Hành trình Management Trainee #5 - Nguyễn Nam Hải @ P&G Vietnam: Mỗi nhân viên là một MT

Hành trình Management Trainee #5 - Nguyễn Nam Hải @ P&G Vietnam: Mỗi nhân viên là một MT

Trở thành Management Trainee (MT) – Quản trị viên Tập sự tại các công ty lớn, các tập đoàn đa quốc gia không phải là đích đến, mà là khởi đầu của một hành trình đầy thử thách.

Không màu hồng, không dễ chịu, nhiều đánh đổi, nhiều áp lực, thay đổi công việc liên tục, là cách mà các công ty đào tạo những “nhà lãnh đạo trẻ tương lai”. Hành trình ấy sẽ không có sự chăm bẵm, ưu ái hay mặc nhiên “được làm sếp” như nhiều bạn thường ngộ nhận.

Vì vậy, thay vì đặt câu hỏi “phải làm sao để đậu MT”, chúng tôi viết loạt bài này để mang đến cho các bạn trẻ cái nhìn rõ ràng hơn, đời thực hơn, về những gì một bạn MT phải trải qua, và để “tốt nghiệp MT” thành công, thì cần những tố chất gì.

Có thể khi đọc xong, bạn sẽ tự đặt câu hỏi cho bản thân mình: Liệu tôi có còn MUỐN thi MT nữa không? Với những tố chất hiện tại, liệu MT có phải là con đường tôi NÊN đi hay không? Khi đó, bạn sẽ có cái nhìn và cách tiếp cận đúng hơn khi lựa chọn thi MT.

Khách mời tiếp theo của chuyên mục Hành trình Management Trainee là bạn Nguyễn Nam Hải, hiện đang là Sales Section Manager - P&G Vietnam.

Hành trình Management Trainee #5 - Nguyễn Nam Hải @ P&G Vietnam: Mỗi nhân viên là một MT

* Cảm ơn Hải nhận lời chia sẻ với bạn đọc về hành trình của mình tại P&G. Được biết P&G trước nay không có chương trình Management Trainee, Hải có thể kể về vị trí Hải ứng tuyển không?

P&G không có chương trình Management Trainee. Tuy vậy, P&G thường tuyển nhân sự từ cấp khởi đầu (Entry Level) để đào tạo thành một Quản lý (Manager) thực thụ bằng việc tạo cơ hội làm lãnh đạo ngay từ những ngày đầu tiên (Lead from Day One).

Vị trí Hải ứng tuyển vào là Sales Section Manager với lộ trình phát triển từ Sales Representative đến Sales Manager và sau đó chính thức trở thành Sales Section Manager.

* Với hành trình này, những công việc đầu tiên của Hải là gì?

Một trong những điểm đặc biệt của P&G khi đào tạo nhân sự mới là “Take important roles from Day One” – nghĩa là ngay từ ngày đầu tiên đã được giao trách nhiệm quan trọng. Đầu tiên, Hải và các bạn cùng khóa có vài ngày để làm quen với cách vận hành của các phòng ban trong công ty, các lý thuyết bán hàng cũng như các dòng sản phẩm của công ty. Quá trình đào tạo của P&G được thực hiện theo mô hình 70-20-10: 10% lý thuyết, 20% từ những người xung quanh, 70% đào tạo trong khi làm việc. Kết thúc 3 ngày này, các bạn chung khóa mỗi người được phân về một vùng khác nhau.

Suốt 3 tháng đầu tiên, Hải làm việc tại nhà phân phối. Trong thời gian này, công ty luôn trao cho nhân viên dù mới hay cũ mọi cơ hội làm việc như nhau để có thể trở thành Best Seller của chi nhánh đó.

Chi nhánh của Hải lúc bấy giờ nằm tại Buôn Ma Thuột. Trước đây khi còn ở Singapore, Hải toàn làm việc ở văn phòng nên bắt nhịp với công việc của một nhân viên bán hàng vùng cao nguyên là cả một thử thách.

Hành trình Management Trainee #5 - Nguyễn Nam Hải @ P&G Vietnam: Mỗi nhân viên là một MT

* Hải có thể chia sẻ cụ thể hơn về những khó khăn gặp phải trong thời gian này không?

