Câu chuyện Sabeco: Bia cũ bình mới
Về tay tỉ phú Thái Lan, trong năm đầu tiên, Sabeco trải qua cuộc đại phẫu với nhiều thay đổi.
Cuối năm 2017, việc tỉ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi rót gần năm tỉ đô la Mỹ, nắm quyền kiểm soát Sabeco, công ty bia quy mô lớn nhất Việt Nam gây xôn xao thị trường khu vực. Thương vụ thâu tóm thương hiệu bia có bề dày từ năm 1875 gây chú ý trên các phương tiện truyền thông Việt Nam và quốc tế không chỉ vì giá trị không nhỏ mà còn thay đổi cục diện thị phần ngành bia ở khu vực Đông Nam Á. Thương vụ mua bán và sáp nhập quy mô lớn nhất Việt Nam trong lịch sử cũng trở thành điểm nhấn của làn sóng M&A hướng vào các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam như Big C, Metro Cash & Carry…
Tuy nhiên khác với động thái ôn hòa khi làn sóng Thái Lan tiếp quản nhiều công ty nội địa, ông chủ mới của Sabeco, người đứng ở vị trí 87 theo danh sách tỉ phú thế giới 2019 của Forbes tỏ ra khá quyết đoán tái cấu trúc công ty vừa lọt vào danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất của Forbes Việt Nam năm 2019.
Sau một năm đổi chủ, năm 2018, doanh thu Sabeco đạt gần 36 ngàn tỉ đồng, tăng hơn 5% so với năm trước đó. Trái lại, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 4.403 tỉ đồng, giảm 11%. Ban điều hành Sabeco giải thích trong đại hội đồng cổ đông mới đây nguyên nhân do giá nguyên liệu đầu vào tăng đáng kể và thuế tiêu thụ đặc biệt thay đổi. Hãng bia 144 năm tuổi vẫn đang ở vị trí quán quân thị trường bia nội địa với hơn 40% thị phần bia cả nước.
Các con số tài chính của Sabeco không có nhiều biến động nhưng công ty diễn ra khá nhiều thay đổi. Đầu tiên phải kể đến sự thay đổi trong hội đồng quản trị và ban điều hành. Hội đồng quản trị Sabeco bảy người, đại diện của ThaiBev chiếm ba ghế. Hai thành viên độc lập và hai ghế đại diện cho phần vốn nhà nước. Ở trên ghế điều hành sự thay đổi còn diễn ra mạnh mẽ hơn nữa. Những vị trí chủ chốt giúp con thuyền Sabeco hoạt động trơn tru gồm tổng giám đốc, giám đốc tài chính và giám đốc bán hàng đều được bổ nhiệm mới. Họ có điểm chung giống nhau: quốc tịch nước ngoài, có kinh nghiệm sâu rộng trong ngành bia, từng giữ các vị trí cấp cao ở các công ty bia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong khi đó, giám đốc marketing, giám đốc chuỗi cung ứng và giám đốc sản xuất là các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực hiện nay. “Chúng tôi kỳ vọng những phương thức vận hành chuẩn mực quốc tế cùng sự am hiểu thị trường nội địa sâu sắc mà đội ngũ này mang lại sẽ giúp đánh thức gã khổng lồ đang ngủ quên Sabeco,” báo cáo phân tích của công ty chứng khoán Bản Việt nhận xét.
“Từ khi được bổ nhiệm ban lãnh đạo mới đã triển khai nhiều hành động để cải thiện hiệu quả hoạt động của công ty từ điều chỉnh cấu trúc lương thưởng để tạo động lực cho nhân viên, tái định vị chiến lược cho từng nhãn hiệu cũng như các sáng kiến để tối ưu chi phí từ nguyên liệu đầu vào cho đến chi phí vận chuyển,” ông Đặng Văn Pháp, trưởng phòng phân tích của Bản Việt nhận xét về chuyển động tại Sabeco với Forbes Việt Nam.
Công ty trước đó một năm nhà nước sở hữu gần 90% thì năm 2018 xây dựng cơ chế lương thưởng mới theo hiệu suất làm việc. Trả lời báo chí lần đầu sau sáu tháng tập trung tái cấu trúc, ông Neo Gim Siong Bennett, CEO mới của Sabeco cho hay: “Ở công ty nhà nước, hai người cùng ngạch bậc có cùng mức lương, phụ cấp, thưởng, dù làm 2 tiếng hay 12 tiếng mỗi ngày, dù kết quả tốt hay không.” Theo thuyền trưởng mới của Sabeco, trước đây người lao động không được trả lương dựa trên năng suất và năng lực, mà do vị trí thì nay đã khác: “Triết lý của chúng tôi, đầu tiên, trả lương có tính cạnh tranh với thị trường. Chúng tôi nhận diện những công ty nào có khả năng lấy người của mình và đối chiếu hệ thống lương với họ. Thứ hai là trả lương dựa trên hiệu suất. Ai làm việc tốt hơn thì có nhiều tiền hơn”.
