Viettel Post có lợi thế gì khi tham gia cuộc đua “đốt tiền” cùng Lazada, Shopee, Tiki, Grab, Be?

Với mảng thương mại điện tử, một doanh nghiệp sẽ phải chịu khoản lỗ khoảng 142 tỷ đồng mỗi năm nếu muốn giành được 1% thị phần từ các đối thủ hiện hữu ở Việt Nam.

Thị trường đông đúc nhưng vẫn còn dư địa

Tổng công ty Bưu Chính Viettel (Viettel Post, mã VTP) mới đây đã công bố bước chân vào hai lĩnh vực đang phát triển nóng ở Việt Nam bao gồm thương mại điện tử (TMĐT) và gọi xe công nghệ với 2 ứng dụng là Mygo và Vỏ Sò (voso.vn).

CTCP Chứng khoán VNDIRECT trong báo cáo mới cập nhật đã phân tích về 2 mảng thương mại điện tử, gọi xe công nghệ nói chung và những ưu điểm của VTP khi tham gia vào lĩnh vực này.

Báo cáo cho biết, tổng giá trị lỗ lũy kế của Lazada, Shopee và Tiki trong giai đoạn 2015-2018 là 9.400 tỷ đồng. Điều này tạo nên rào cản rất lớn cho những người chơi mới muốn gia nhập thị trường nhiều tiềm năng nhưng đầy khốc liệt này. VNDIRECT ước tính một doanh nghiệp sẽ phải chịu khoản lỗ khoảng 142 tỷ đồng mỗi năm nếu muốn giành được 1% thị phần từ các đối thủ hiện hữu ở Việt Nam.

Lazada và Shopee là 2 thương hiệu quốc tế trong lúc đó các thương hiệu còn lại là Tiki và Sendo được sáng lập bởi các tổ chức trong nước. Quý 1 năm 2018, Lazada là sàn TMĐT dẫn đầu thị trường xét trên cả phương diện số lượng truy cập website lẫn số lượng view trên Facebook. Tuy nhiên chỉ một năm sau, Shopee và Tiki đã vươn lên vị trí xếp hạng số 1 và 2 về lượng truy cập website, trong lúc đó Sendo xếp hạng thứ 4 nhờ vào sự phát triển liên tục của mình.

Trong số các trang TMĐT, Shopee là đơn vị duy nhất áp dụng mô hình Người tiêu dùng đến người tiêu dùng (C2C), trong khi các sàn còn lại đều áp dụng mô hình B2C hoặc hỗn hợp B2C/C2C. Tiki đã chuyển đổi mô hình từ Doanh nghiệp tới khách hàng (B2C) sang Doanh nghiệp tới doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2B2C) vào tháng 3 năm 2017.

Với người chơi mới là Vỏ Sò, VNDIRECT cho biết, VTP có lợi thế cạnh tranh từ mạng lưới chuyển phát toàn quốc mà doanh nghiệp này đã đầu tư rất mạnh vào cả công nghệ lẫn hệ thống logistic. VTP là đơn vị chuyển phát đứng thứ hai tại Việt Nam với hệ thống logistic rộng khắp bao gồm 8.300 điểm nhận, chuyển hàng (bao gồm bưu cục), 500 xe tải và mạng lưới trung tâm chia chọn cùng với 6 bưu cục trung tâm, 85 bưu cục cấp tỉnh. Hệ thống logistics của VTP lớn hơn rất nhiều so với các startup như Giaohangnhanh (GHN express) hoặc Giaohangtietkiem mới có khoảng 300 bưu cục vào cuối 2018.

Thêm vào đó, VTP cũng đã tích hợp những công nghệ mới nhất vào hệ thống của mình để rút ngắn thời gian chuyển phát đồng thời tạo ra sự thuận tiện cho khách hàng. Hệ thống chia chọn tự động đã được áp dụng tại trung tâm phân phối Hà Nội giúp cắt giảm 80% thời gian xử lý đơn vận chuyển và cắt giảm 86% yêu cầu nhân lực so với hệ thống truyền thống. Công nghệ này sẽ được áp dụng cho toàn bộ hoạt động của VTP trong năm 2019 nhằm đảm bảo công ty sẽ có hệ thống chia chọn hiệu quả nhất trong ngành.

Thứ 2, VTP có thể mạnh trong việc tích hợp các dịch vụ khác trong hệ sinh thái Viettel. VTP thu hút người bán mở gian hàng trên nền tảng Vỏ sò với cơ hội giới thiệu sản phẩm tới tập khách hàng tiềm năng khổng lồ gồm 60 triệu khách hàng sẵn có của Viettel.

Thêm vào đó, VTP có thể tích hợp ứng dụng ví điện tử Viettel Pay của Viettel Telecom vào trong nền tảng Vỏ Sò, cho phép khách hàng có thêm lựa chọn thanh toán điện tử hoặc thậm chí cung cấp khoản vay cho khách hàng bằng ứng dụng này.

Cuối cùng, VTP có thể nhận được sự tin tưởng của khách hàng nhờ vào sức mạnh thương hiệu. Vấn đề lớn nhất của một sàn TMĐT ở Việt Nam là sự thiếu tin tưởng của khách hàng. Đặc điểm này ngăn cản người dùng thực hiện các giao dịch trực tuyến do sự không chắc chắn về chất lượng hàng hóa, bí mật thông tin cá nhân và sai sót vận chuyển.