Khó khăn đầu tiên có thể kể đến là Hải bị sốc văn hóa. Buôn Ma Thuột là thành phố cao nguyên, có văn hóa khác hoàn toàn các thành phố Hải từng sinh sống trước đây từ cách giao tiếp đến thói quen tiêu tiền hay sử dụng sản phẩm. Thời gian đầu, đi chào hàng Hải hay bị từ chối, các cô bán hàng chưa tin tưởng vì Hải không phải người ở khu vực này.

Hải vẫn nhớ ngày đầu tiên đi chào hàng, chị chủ một tiệm tạp hóa thấy Hải là nhân viên mới nên mua ủng hộ. Nhưng tuần tiếp theo, câu đầu tiên chị nói với Hải là “Không mua hàng nên không cần mời chào gì hết, muốn vào cửa hàng làm gì thì làm”. Các Sales Rep khác có thể bỏ luôn điểm bán đấy, chỉ ghé vào khi chị gọi lại để mua hàng nhưng những lần tiếp theo Hải vẫn ghé lại giúp chị bày biện các sản phẩm. Sau vài lần, Hải mới phát hiện ra thời điểm mình ghé qua là lúc con chị đang ngủ, chị không muốn mình làm mất giấc ngủ của bé. Sau này Hải sắp xếp lại tuyến bán hàng, tránh giờ ngủ của bé thì chị chuyện trò với mình rất dễ chịu.

Khó khăn thứ hai là bắt kịp nhịp độ nhanh của việc bán hàng. Ngày đầu tiên đi làm, sếp bảo “Công việc hôm nay đơn giản lắm, chỉ cần học giá các sản phẩm với nội dung chương trình khuyến mãi thôi”. Lúc ấy, Hải nghĩ chắc cũng dễ, ai ngờ, tận mấy trăm mã sản phẩm cùng với rất nhiều chương trình khuyến mãi. Hải thử nhiều cách khác nhau, nhưng đến khi đi bán hàng thì vẫn quên mất, lại bị mắng “Bán hàng mà không thuộc giá thì bán cái gì?”. Đến khi mình bắt đầu thuộc giá thì chương trình khuyến mãi lại thay đổi. Ban đầu Hải có nghĩ rằng các Sales Rep khác họ làm lâu thì thuộc nhanh, đó chỉ là một kĩ năng, nhưng nghĩ lại thì “nếu mình không thật sự nắm bắt được nhanh những việc thế này hơn họ thì liệu mình có xứng đáng với vai trò Sales Manager hay không?”. Hải xem những thử thách như vậy là cơ hội để chứng minh bản thân xứng đáng.

Hành trình Management Trainee #5 - Nguyễn Nam Hải @ P&G Vietnam: Mỗi nhân viên là một MT

Khó khăn cuối cùng là thời tiết. Thời điểm đó, Buôn Ma Thuột đang là mùa mưa. Đường xá đi lại chủ yếu là đường đất đỏ, Hải không biết đất đỏ càng đi càng bị lún sâu hơn. Có lần xe Hải bị mắc kẹt, không tới cũng không lùi lại được. Lúc ấy lại có xe khác đi qua, Hải phanh gấp nên tự mình làm mình ngã, hàng hóa rơi cả ra đường. Cảm giác tủi thân kinh khủng. Sau này nhìn lại, Hải mới thấy không phải công việc nào cũng cho mình những kỉ niệm đáng nhớ như thế.

* Vậy thay đổi lớn nhất của Hải qua 3 tháng này là gì?

Hải đặt mục tiêu phải đạt được tất cả các KPI, không chỉ về doanh số mà còn các chỉ số đánh giá khác nữa. Mục tiêu như vậy buộc Hải phải bán được các mặt hàng của P&G và không bỏ qua cửa hàng nào. Điều đó khiến Hải gặp nhiều khó khăn. Sau vài tuần Hải đã đạt được hai phần ba chỉ tiêu, đến tuần tiếp theo ai cũng từ chối. Hải bị thiếu KPI mà không biết phải giải quyết như thế nào. Cuối cùng, Hải tìm đến sếp để trình bày vấn đề của mình.