Nhìn từ bên ngoài, thay đổi dễ nhận biết của Sabeco dưới bàn tay ông chủ Thái, vị tỉ phú với tài sản 14,5 tỉ đô la Mỹ, giữa năm ngoái, các tín đồ bộ môn túc cầu giáo tại Việt Nam có phát hiện thú vị khi thương hiệu “Bia Sài Gòn” xuất hiện trên tay áo thi đấu chính thức của câu lạc bộ bóng đá Leicester City, nhà vô địch Premier League mùa giải 2015 – 2016 thuộc quyền sở hữu của cố tỉ phú Thái Lan Vichai Srivaddhanaprabha.
Các chiến lược kinh doanh tiếp thị của Sabeco do phó tổng giám đốc Hoàng Đạo Hiệp, người mới đầu quân cho Sabeco vào tháng 9 năm ngoái, phụ trách. Trước khi gia nhập Sabeco, ông Hiệp từng là giám đốc marketing của Carlsberg ở các thị trường Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan và từng điều hành công ty quảng cáo Saatchi & Saatchi Việt Nam. Sau khi tung một loạt chiến dịch tiếp thị rải rác trong năm qua, chiến lược marketing mới mang về cho Sabeco một số thành công nhất định trong nửa cuối năm với mức tăng thị phần 1,8%, theo thống kê của Nielsen Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 7.2018 đến tháng 12.2018.
Dù mức thị phần tăng thêm của Sabeco còn khiêm tốn nhưng nhìn lại quá khứ, đó là tín hiệu đáng khích lệ. Trước đây vào thời điểm năm 2012, Sabeco chiếm 46,7% thị phần, năm 2017 thị phần công ty sụt giảm chỉ còn 41%. Trong cùng thời gian này tăng trưởng chung của ngành bia Việt Nam là 5%. Như vậy, thị trường đi lên nhưng những năm trước Sabeco đã “đi lùi”. Mới nhất, đầu tháng 5.2019 Sabeco công bố chiến dịch tiếp thị rầm rộ với tổng giá trị giải thưởng lên tới 100 tỉ đồng.
Tại Sabeco, các thay đổi bên trong thậm chí còn đáng nhắc đến hơn các thay đổi bên ngoài. Trước đây vài cổ đông tổ chức nước ngoài đã không ít lần bày tỏ quan ngại về sự kém minh bạch của công ty có vốn nhà nước này trong việc thu mua nguyên liệu đầu vào và khâu phân phối sản phẩm. Về tay chủ mới Thái Lan, Sabeco tập trung hoạt động thu mua nguyên liệu giữa các đơn vị trong công ty, cũng như hợp tác với ThaiBev, động thái giúp công ty mua mạch nha và hoa bia với giá tốt hơn khi mua số lượng lớn, giảm bớt chi phí đầu vào.
“Nội tại của doanh nghiệp đang tốt dần lên,” ông Nguyễn Văn Khánh, phó giám đốc chi nhánh TP.HCM công ty chứng khoán Bảo Việt, đơn vị tư vấn bên bán nhận định. Các thay đổi của Sabeco diễn ra trên một loạt lĩnh vực trải dài từ khâu sản xuất, quản lý hàng tồn kho, phân phối: triển khai tháp điều khiển với hệ thống theo dõi và kiểm tra lộ trình xe giúp cải thiện hiệu quả phân phối của đội xe và thu thập dữ liệu để tối ưu hóa cung đường vận chuyển; giảm lượng hàng tồn kho tại các nhà phân phối để đảm bảo độ tươi mới của sản phẩm, tăng hiệu suất nấu bia, hiệu suất lên men…
Song song với việc hiệu chỉnh sản xuất, người Thái còn mạnh tay cắt giảm chi phí để con tàu cồng kềnh có thể hoạt động hiệu quả và di chuyển nhanh hơn: giải thể văn phòng đại diện tại Hà Nội; cắt bỏ khu vực phòng ăn, một phần khu vực ngồi chờ không hiệu quả tại văn phòng Sabeco ở tòa nhà hạng A Vincom Center TP.HCM; triển khai thực hiện thoái vốn tại các khoản đầu tư ngoài ngành và các khoản đầu tư không mang lại hiệu quả như thu hồi phần vốn góp tại quỹ đầu tư Việt Nam...
