát video trực tuyến. Tổng doanh thu của công ty này đã tăng 31% trong năm ngoái lên 232,9 tỷ USD.
Vào hôm thứ 05/07, chuyên gia phân tích Tom Forte của D.A. Davidson đã phân tích và khẳng định, nhiều những chiến lược của Amazon đã được nhiều công ty khác trong cùng ngành "học hỏi thậm chí sao chép theo".
Dưới đây là những chiến lược được vị chuyên gia này chỉ ra, cùng một số ví dụ cụ thể:
Tập trung vào khách hàng, chứ không phải vào đối thủ cạnh tranh
CEO của Amazon, Jeff Bezos đã "ám ảnh" về khách hàng kể từ khi bắt đầu công ty vào năm 1994, lúc đó ông mới chỉ là một người bán sách trực tuyến. Theo Forte, chất lượng lâu dài và quan trọng nhất của Amazon là mọi sự phát triển đều tập trung vào khách hàng, chứ không phải là sự cạnh tranh.
Minh chứng rõ ràng nhất là bằng việc mở nhãn hàng riêng, Amazon đã vừa đáp ứng được những nhu cầu của khách hàng mà còn có thể cung cấp nó ở mức giá thấp nhất có thể.
Lặp đi lặp lại
Amazon coi trọng việc lặp đi lặp lại, "thực hiện những tinh chỉnh liên tục để hoàn thiện những nỗ lực của mình".
Ví dụ:Trình đọc sách Kindle đã tiếp tục được phát triển để theo kịp các máy tính bảng thông thường. Còn Echo đã thay đổi từ chỗ chỉ là trợ lý giọng nói cơ bản sang một nền tảng để các nhà phát triển cung cấp mọi hình thức trợ giúp cho khách hàng.
Tạo ra "bánh đà tăng trưởng"
Những ưu điểm cạnh tranh như giá thấp nhất, lựa chọn ưu thế và giao hàng nhanh nhất làm khách hàng liên tục quay lại. Càng nhiều giao dịch được thực hiện, đối tác và các nhà cung cấp càng nhiều, nhờ đó tăng ưu thế cạnh tranh: giá cả thấp hơn, lựa chọn đa dạng hơn và tốc độ giao hàng nhanh hơn – từ đó càng thu hút nhiều khách hàng...
Đơn cử như việc Amazon giới thiệu dịch vụ vận chuyển một ngày Prime. Tuy tăng chi phí ngắn hạn, nhưng cuộc khảo sát gần đây của RBC cho thấy tiện ích của dịch vụ này thúc đẩy khách hàng chi tiêu nhiều hơn và trung thành hơn.
Chấp nhận thay đổi để phát triển
Giá trị cốt lõi này được Amazon học tập từ công ty bán giày trực tuyến Zappos - mua lại vào năm 2009.
Ví dụ: Đơn cử như Amazon Web Services (AWS) đã được công nhận là rất nhạy bén trong việc phát triển và cung cấp những phần mềm tốt theo yêu cầu các nhà phát triển. Công ty này đã thực hiện các vụ mua bán sát nhập quan trọng trong thị trường nhà thông minh, như vụ mua nhà sản xuất chuông cửa thông minh Ring, sau khi nhận ra hành vi người tiêu dùng thay đổi.
"Chiến lược" mất tiền
Những nhà đầu tư đã trợ cấp cho công ty này trong hai thập kỷ, cho phép nó tồn tại với mức lợi nhuận biên thấp nhất trong khi họ tiếp tục đầu tư vào việc làm cho chuyện mua sắm trở nên đơn giản hơn, rẻ hơn, nhanh hơn và phát triển các doanh nghiệp khác có lợi nhuận cao hơn. Nhờ AWS và hoạt động kinh doanh quảng cáo của mình, Amazon cuối cùng cũng cho thấy thu nhập thực sự, tuy lợi nhuận biên vẫn ít hơn rất nhiều so với các đại gia công nghệ khác như Alphabet, Facebook, Apple và Microsoft.
Cũng trong báo cáo này, Forte nhận định có hai lĩnh vực quan trọng mà Amazon không đạt được mục tiêu như kỳ vọng, đó là: điện thoại thông minh và thương mại điện tử ở Trung Quốc.
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh những rủi ro mà Amazon sắp đối mặt trong 25 năm tới: Vị trí kế nhiệm ông Bezos, cũng như xử lý những can thiệp từ nhà quản lý và nhà lập pháp.
Nhưng trong tương lai gần, Forte vẫn kỳ vọng Amazon sẽ vượt qua được những thách thức và có những bước phát triển vững chắc. Mục tiêu giá của ông là 2.550 USD, ngụ ý rằng cổ phiếu này sẽ tăng 31% so với hiện tại và vốn hóa thị trường của công ty được Forte kỳ vọng đạt 1,26 nghìn tỷ USD.
Thanh Hải / CNBC
Nguồn Trí thức trẻ