Tiki đặt mục tiêu gọi vốn trên 100 triệu USD thời gian tới
Số vốn tối đa Tiki có thể thu hút trong vòng gọi vốn tiếp theo được kì vọng lên tới 150 triệu USD nếu đạt được một số chỉ tiêu về hiệu quả.
Nguồn tin từ DealStreetAsia cho biết Tiki, một trong những công ty thương mại điện tử có chỗ đứng tại Việt Nam, đang tìm kiếm những thoả thuận đầu tư với giá trị có thể lên tới trên 100 triệu USD trong một vòng gọi vốn được hậu thuẫn bởi một số nhà đầu tư Hàn Quốc như Korea Investment Partners, STIC Investments và Sparklabs Ventures.
Trước đó, vào hồi tháng 3, Tiki gọi vốn được 75 triệu USD trong một vòng gọi vốn dẫn dắt bởi công ty quỹ đầu tư tư nhân Northstar Group.
DealStreetAsia cũng dẫn lời một nguồn tin thân cận nói thêm rằng nếu đạt được một số chỉ tiêu KPI được các nhà đầu tư đưa ra, Tiki thậm chí còn có thể kêu gọi được tối đa tới 150 triệu USD lần này. Về phần mình, Tiki hiện từ chối đưa ra các bình luận có liên quan.
Theo Nikkei, Tiki hiện đang là trang thương mại điện tử phổ biến thứ hai tại Việt Nam sau khi vượt qua Lazada vào quý IV năm 2018, nhưng vẫn xếp sau Shopee. Đầu năm 2018, Tiki cũng kêu gọi khoản đầu tư 44 triệu USD thành công từ JD.com.
Đầu tháng này, Tiki và công ty quản lý nhà kho địa phương Unidepot công bố một thoả thuận hợp tác để mở rộng mạng lưới logistic, khởi đầu bằng một trung tâm phục vụ rộng 10.000 mét vuông vào năm 2019.
Tiki mong muốn phát triển được năng lực logistic của chính công ty để có thể triển khai được dịch vụ giao hàng trong hai giờ (TikiNow) ở các thành phố nơi mình có trung tâm vận hành.
Dù vậy, các công ty thương mại điện tử hoạt động ở Việt Nam hiện tại vẫn lỗ và Tiki không phải ngoại lệ. Lỗ luỹ kế của công ty này đã lên tới 1.000 tỉ đồng trong một vài năm trở lại đây.
Ở thời điểm hiện tại, TikiNow, dịch vụ giao hàng hai giờ của Tiki, mới chỉ có mặt tại Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang và Hải Phòng.
Tại sự kiện với Unidepot, CEO Tiki Trần Thái Sơn, cho biết khoản lỗ nói trên chủ yếu đến từ các hoạt động đầu tư của công ty vào hạ tầng, đặc biệt là các trung tâm vận hành.
"Bắt đầu với vỏn vẹn 100 mét vuông, Tiki hiện có trong tay hơn 30.000 mét vuông diện tích trung tâm vận hành và con số này được kì vọng sẽ tăng lên 100.000 mét vuông trong chỉ từ 6 đến 8 tháng tới", ông nói.
Ông Trần Thái Sơn hy vọng biến Tiki thành một nhà cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng hàng đầu không chỉ trong lĩnh vực thương mại điện tử mà còn đối với ngành công nghiệp logistic ở Việt Nam. "Chuỗi cung ứng là một ngành công nghiệp tỷ USD ở Việt Nam với tốc độ tăng trưởng nhanh. Dù vậy, các chuỗi cung ứng lại chưa đạt hiệu quả tối ưu. Ví dụ, với mỗi đơn hàng giá 10 đồng, chi phí logistic đã lên tới 2,5 đồng".
Tiki là khoản đầu tư thứ hai của Northstar tại Việt Nam sau khi quỹ này rót 50 triệu USD vào Topica Edtech Group hồi năm ngoái. Korea Investment Partners là một nhà đầu tư vào nền tảng giải trí điện tử Appota trong khi đó SITC Investments có các khoản đầu tư trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam.
Thái Sơn / Kinh tế & Tiêu dùng
Nguồn VietnamBiz