TikTok tuyên bố có 1 tỷ người dùng hoạt động tích cực hàng tháng

Trong vòng gọi vốn gần đây nhất, gã khổng lồ mới nổi có trụ sở tại Bắc Kinh được định giá 75 tỷ USD và đến nay tổng số vốn huy động được của startup này là 7,4 tỷ USD.

Mới đây, ByteDance – công ty khởi nghiệp kỳ lân giá trị nhất thế giới đã tiết lộ rằng các ứng dụng của họ, bao gồm ứng dụng "hát nhép" Douyin (được biết đến với cái tên TikTok ở bên ngoài Trung Quốc đại lục) đã có tổng cộng 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng trên toàn cầu tính đến tháng 1 năm nay.

Chủ tịch của Douyin, ông Zhang Nan công bố thông tin ấn tượng trên tại Liên hoan phim Thượng Hải diễn ra trong tuần trước và những số liệu sau đó đã được xác nhận bởi người phát ngôn của ByteDance.

Một trong những nhà đầu tư lớn của ByteDance là tập đoàn SoftBank của Nhật Bản. Trong vòng gọi vốn gần đây nhất, gã khổng lồ mới nổi có trụ sở tại Bắc Kinh được định giá 75 tỷ USD và đến nay tổng số vốn huy động được của startup này là 7,4 tỷ USD. Trong đó, vốn đầu tư nhận được từ SoftBank ước tính khoảng 1,8 tỷ USD.

Ngoài TikTok, ByteDance cũng điều hành ứng dụng tin tức Jinri Toutiao, chủ yếu dựa vào doanh thu quảng cáo được tạo ra từ hoạt động kinh doanh nội dung cốt lõi.

TikTok tuyên bố có 1 tỷ người dùng hoạt động tích cực hàng tháng

Nền tảng chia sẻ video "hát nhép" TikTok, nơi người dùng có thể xem cũng như tạo ra những video ngắn sử dụng các bài hát, nhãn dán hay hiệu ứng đặc biệt, đã trở thành một cú hích lớn trên khắp thế giới và giúp công ty mở rộng phạm vi hoạt động.

Theo số liệu thống kê sơ bộ, đến nay tổng số cài đặt của TikTok đã đạt mức 1,2 tỷ trên toàn cầu.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng trên phạm vi quốc tế của TikTok đã tạo ra một số rào cản pháp lý cho ByteDance, điển hình là ở Indonesia, Mỹ và Ấn Độ trong thời gian gần đây.

Tháng 2 vừa qua, ByteDance đã đồng ý nộp khoản tiền phạt 5,7 triệu USD cho Ủy ban Thương mại Liên bang của Mỹ về việc TikTok thu thập thông tin cá nhân bất hợp pháp của trẻ em. Theo Ủy ban, đây được coi là một trong những khoản tiền phạt lớn nhất trong một cuộc điều tra về quyền riêng tư của trẻ em Mỹ.

Ở thời điểm đó, TikTok đã đưa ra tuyên bố cam kết tạo ra các biện pháp hiệu quả hơn để bảo vệ người dùng, trong đó có những công cụ để cha mẹ bảo vệ thông tin cá nhân của con cái.

Tháng 7 năm ngoái, các nhà chức trách Indonesia đã ban hành lệnh cấm TikTok do ứng dụng này phát tán nội dung đồi trụy, không phù hợp với văn hóa và người sử dụng nước này.

TikTok tuyên bố có 1 tỷ người dùng hoạt động tích cực hàng tháng

ByteDance - kỳ lân công nghệ mới của Trung Quốc.

Không lâu sau, phát ngôn viên của Bộ Truyền thông Indonesia cho biết việc ngăn chặn TikTok đã được hủy bỏ sau khi công ty đồng ý loại bỏ hoàn toàn các nội dung tiêu cực khỏi ứng dụng và mở văn phòng đại diện tại Indonesia để phối hợp với cơ quan chức năng trong quản lý nội dung.

Gần đây, TikTok đã chiêu mộ một số nhân tài tại Thung lũng Silicon bao gồm cựu Giám đốc Facebook, Blake Chandlee và cựu chuyên gia Vanessa Pappas phụ trách tăng trưởng của YouTube để giúp công ty địa phương hóa hoạt động và mở rộng kinh doanh tại Mỹ.

Tại Trung Quốc, một số ứng dụng phổ biến khác của ByteDance gồm ứng dụng selfie Faceu, công cụ tổng hợp tin tức TopBuzz, ứng dụng làm việc nhóm Lark. Bên cạnh phát hành ứng dụng, ByteDance còn có tham vọng về phần cứng. Tháng trước, công ty cho biết họ sẽ xây dựng phần cứng giáo dục sau khi mua thành công một số bằng sáng chế từ nhà sản xuất điện thoại thông minh Smartisan của Trung Quốc.

Gia Vũ / SCMP
Nguồn Trí thức trẻ