Sếp di động Huawei: Người gánh trách nhiệm “khó nhằn” nhất giới công nghệ

Richard Yu là Giám đốc bộ phận di động của Huawei. Ông có nhiệm vụ phải “đạp đổ” cả Samsung và Apple khi Huawei không còn được sử dụng Android của Google nữa. Ông sẽ làm gì để gánh vác trách nhiệm khó khăn này?

Trước thương chiến Mỹ - Trung, phần lớn giám đốc cấp cao của Huawei đều kín tiếng dù công ty đang là nhà sản xuất thiết bị viễn thông số 1 thế giới và đã đánh bại Apple trên thị trường smartphone. Tuy nhiên, Richard Yu – Giám đốc di động Huawei – là ngoại lệ.

Ông nổi tiếng với các phát ngôn khoa trương của mình, không che giấu tham vọng trở thành công ty thống lĩnh thị trường smartphone toàn cầu kể cả khi Huawei vẫn còn non xanh.

Sinh năm 1969, ông Yu nhận bằng cử nhân của Đại học Tsinghua trước khi gia nhập Huawei năm 1993. Ông từng là giám đốc sản phẩm 3G, phó Chủ tịch mạng không dây, Chủ tịch dòng sản phẩm mạng không dây, Chủ tịch Huawei châu Âu, Giám đốc chiến lược và tiếp thị và hiện là CEO khối tiêu dùng. Bộ phận này bao gồm smartphone, laptop, thiết bị 5G. Ông là một trong ba chủ tịch xoay vòng của Huawei.

Trong nội bộ công ty, ông Yu thường được nhắc đến với chiến công khuynh đảo châu Âu năm 2004. Telfort, nhà mạng nhỏ nhất trong số các nhà mạng Hà Lan, muốn ra mắt mạng 3G nhưng bị hạn chế bởi các rào cản, chủ yếu là giá và đất đai cho trạm gốc. Họ đàm phán với Huawei, khi ấy chỉ hoạt động quy mô nhỏ tại châu Âu với vài nhân viên.

Sếp di động Huawei: Người gánh trách nhiệm “khó nhằn” nhất giới công nghệ

Richard Yu, CEO bộ phận tiêu dùng Huawei.

Huawei đang tuyệt vọng trong việc xâm nhập thị trường đã nảy sinh hành động. Ông Yu, người thời bấy giờ là phó Chủ tịch mạng không dây, hủy bỏ mọi cuộc gặp và làm việc cùng nhóm nhỏ tại châu Âu và kỹ sư tại Trung Quốc để tìm ra giải pháp. Trong vòng một tuần, họ đưa ra sáng kiến: trạm gốc có thể triển khai thành hai phần, lắp đặt trong không gian nhỏ và giá rẻ.

Telfort vô cùng ấn tượng. Trong vài tháng, hợp đồng thời hạn 10 năm trị giá 230 triệu EUR được ký, Huawei có tên trên bản đồ. Năm sau đó, công ty giành thắng lợi trước BT Group để trở thành nhà cung ứng cho Vodafone, một trong các nhà mạng lớn nhất thế giới.

Thành công của ông Yu tại châu Âu giúp ông có chỗ đứng trong ban giám đốc – nhóm 17 người có tiếng nói cuối cùng đến toàn bộ kinh doanh Huawei.

Huawei xác định smartphone là động cơ tăng trưởng tiếp theo vào năm 2011 và ông Yu được bổ nhiệm dẫn dắt bộ phận dù công ty mới chỉ là người chơi bé nhỏ trên thị trường đang bị các thương hiệu ngoại dẫn đầu. Khi đó, smartphone Trung Quốc chỉ được xem như các cỗ máy sao chép rẻ tiền của Samsung, Nokia và Apple. Thị phần điện thoại Huawei tại quê nhà chưa đầy 5%, phần lớn doanh thu đến từ việc nhà mạng bán thiết bị giá rẻ để người dùng ký hợp đồng dài hạn.

Ông Yu quyết định xáo trộn mọi thứ. Sau khi tiếp quản, ông dừng cung cấp thiết bị tùy biến giá rẻ cho nhà mạng Trung Quốc, nâng cấp thiết bị lên hàng trung cao cấp, từ bỏ phân khúc siêu bình dân không có lãi. Huawei cũng bắt đầu sử dụng chip HiSilicon và chip Balong tự sản xuất, mở một vài nền tảng thương mại điện tử, phát triển giao diện người dùng riêng, đặt ra mục tiêu làm ra phần cứng hàng đầu thế giới.

Sếp di động Huawei: Người gánh trách nhiệm “khó nhằn” nhất giới công nghệ

Không như các bộ phận quan trọng khác như mảng doanh nghiệp và nhà mạng, tập trung vào xây dựng mạng lưới, phát triển thành phố thông minh, bộ phận smartphone Huawei hướng đến người dùng cá nhân. Điều đó phần nào giúp ông Yu trở thành nhân vật quen thuộc với công chúng do ông thường xuyên hoạt động trên mạng xã hội.

