Nike Fit: Ứng dụng giúp đo cỡ chân khách hàng

Nike, nhà sản xuất giày êm lớn nhất thế giới, muốn giải quyết một vấn đề kinh niên mà nhiều người tiêu dùng đối mặt: Chọn sai cỡ khi mua giày.

Chọn sai cỡ giày là vấn đề lớn của người tiêu dùng

Nhiều người tiêu dùng truy cập trang thương mại điện tử hoặc cửa hàng trực tuyến rồi đặt nhiều đôi giày cùng loại nhưng khác cỡ với ý định trả lại những đôi không vừa chân. Lý do rất đơn giản. Mỗi thương hiệu giày có một cỡ khác nhau. Một người có thể phù hợp với giày cỡ 37 của thương hiệu này, nhưng lại chỉ xỏ vừa cỡ 41 của một thương hiệu giày khác. Vì thế, mỗi khi người tiêu dùng có nhu cầu mua giày trực tuyến, họ luôn phải đoán cỡ phù hợp với họ.

Rất nhiều người không biết cỡ giày thực sự của họ. Ngoài ra, một bộ phận người tiêu dùng còn có hai chân không bằng nhau, nghĩa là mỗi chân sẽ vừa một cỡ giày.

"Chọn cỡ giày vừa chân là vấn đề lớn đối với khách hàng. Chúng tôi nhận ra đó chẳng những là vấn đề lớn của khách hàng, mà còn là cơ hội lớn của Nike. Dù giày tốt đến mấy, nhưng nếu bàn chân không vừa giày, hoạt động của chân sẽ không đạt hiệu quả và mức thoải mái cao nhất", Michael Martin, giám đốc sản phẩm kỹ thuật số toàn cầu của Nike, phát biểu với CNBC.

Nike Fit: Ứng dụng giúp đo cỡ chân khách hàng

Giày vừa chân là vấn đề lớn đối với khách hàng, và còn là cơ hội lớn của Nike. Ảnh: Alamy.

Nhiều lợi ích từ tính năng đo cỡ chân

Giờ đây Nike đã có một giải pháp. Tập đoàn sẽ triển khai Nike Fit, một tính năng trong ứng dụng Nike trên điện thoại di động ở các cửa hàng ở Bắc Mỹ trong tháng 7. Ứng dụng có thể quét bàn chân của khách hàng để xác định cỡ chính xác. Nike Fit sẽ xuất hiện ở châu Âu trong tháng 8 trước khi tiến sang các thị trường quốc tế khác ngay sau đó.

Nike Fit là một phần trong chiến lược kinh doanh của Nike nhằm tăng số lượng sản phẩm mà hãng bán trực tiếp cho khách hàng thông qua các cửa hàng, trang web và ứng dụng, giảm sự phụ thuộc vào đối tác bán buôn. Ngoài ra, Nike cũng mở thêm các cửa hàng mới mang nét chuyên biệt của từng địa phương và bán những sản phẩm mà khách hàng không thể thấy ở những nơi khác.

Ban lãnh đạo Nike thông báo doanh số bán hàng trực tiếp của hãng trong năm 2018 tăng 12% nhờ sự tăng trưởng của hoạt động bán hàng trực tuyến và chiến dịch mở những cửa hàng mới. Doanh thu từ bán hàng trực tiếp chiếm xấp xỉ 30% tổng doanh thu của Nike trong năm 2018, tăng nhẹ so với tỷ lệ 28% của năm trước đó. Với mức vốn hóa thị trường xấp xỉ 130 tỉ USD, giá cổ phiếu của Nike đã tăng gần 22% trong 12 tháng qua.

Kết quả thử nghiệm bản beta của ứng dụng cho thấy, với các nhà bán lẻ, Nike Fit sẽ giúp họ quản lí kho hàng hiệu quả hơn, giảm số lượng giày mà khách hàng trả và thậm chí còn thôi thúc khách hàng mua thêm giày.

Nike Fit: Ứng dụng giúp đo cỡ chân khách hàng

Cỡ giày xuất hiện trên giao diện của ứng dụng Nike sau khi khách hàng quét chân bằng điện thoại thông minh. Ảnh: CNBC.

Cả người bán lẫn người mua đều chịu tổn thất nếu chọn sai cỡ giày

Về cơ bản, Nike Fit sẽ hoạt động khi khách hàng mua giày trực tuyến mở ứng dụng Nike, chọn một mẫu giày và, thay vì chọn cỡ, ấn tùy chọn quét chân bằng điện thoại thông minh. Một lượt quét chỉ diễn ra trong chưa tới 15 giây. Sau đó, Nike Fit sẽ gợi ý cỡ cho mẫu giày mà người sử dụng chọn. Ứng dụng sẽ lưu dữ liệu của khách, như chiều rộng bàn chân (tính theo mm), để phục vụ những lần mua tiếp theo, bởi cỡ giày có thể thay đổi theo loại giày. Chẳng hạn, giày em Air Jordan của Nike có cỡ khác với những loại giày êm khác.

Ở các cửa hàng, Nike Fit cũng mang đến trải nghiệm tương tự, song người bán hàng sẽ thực hiện thao tác quét chân khách hàng.

"Vào một thời điểm bất kì, cứ 5 người đeo giày thì 3 người đang xỏ chân vào giày sai cỡ, theo số liệu từ một nghiên cứu trong ngành giày", giám đốc Martin khẳng định. Ông nói thêm rằng lí do lớn nhất khiến người mua trả lại giày - dù họ mua ở cửa hàng hay mua trực tuyến - là chọn sai cỡ. Chỉ riêng trong năm ngoái, Nike đã nhận hơn 500.000 cuộc gọi từ những người muốn trả lại giày.

Một số nghiên cứu dự đoán hành động trả lại sản phẩm (trong mọi ngành) của người mua sẽ khiến các nhà bán lẻ toàn cầu chịu tổn thất tới 550 tỉ USD vào năm 2020.

Điều tồi tệ với người tiêu dùng là việc đeo giày không vừa chân có thể dẫn tới những chấn thương từ hoạt động thể thao. Chấn thương chân có thể khiến nhiều người không thể làm việc bình thường. Số liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ cho thấy, ít nhất 60.000 người lao động phải nghỉ phép do chấn thương ở chân.

Nhạc Dương / Kinh tế & Tiêu dùng
Nguồn VietnamBiz