Điều Hải thích ở P&G là khi Hải cảm thấy nếu không bắt nhịp được tiến độ công việc, báo cáo cho sếp thì sẽ có ngay những training cần thiết, cả online lẫn offline. Đợt đó, sếp xuống tận nơi hỏi thăm vấn đề của Hải và hướng dẫn Hải khắc phục. Hải vẫn nhớ sếp nói rằng “Khách hàng từ chối thì không phải mình không chào nữa. Đích đến của chúng ta cố định, nhưng cách đi đến đó có thể thay đổi tùy tình huống, vậy nên em cần thay đổi hướng tiếp cận”. Sếp đi cùng và chào hàng thử cho Hải xem một vài cửa hiệu. Đúng là cách sếp làm hay hơn cách Hải từng làm nhiều. Sau đó, Hải dành thời gian nghĩ các cách chào khác nhau cho những mặt hàng hiện tại, nhất là các sản phẩm khó bán.

Thứ hai là khoảng thời gian này buộc Hải phải làm việc có kỷ luật thì mới đạt được mục tiêu của mình. Khi làm việc sẽ có nhiều cách để đạt được mục tiêu, nhưng để phát triển một cách bền vững thì Hải nghĩ mỗi người đều cần kỷ luật để làm đúng và có thể làm tốt. Cùng xuất phát lúc 8h sáng, mọi người quay về lúc 4h30 - 5h thì Hải lúc nào cũng về lúc 7h - 8h tối. Hải đi chào hàng trước, sau khi đồng bộ đơn hàng Hải mới đi đến những tiệm tạp hóa bày biện để trưng bày hàng hóa cho đẹp. Điều đó cũng giúp Hải xây dựng được mối quan hệ với khách hàng nữa.

Cuối cùng là Hải cũng dành thời gian để chăm sóc bản thân mình hơn, có sức khỏe thì mới có sức bền để làm tốt công việc được. Vì có một thời gian miệt mài làm mà Hải bỏ cả ăn trưa hoặc ăn rất trễ, điều đó cũng ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe của mình, Hải hay bị mệt hơn lúc đi làm văn phòng nhiều.

Hành trình Management Trainee #5 - Nguyễn Nam Hải @ P&G Vietnam: Mỗi nhân viên là một MT

* Khó khăn lớn nhất Hải gặp phải trong thời gian này làm Sales Manager gì? Hải giải quyết khó khăn đó như thế nào?

Thời gian tiếp theo Hải làm Giám sát bán hàng tại chi nhánh ở Hải Phòng. Khó nhất có lẽ là việc tìm ra cơ hội để hỗ trợ các anh chị trong chi nhánh để đạt KPI. Các anh chị bán hàng, bày biện đều lớn tuổi hơn Hải, kinh nghiệm nhiều hơn. Còn các anh chị còn lại, mình cũng chưa có đủ kiến thức chuyên môn để có thể hỗ trợ.

Việc đầu tiên khi Hải làm việc với người khác luôn là xây dựng niềm tin nơi các anh chị. Nhờ vào giai đoạn làm Sales Rep trước kia trên BMT, Hải có thể sử dụng các báo cáo, đánh giá trước đây để phân tích được điểm yếu của từng người.

Một chị trong team chia sẻ với Hải rằng tuyến của chị không bán được nhiều nên chị không đạt được chỉ tiêu. Hải đề xuất chị chọn 2 tuyến khó bán nhất để Hải đi cùng trong 2 tuần liên tiếp, cùng nhau tìm cách giải quyết. Thời gian là 2 tuần là vì mọi người hay có suy nghĩ “nếu tuần này đã bán được hàng rồi thì tuần tiếp theo sẽ không thể bán được”, Hải muốn thay đổi suy nghĩ đó. Hải tin là nếu làm đúng các bước bán hàng nền tảng thì sẽ thành công. Việc của mình là giúp các anh chị hiểu giá trị của các bước bán hàng đó khi áp dụng vào thực tế. P&G tin rằng khi KPI của người đứng đầu được đánh giá thông qua KPI của mọi người, thì không có cách nào khác mà phải huấn luyện cho mọi người, giúp đỡ họ tốt lên.

