Viettel Post tiếp tục 'lấn sân' sang thương mại điện tử

Sau khi "lấn sân" sang lĩnh vực gọi xe, Viettel Post tiếp tục "nhảy" vào mảng thương mại điện tử với trang web Voso.vn cùng tham vọng dẫn đầu thị trường.

Trên trang web chính thức, Voso.vn (Vỏ Sò) được giới thiệu là sàn thương mại điện tử thuộc sở hữu của Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post). Trang web này được xây dựng nhằm cung cấp ứng dụng mua bán, trao đổi hàng hóa trong nước và quốc tế, liên kết với các sàn thương mại điện tử (TMĐT) khác để đưa ra nhiều lựa chọn cho người mua. Vỏ Sò cũng đặt ra mục tiêu là trở thành sàn giao dịch TMĐT số một Việt Nam.

Các hàng hóa, dịch vụ được giao dịch trên trang web này khá đa dạng, bao gồm các nhóm hàng: hàng điện tử, gia dụng; máy tính, điện thoại, thiết bị văn phòng; ôtô, xe máy, xe đạp; thời trang, mỹ phẩm, chăm sóc sức khỏe; công nghiệp, xây dựng; thiết bị nội thất, ngoại thất; sách, văn phòng phẩm; hoa, quà tặng, đồ chơi; thực phẩm, đồ uống; dịch vụ lưu trú và du lịch... Khách hàng có thể thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng hoặc online qua thẻ Visa, ATM.

Viettel Post tiếp tục lấn sân sang thương mại điện tử

Giao diện trang web Voso.vn. Ảnh chụp màn hình.

Trước đó, Viettel Post cũng thông báo gia nhập thị trường gọi xe công nghệ với ứng dụng MyGo, dự kiến ra mắt vào đầu tháng 7 tại 63 tỉnh, thành phố. Ứng dụng này hiện có các tính năng: gọi xe máy, gọi xe ôtô, dịch vụ giao hàng và dịch vụ vận chuyển hàng bằng xe tải.

Thị trường TMĐT Việt hiện là cuộc chơi của những tên tuổi lớn như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo, Adayroi. Với sự tham gia của Viettel Post - một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về chuyển phát và giao hàng, thị trường vốn đang có sự cạnh tranh gay gắt dự báo sẽ khốc liệt hơn trong thời gian tới. Tháng 3 năm nay, sàn TMĐT Robins.vn thuộc sở hữu của tập đoàn Thái Lan Central Group tuyên bố đóng cửa. Cách đó vài tháng, Vui Vui.com của Thế giới Di Động cũng nói lời chia tay sau 2 năm hoạt động.

Theo báo cáo chỉ số TMĐT 2019 của VECOM, quy mô thị trường năm 2018 ở mức 7,8 tỷ USD. Thị trường này bao gồm bán lẻ trực tuyến, du lịch trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, giải trí trực tuyến và mua bán trực tuyến các dịch vụ và sản phẩm số hoá khác. Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì tới năm 2020, quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD.

Linh Lam
Nguồn Người đồng hành