Thương hiệu online nào đang hủy diệt các đại gia thời trang bán lẻ?
Sự lên ngôi của xu hướng mua sắm thời trang trực tuyến với những cái tên như ASOS, Zalando và Boohoo đang đẩy các hãng thời trang nhanh tới bờ vực phá sản và sụp đổ.
Boohoo
Boohoo ra đời từ sự hợp tác của 2 doanh nhân Mahmud Kamani và Carol Kane năm 2006. Sớm bắt kịp xu hướng thời trang online, họ đã biến Boohoo thành một thương hiệu trị giá hàng tỷ bảng Anh chỉ sau hơn một thập kỷ.
Từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2014, Boohoo đã mua lại một số thương hiệu khác bao gồm PrettyLittleThing (PLT), Nasty Gal và MissPap.
The Guardian đánh giá trong khi những thương hiệu thời trang bình dân trên các con phố lớn như Topshop, New Look và Monsoon đang dần thoái trào thì Boohoo lại có một năm bùng nổ.
Sự tăng trưởng vượt bậc của hãng này đến từ việc xác định đúng đối tượng mục tiêu là những người trẻ thích mua sắm online và tin tưởng gợi ý thời trang từ những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội hơn là các tờ tạp chí như Vogue hay Grazia.
Với ngân sách quảng cáo khoảng 90 triệu euro vào năm ngoái, Boohoo tận dụng sức ảnh hưởng của những người nổi tiếng như diễn viên, ca sỹ Jennifer Lopez, người mẫu Ashley Graham và cầu thủ Dele Alli.
Không chỉ vậy, nét khác biệt của Boohoo và PLT còn là định nghĩa “thời trang cho tất cả mọi người”. “Chúng tôi lấy những chiếc váy ôm sát cơ thể cho người mẫu size 10 và size 20 mặc đứng cạnh nhau để mọi người thấy rõ dù hình dáng cơ thể khác nhau như thế nào, các bạn vẫn có thể mặc cùng một mẫu váy”, bà Carol Kane giải thích.
Hiện tại, tập đoàn bán lẻ thời trang online này bán cả những mẫu váy, chân váy ngắn và đồ bơi ôm sát cơ thể với kích cỡ lên tới 26 (size UK). Chiến lược này cũng tương tự Aerie, ThirdLove hay Lively trong phân khúc đồ lót.
Với việc đi ngược lại chuẩn mực số đo của các “thiên thần” Victoria's Secret. Các thương hiệu đồ lót “yêu cơ thể” (body-positive) này đã bắt đầu chiếm lĩnh thị phần của Victoria’s Secret từ năm 2015.
Thực tế, cuối tháng 5, báo cáo tài chính năm 2019 của Boohoo cho thấy doanh thu toàn tập đoàn đạt 856,9 triệu euro, lợi nhuận trước thuế 59,9 triệu euro. Những chỉ số này đều lần lượt tăng trưởng 48% và 38% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, Boohoo là một trong số ít thương hiệu thời trang đạt tăng trưởng doanh thu trong giai đoạn cuối năm 2018, thời kỳ khủng hoảng của toàn ngành công nghiệp thời trang nhanh.
Tuy nhiên, hiện Boohoo chỉ chiếm chưa tới 1% thị phần tại Mỹ và châu Âu. Đây là 2 thị trường có tổng giá trị 500 tỷ euro/năm. Do đó hãng đang cố gắng đẩy mạnh kinh doanh tại những khu vực này.
CEO mới bổ nhiệm của Boohoo và cũng là cựu giám đốc điều hành hãng thời trang Primark - ông John Lyttle - được hứa hẹn sẽ nhận được 50 triệu euro cổ phiếu và tiền thưởng nếu giá cổ phiếu của công ty tăng 180% trong 5 năm tới.
Zalando
Thương hiệu thời trang trực tuyến Zalando được thành lập năm 2008 tại Berlin (Đức), hiện có mặt tại 17 thị trường châu Âu. Ban đầu hãng này chuyên cung cấp các sản phẩm giày, dép.
Chỉ sau một năm hoạt động, Zalando đã bắt đầu mở rộng thị trường ra ngoài lãnh thổ Đức. Đến năm 2010, danh mục sản phẩm của hãng có thêm các trang phục quần áo.
Từ năm 2013, Zalando đẩy mạnh hợp tác với các nhà mốt và thương hiệu thời trang khác nhằm đa dạng hóa sản phẩm trên trang. Đến nay, Zalando là một trong những kênh bán lẻ thời trang online lớn nhất châu Âu.
Một trong những điểm thu hút của trang web bán lẻ này là tính năng “Get the Look”, nơi người mua hàng có thể tìm kiếm các sản phẩm gần tương tự với bộ trang phục có trong hình ảnh do chính họ hoặc những người dùng khác đăng tải lên.
Theo đó, người mua hàng vừa tìm kiếm tiện lợi vừa biết thêm nhiều cách phối đồ mới mẻ hơn.
Năm 2018, Zalando thu về 5,39 tỷ euro, lợi nhuận đạt 173,4 triệu euro. Doanh thu của hãng tăng 20% so với năm 2017 nhưng lợi nhuận lại giảm 36,5%.
Tuy vậy, Zalando vẫn là một trong những thương hiệu thống trị thị trường thời trang thế giới với 26,4 triệu khách hàng thân thiết năm 2018, gấp hơn 1,5 lần tên tuổi lớn thứ hai ASOS và vượt hẳn Inditex, H&M.