“Mặc dù thị trường đã khá đông đúc, những thương hiệu mới vẫn còn dư địa phát triển, miễn là có thể vượt qua được những rào cản kể trên. VNDIRECT tin rằng VTP đã được trang bị đầy đủ hành trang để tham gia vào cuộc chiến này”, báo cáo nêu.

Mygo có thể sẽ chưa phải là mối đe dọa với Grab trong tương lai gần

Về mảng gọi xe công nghệ, VNDIRECT đưa ra số liệu ước tính, giá trị thị trường đạt 500 triệu USD vào năm 2018 (chỉ tính vận chuyển hành khách và gọi đồ ăn) và ước tính sẽ đạt quy mô 2 tỷ USD vào năm 2025, tăng trưởng kép trong giai đoạn 2018-25 là 22%.

Viettel Post có lợi thế gì khi tham gia cuộc đua “đốt tiền” cùng Lazada, Shopee, Tiki, Grab, Be?

Ứng dụng MyGo trên điện thoại di động.

Grab trở thành ứng dụng thống trị thị trường, nắm thị phần khoảng 92% sau khi sát nhập với Uber năm 2018. Grab hiện tại cung cấp danh sách dịch vụ gọi xe đầy đủ gồm taxi, ô tô 4 chỗ, ô tô 7 chỗ, xe máy, vận chuyển hàng nhỏ và vận chuyển thực phẩm tại 36 tỉnh thành. Công ty này công bố doanh thu năm 2018 là 2.200 tỷ đồng cùng với khoản lỗ ròng 900 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, việc Uber rời Việt Nam mở ra cơ hội những startup khác tham gia vào thị trường như Go-Viet (ứng dụng của Go-Jek, đối thủ chính của Grab tại Indonesia) và Be (ứng dụng do tập đoàn BeGroup của Việt Nam phát triển) đã ngay lập tức nhảy vào cuộc đua lần lượt từ tháng 9 và tháng 12 năm 2018. Chỉ sau 4 tháng hoạt động, Go-Viet đã công bố khoản lỗ ròng 550 tỷ đồng cho năm tài chính 2018.

Go-Jek và Grab đã tích hợp các giải pháp thanh toán điện tử vào trong ứng dụng của mình với tên gọi là GoPay và GrabPay. Người dùng ưa chuộng tính năng này vì sự tiện dụng và và nhiều lợi ích nhờ các chương trình ưu đãi, giảm giá và thưởng. Trên tất cả, những doanh nghiệp này tuyên bố sẽ cung cấp nhiều dịch vụ tài chính online bao gồm chuyển tiền, cho vay cá nhân, các sản phẩm đầu tư và cả dịch vụ bảo hiểm. Grab thậm chí tuyên bố tham vọng lấn sân sang lĩnh vực chuyển phát nhanh truyền thống khi mới đây đã đầu tư vào một doanh nghiệp startup đang hoạt động ở Việt Nam là NinjaVan, đồng nghĩa với việc sẽ cạnh tranh trực tiếp với VTP.

Vậy, “Mygo sẽ tham gia vào cuộc đua như thế nào?”, báo cáo của VNDIRECT đặt câu hỏi và cho biết, hiện tại lượng thông tin mà VTP công bố liên quan đến Mygo rất hạn chế, ngoại trừ thông báo tuyển lái xe cho dịch vụ này. VNDIRECT tin rằng Mygo sẽ có định hướng khác biệt so với các đối thủ còn lại.

Đầu tiên, Mygo sẽ trở thành một thách thức trong mảng chuyển phát nhanh. Như đã đề cập ở trên, kinh nghiệm và công nghệ của VTP trong lĩnh vực chuyển phát là vượt trội so với các đối thủ còn lại. Ví dụ, Grab và Go-Việt chưa cung cấp dịch vụ giao hàng thu tiền (COD) do thiếu tin tưởng giữa các chủ cửa hàng và lái xe, còn VTP đã có kinh nghiệm nhiều năm trong cung cấp dịch vụ này.

Kế đến, VTP đã có sự tin tưởng của hơn 60 triệu khách hàng của Viettel Telecom. Đặc điểm này tạo ra vị thế khác biệt của VTP khi tiếp cận khách hàng.

Cuối cùng, VNDIRECT tin rằng Mygo sẽ tập trung vào mảng gọi xe hai bánh và sẽ chưa tập trung vào mảng gọi xe ô tô. “Do đó, Mygo có thể sẽ chưa phải là mối đe dọa với Grab trong tương lại gần, thay vào tập trung khai thác khoảng trống trong chuỗi vận chuyển giao nhận và nhu cầu gọi xe ở những thành phố nhỏ hơn, nơi mà Grab chưa đẩy mạnh kinh doanh”, báo cáo nêu.

Các chuyên gia VNDIRECT đánh giá, tham gia vào hai lĩnh vực mới là ứng dụng gọi xe và TMĐT chắc chắn sẽ đòi hỏi lượng đầu tư ban đầu rất lớn, qua đó ảnh hưởng đến bảng cân đối kế toán và kết quả kinh doanh của VTP. Hai mảng kinh doanh mới được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng doanh thu của VTP trong tương lai gần nhưng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận được dự báo sẽ sẽ chậm hơn do hệ quả của việc đầu tư lớn để giành thị phần.

Bảo Vy
Nguồn BizLive