Ông Bennett Neo chia sẻ với truyền thông, việc tăng hiệu quả chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp là “sự phấn đấu không ngừng nghỉ” vì Sabeco là hệ thống công ty khổng lồ và phức tạp cả về cấu trúc lẫn quan hệ, nên sẽ có rất nhiều việc để làm. Tính toán của công ty Chứng khoán TP.HCM, nếu kế hoạch tái cơ cấu được thực hiện tốt, Sabeco có thể cải thiện được 5 – 7% tỉ suất lợi nhuận gộp trong khoảng ba năm tới.
“Để có một Sabeco thứ hai là không thể vì Sabeco là một thương hiệu lớn của Việt Nam, luôn giữ thị phần ở mức 40%. Việt Nam là thị trường có mức tiêu thụ bia đầu người cao nhất Đông Nam Á. ThaiBev không định giá Sabeco trên nền tảng thời điểm họ mua mà nhìn dài hạn về thị trường, sản phẩm, sức mạnh tài chính, thương hiệu,” ông Khánh chia sẻ. Sabeco hiện sở hữu 25 nhà máy sản xuất từ Nam ra Bắc và một nhà máy đang xây dựng. Bia Sài Gòn là thương hiệu bia lâu đời nhất Việt Nam và được xem là “thương hiệu quốc gia Việt Nam” trong nhiều năm liền.
Sau các thay đổi đang diễn ra tại Sabeco, người Thái sẽ tiếp tục làm gì? Theo báo cáo thường niên năm 2018 của ThaiBev, doanh thu từ thị trường quốc tế chiếm khoảng 15% vào năm 2017. Trong khi đó tham vọng của tập đoàn đến năm 2020, mở rộng ra các thị trường nước ngoài như Việt Nam, Myanmar. M&A là cách công ty được biết nhiều với thương hiệu bia Chang ở Thái Lan, dùng làm bàn đạp để xâm nhập vào các thị trường đồ uống có cồn tại Đông Nam Á. Cùng với việc mua cổ phần Sabeco, ThaiBev cũng rót nửa tỉ đô la Mỹ để kiểm soát 75% cổ phần của Myanmar Distillery Company, công ty rượu hàng đầu Myanmar.
Việc mở rộng địa bàn hoạt động trong khu vực ASEAN khiến ThaiBev chấp nhận sự kém hấp dẫn của các chỉ số tài chính. Tỉ lệ nợ/EBITDA hợp nhất của ThaiBev vào cuối tháng 9.2018 lên đến gần năm lần so với mức hai lần như trước kia, cho thấy rủi ro tài chính tăng đáng kể, theo Moody. Năm ngoái, Moody đã hạ mức tín dụng ThaiBev xuống Baa3 từ Baa2. Do đó, việc tái cấu trúc để nâng cao hiệu quả hoạt động cho Sabeco sẽ hiện thực hóa mục tiêu của ThaiBev khi chấp nhận trả mức giá cao cho Sabeco. “Nếu tạo ra giá trị gia tăng tốt thì cái giá ThaiBev mua lại Sabeco không hề đắt,” ông Bennett Neo tuyên bố với truyền thông hồi đầu năm.
“Họ cần thêm thời gian. Khi đội ngũ mới can thiệp sâu hơn, ví dụ hệ thống phân phối, kho bãi…sẽ mang lại hiệu quả rõ hơn,” ông Khánh nhận định về quá trình tái cơ cấu Sabeco. Tại đại hội cổ đông năm 2019, ông Bennett Neo cũng nhấn mạnh, hai mục tiêu quan trọng nhất của Sabeco là dẫn đầu thị trường và tiếp tục gia tăng thị phần, nhất là ở thành thị đang bị cạnh tranh khốc liệt và miền Bắc, thị trường Sabeco đã bỏ ngỏ nhiều năm qua. Năm 2019, ông Bennett Neo bày tỏ mục tiêu sẽ đưa Sabeco tăng trưởng cao hơn mức tăng bình quân của thị trường. Ông ví von sự chuyển dịch Sabeco theo hướng tái cơ cấu như hiệu ứng bánh đà trong quyển sách Từ tốt đến vĩ đại của Jim Collins: “Khi bắt đầu xoay chuyển bánh xe, sức ì lớn thì rất tốn sức. Nhưng khi có đà rồi thì nó sẽ chạy rất nhanh. Bây giờ chúng tôi đang từng bước một đẩy bánh xe đó và sẽ không bao giờ dừng lại”.
Minh Thiên
Nguồn Forbes Vietnam