Quý IV/2018, trang web của Zalando đón gần 1 tỷ lượt truy cập và thu hút 1,3 triệu khách hàng thân thiết mới, con số lớn nhất trong 5 năm qua. Kết hợp nền tảng trực tuyến với 500.000 điểm bán lẻ cố định ở châu Âu rộng hơn 100 triệu m2, Zalando đang cung cấp cho khách hàng nhiều lựa chọn mua sắm tiện lợi.
Ông Carsten Keller - Phó chủ tịch Tiếp thị trực tiếp của Zalando - cho biết: “Một mặt chúng tôi nâng mức độ sẵn có của hàng hóa cho khách hàng, mặt khác cũng gia tăng đáng kể tốc độ giao hàng. Điều này giúp khách hàng có được trải nghiệm mua sắm thỏa mãn hơn, hoạt động bán lẻ của chúng tôi cũng được củng cố”.
Năm 2019, Zalando đưa ra mục tiêu tăng trưởng tổng giá trị giao dịch (GMV) lên 20-25% và lợi nhuận điều chỉnh đạt 225 triệu euro.
Trong tương lai, hãng này sẽ mở rộng chương trình đối tác, thu phí hoa hồng từ các thương hiệu bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng thông qua trang web Zalando và cung cấp cho họ các dịch vụ vận chuyển và quảng cáo, tương tự mô hình kinh doanh đang phát triển của Amazon.
Khi đó, Zalando kỳ vọng tăng gấp 3 lần chỉ số GMV hiện tại (6,6 tỷ euro) lên 20 tỷ euro vào năm tài chính 2023-2024. Giám đốc Zalando David Schneider khẳng định: “Mục tiêu của chúng tôi là trở thành điểm đến nơi khách hàng có thể thỏa mãn mọi nhu cầu thời trang của họ”.
Asos
Asos được Elle đánh giá là một trong những thương hiệu tiên phong trong lĩnh vực thời trang online. Được thành lập năm 2000 bởi Nick Robertson với tên gọi As Seen on Screen, trang web này chuyên bán số lượng lớn các sản phẩm thời trang mà người nổi tiếng từng mặc trên TV.
Vài năm sau, bằng việc tập trung vào phân khúc quần áo, Asos đã trở thành đại gia thời trang toàn cầu với hơn 18 triệu khách hàng tại 238 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2004, thương hiệu thời trang nữ đầu tiên của Asos ra mắt, và hãng cũng thu về khoản lợi nhuận đầu tiên 120.000 bảng Anh.
Nhưng khi đang phát triển nhanh chóng, Asos liền bị giáng một đòn mạnh bạo khi kho Buncefield (Anh) bị thiêu rụi cùng vụ nổ kho chứa dầu gần đó. Giá cổ phiếu của hãng sụt giảm mạnh.
Tuy nhiên, The Guardian nhận định Asos đã thực sự vươn lên từ tro tàn để mở rộng thị trường ra nước ngoài, xây dựng một thương hiệu thời trang nam và mang đến sự bùng nổ cho toàn ngành thời trang trực tuyến. Cổ phiếu của doanh nghiệp này bắt đầu lưu thông từ năm 2001 đã đạt 70 bảng Anh vào năm 2014.
Những cải tiến của Asos bao gồm tận dụng mạng xã hội như Instagram để tương tác với khách hàng, tìm kiếm sản phẩm bằng hình ảnh hay việc mở rộng danh mục sản phẩm thuộc các thương hiệu riêng đã thúc đẩy sự tăng trưởng của hãng những năm qua.
Năm ngoái, Asos đã vượt mặt Marks & Spencer, được định giá 6,4 tỷ bảng Anh. Nhưng sau 20 năm hoạt động, Asos cũng không nằm ngoài vòng xoáy suy thoái của ngành công nghiệp thời trang nhanh những năm gần đây, đặc biệt là tại Anh.
Tháng 11/2018, cổ phiếu Asos liên tục rớt giá tới 51%, công ty giảm dự báo doanh thu và lợi nhuận.
Sau những nỗ lực cải cách và giảm mạnh giá thành sản phẩm, báo cáo tài chính 6 tháng đến ngày 28/2/2019 của Asos cho thấy doanh thu bán lẻ 1,28 tỷ euro, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2018.
Mặc dù vậy, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 4 triệu euro, giảm 87% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, những con số này vẫn chưa thể đánh bật ông lớn thời trang trực tuyến với 22,7 triệu lượt tương tác mỗi ngày trên các phương tiện truyền thông.
Các nhà đầu tư vẫn tiếp tục đặt cược niềm tin vào cổ phiếu Asos. “Asos vẫn đang phát triển tốt và tỏ ra vượt trội trên thị trường, chẳng qua trước đây nó đã quá thành công”, ông Neil Wilson - chuyên gia phân tích thị trường tại Markets.com - nhận định.
Cùng chung quan điểm đó, Giám đốc đầu tư AJ Bell Russ Mould cũng cho biết: “Áp lực nặng nề đang đặt lên Asos khi phải duy trì danh tiếng tăng trưởng nhanh”.
Bên cạnh Boohoo, Zalando và ASOS, rất nhiều thương hiệu thời trang online khác cũng đang nỗ lực phát triển và chiều lòng khách hàng, đặc biệt là giới trẻ. Chính vì thế, nếu Topshop, Forever 21 hay Gap không có hướng đi đúng đắn thì sẽ rất khó trụ vững trong cuộc cạnh tranh khắc nghiệt này.
Lan Anh
Nguồn Zing News