Đầu năm 2012, ông Yu nói Huawei muốn đạt doanh số hàng chục triệu máy mỗi năm với một loạt sản phẩm mới để cạnh tranh với iPhone. Ông cũng đề cập đến việc Huawei sẽ ra mắt một át chủ bài mạnh hơn nhiều iPhone 5 vào đầu năm 2013. Những phát ngôn như vậy khiến ông có thêm biệt danh “khoác lác”.

7 năm sau, Huawei đã trở thành thương hiệu smartphone số 1 Trung Quốc, số 2 thế giới. Họ thậm chí còn thề giành 50% thị phần di động quê nhà vào cuối năm nay và đoạt ngôi vương của Samsung trên toàn cầu muộn nhất là năm 2020. Bộ phận của ông Yu cũng trở thành nguồn thu lớn nhất cho Huawei năm 2018, đóng góp gần 50% tổng doanh thu.

Song, không phải ông không có những rắc rối.

Tháng 2/2018, Huawei phủ nhận bình luận của ông Yu về việc các đối thủ lợi dụng chính trị để loại Huawei khỏi Mỹ và một số chính phủ nghĩ rằng công ty “trở nên quá mạnh”.

Lo ngại bảo mật được xem là nguyên nhân khiến nhà mạng AT&T của Mỹ quay đầu trước thỏa thuận tiềm năng với Huawei ngay trước khi công ty tung ra flagship Mate 10 Pro tháng 1/2018. Sau đó, Verizon cũng hủy kế hoạch phân phối smartphone Huawei tại Mỹ.

Khi đó, ông Chen Lifang, Phó Chủ tịch cao cấp kiêm Giám đốc truyền thông Huawei, khẳng định đổ lỗi cho các bên khác khi họ không được chấp nhận là không đúng. “Chúng tôi chỉ có thể nỗ lực hơn, duy trì sự cởi mở, minh bạch và chờ đến khi bên khác thiện chí kết nối”. Ông cũng nói Huawei không ủy quyền cho ông Yu bình luận về Mỹ và không đồng tình với quan điểm của ông Yu.

Sếp di động Huawei: Người gánh trách nhiệm “khó nhằn” nhất giới công nghệTháng 3/2019, ông Yu tiết lộ với một tờ báo Đức rằng công ty đã phát triển hệ điều hành riêng cho smartphone và máy tính để dự phòng không được sử dụng hệ điều hành của Mỹ. Nền tảng sẽ hỗ trợ hàng loạt sản phẩm trong hệ sinh thái, bao gồm smartphone, máy tính, tablet, tivi, xe hơi, thiết bị đeo thông minh. Nó cũng tương thích với tất cả ứng dụng Android và ứng dụng web hiện tại.

Trong nhóm thảo luận WeChat, ông Yu nói hệ điều hành của Huawei sẽ ra mắt thị trường vào mùa thu năm nay hoặc muộn nhất mùa xuân năm sau. Ảnh chụp màn hình đoạn hội thoại bị lan truyền rộng rãi trên mạng nhưng Huawei từ chối xác nhận thông tin.

Ngay lúc này, Huawei đang là tâm điểm của cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, đối mặt với hàng loạt cáo trạng từ Mỹ, bao gồm đánh cắp bí mật thương mại, vi phạm lệnh trừng phạt kinh tế. Google và Microsoft, nhà phát triển Android và Windows, đều sẽ dừng cung cấp phần mềm cho Huawei sau khi giấy phép tạm thời của Mỹ kết thúc.

Huawei hiện tại đã phải điều chỉnh lại mục tiêu của ông Yu. Ông Zhao Ming, Chủ tịch Honor, một trong hai thương hiệu smartphone của Huawei, gần đây cho biết mục tiêu trở thành nhà sản xuất smartphone số 1 vào năm 2020 có thể phải xem lại sau lệnh cấm của Mỹ.

Trong khi đó, nguồn tin tiết lộ Foxconn, đối tác lắp ráp smartphone cho nhiều hãng như Apple, Xiaomi, đã dừng một số dây chuyền sản xuất điện thoại Huawei thời gian gần đây do Huawei giảm đơn đặt hàng điện thoại mới.

Bản thân ông Yu cũng phần nào thừa nhận khó khăn. Trao đổi với CNBC tuần trước, Huawei nói việc hoãn ra mắt laptop mới là kết quả của việc bị cấm nhập khẩu linh kiện Mỹ.

Chỉ thời gian mới trả lời được liệu ông Yu có còn lạc quan về Huawei trong những tháng tiếp theo hay không. Dù vậy, điều chắc chắn là ông đang phải gánh vác nhiệm vụ vĩ đại nhất: chiến đấu với Apple và Samsung khi không có Android.

Du Lam / SCMP
Nguồn ICT News