Điều làm Hải xúc động nhất khi ở chi nhánh này là sau thời gian xa cách ban đầu các anh chị dần thân thiết với mình hơn. Mãi đến sau này khi gặp khó khăn họ cũng tìm đến mình để chia sẻ.

Hải học được mỗi người cần có đích đến rõ ràng để làm động lực vực mình dậy mỗi khi gặp khó khăn hay chán nản. Hải cũng hiểu rằng để đến được vị trí cao hơn, mình cần phải hoàn thành tốt những việc như thế này. Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu lớn, mỗi người nên hoàn thành từng mục tiêu nhỏ, điều đó sẽ tạo động lực giúp mình tiến về phía trước. Nếu cứ làm việc mà không hình dung rõ đích đến thì đôi khi mình sẽ bị lạc lối, không biết phải làm gì tiếp theo dẫn đến dễ dàng bỏ cuộc.

Hành trình Management Trainee #5 - Nguyễn Nam Hải @ P&G Vietnam: Mỗi nhân viên là một MT

* Vậy là đã kết thúc thời gian làm Sales Manager, công việc hiện nay Hải đang làm là gì?

Hải đang là Sales Section Manager vùng Đông Bắc. Công việc chính của Hải là hỗ trợ các team của nhà phân phối, đảm bảo các chiến dịch của công ty được thực thi nhanh chóng.

Cuối tháng đầu tiên, kết quả là không đạt được KPI, sếp hỏi chuyện rồi nhắc nhở rằng nếu Hải đã nhận thức được vấn đề từ đầu, dù nghĩ là mình có giải quyết được hay không thì cũng phải báo cáo cho sếp về vấn đề đó. Thời điểm ấy, Hải rất bối rối vì bị cuốn vào những công việc vận hành hằng ngày. Hải không nhìn ra bức tranh toàn cảnh, nên cũng không nhận ra nguồn gốc của các vấn đề, chỉ số này ảnh hưởng đến chỉ số kia như thế nào. Đó là thời gian Hải hay tự hỏi “Liệu mình có đủ giỏi không?”. Trong một lần họp, sếp hỏi Hải về vấn đề gặp phải là gì, Hải biết từng vấn đề rời rạc nhưng vẫn không nắm được vấn đề lớn nhất là gì. Hải rất biết ơn sếp khi anh kịp thời nhắc nhở “Manager không phải là người thực thi, mình là người đưa ra hướng giải quyết vấn đề, làm gì cũng phải dựa trên dữ liệu để có thể nhìn được bức tranh toàn cảnh”.

* Trong suốt hành trình của Hải có sự hỗ trợ của người sếp hay mentor nào tác động tích cực đến Hải hay không?

Giai đoạn nào Hải cũng được sếp hỗ trợ hết mình. Hải nghĩ những thành tựu Hải đạt được bây giờ đều có dấu ấn của từng người. Người có tác động tích cực nhất có lẽ là anh sếp gần nhất. Trước đây Hải không phải là người chú trọng đến chi tiết, qua thời gian làm việc chung, Hải học được tính cẩn thận và chi tiết của anh sếp. Một điều khác là bản thân Hải cũng lớn tuổi hơn các bạn cùng khóa nên nhiều khi giai đoạn nào Hải cũng muốn hoàn tất nhanh để thăng tiến nhanh. Nhờ anh sếp, Hải mới nhận ra rằng quan trọng là cốt lõi mình có vững chắc hay không. Sau này Hải luôn nhắc nhở bản thân mình phải xây dựng những giá trị của mình phát triển thật bền vững và luôn trong tâm thế sẵn sàng cho vị trí cao hơn.

Hành trình Management Trainee #5 - Nguyễn Nam Hải @ P&G Vietnam: Mỗi nhân viên là một MT

* Lý do Hải chọn làm việc tại P&G là gì?

Hải chọn P&G có thể kể đến ba lý do. Đầu tiên là lộ trình thăng tiến của P&G luôn đi từ thấp lên cao. P&G không tuyển người để “lấp đầy” một vị trí trống nào đó mà luôn có một kế hoạch đào tạo và phát triển dài hạn dành cho nhân viên khi tuyển vào. Điều này giúp cho các nhân viên tại P&G đều rất cứng cáp, họ đều phải trải qua lộ trình giống nhau, giải quyết những vấn đề tương tự nhau. Đồng thời, nếu sếp của bạn muốn được thăng chức họ phải chuẩn bị, củng cố, hỗ trợ người kế vị sẵn sàng cho chức vụ mới.

Lý do thứ hai, P&G được đánh giá là “The best training company”. Hải thích cách P&G đào tạo nhân viên của mình từ những việc nhỏ như bán hàng hiệu quả đến những việc lớn như quản lý cả một đội ngũ nhân sự từ rất sớm. Vì ngưỡng mộ văn hóa này mà Hải từng ứng tuyển P&G tận 3 lần. Hải muốn được ở trong môi trường đào tạo tốt để có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Không chỉ vậy, môi trường làm việc quốc tế và văn hóa làm việc “strong collaboration” của P&G cho phép Hải được làm việc và học hỏi rất nhiều từ các anh chị đồng nghiệp đến từ các quốc gia khác.

Điều cuối cùng là vì yêu thích các sản phẩm của P&G. Làm việc tại một công ty đa quốc gia lớn hàng đầu thế giới, Hải có cơ hội được làm việc với các nhãn hàng danh tiếng mình yêu thích và ngưỡng mộ từ lâu như Gillette, Pantene, Tide, Ariel, Downy... Còn gì tuyệt hơn nữa chứ?

* Quá trình ứng tuyển với P&G có gì đặc biệt mà các bạn trẻ cần lưu ý không?

Hành trình Management Trainee #5 - Nguyễn Nam Hải @ P&G Vietnam: Mỗi nhân viên là một MT

Đầu tiên là CV. Tiếp theo sẽ là online test. Đây là bài kiểm tra được sử dụng toàn cầu, theo thống kê thì tỉ lệ người tham gia vượt qua được bài kiểm tra này không cao. Hải nghĩ mục tiêu bài kiểm tra này là để xem ứng viên có hợp với môi trường P&G hay không, ứng viên có những tố chất P&G cần hay không thôi. Vòng thứ ba là IQ offline test với nội dung tương tự GMAT. Cuối cùng là 2 – 3 lần phỏng vấn trực tiếp. Đặc biệt, tại P&G, ứng viên sẽ không phỏng vấn với HR hay sếp trực tiếp, mà sẽ phỏng vấn với 3 trong số những nhân sự cấp cao. Thường thì vòng phỏng vấn cuối cùng sẽ trò chuyện cùng bác Country Leader. Tất cả đều để đảm bảo ứng viên là người phù hợp với công việc và môi trường tại đây.

* Cuối cùng Hải có nhắn nhủ gì với các bạn trẻ có ý định ứng tuyển vào P&G?

Trước hết dù là P&G hay công ty nào, hãy luôn nghĩ rằng quá trình ứng tuyển giống như tìm người yêu vậy, bạn tìm hiểu về công ty, công ty tìm hiểu bạn để đảm bảo cả hai vui vẻ khi đồng hành cùng nhau.

Và trước khi bắt tay vào làm bất cứ công việc nào tại P&G, bạn cũng cần có một đích đến thực sự rõ ràng. P&G đánh giá cao các cá nhân biết đặt ra mục đích và có hành động cụ thể để đạt được. Thậm chí P&G còn mua cả khóa học "7 thói quen của người thành đạt" để có thể huấn luyện cho nhân viên công ty.

Cuối cùng là đừng chọn một công việc, hãy chọn cho mình một sự nghiệp. Vậy nên hãy tìm hiểu và chắn chắn rằng giá trị cốt lõi, định hướng phát triển của công ty phù hợp với định hướng của bản thân. Hải ứng tuyển vào P&G 3 lần, Hải nghĩ lần thứ ba mới thực sự là thời điểm phù hợp để Hải gắn bó và phát triển lâu dài tại đây.

* Cảm ơn những chia sẻ chân thành từ Hải. Chúc bạn thành công trên con đường sắp tới!

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Nghe thêm podcasts cùng chuyên mục tại đây.

Diệu Uyên / Brands Vietnam
Brands Vietnam