Sự thăng trầm của iTunes, ứng dụng bị ghét nhất của Apple
Sau khi ra mắt vào năm 2001, iTunes, phần mềm được xem như là một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp âm nhạc, đã có một thời kỳ vàng son. Thế nhưng, vào năm 2019, mọi thứ dường như đã kết thúc.
Với macOS 10.15 Catalina, chức năng chính của iTunes sẽ được tách ra thành 3 ứng dụng riêng biệt là Music, TV và Podcasts, đã chính thức đặt dấu chấm hết cho vai trò của iTunes trong hệ sinh thái Apple trong gần 2 thập niên. Việc đồng bộ hoá các thiết bị của người dùng sẽ được thực hiện thông qua Finder với các chức năng như sao lưu, cập nhật và khôi phục.
Có lẽ sẽ có rất ít người thương tiếc cho sự ra đi iTunes, khi nó hiện đã trở nên quá rối rắm, nhưng chính cách tiếp cận theo kiểu bỏ tất cả vào một giỏ này đã tạo ra thành công ban đầu của ứng dụng này. iTunes là bộ mặt của chiến lược tạo ra kho nội dung số (Digital Hub) của Apple, được Steve Jobs đã giới thiệu từ năm 2001. Chiến lược này đã định hình Mac như một cổng thông tin nằm tại vị trí trung tâm đời sống số của con người, là điểm kết nối máy ảnh số, máy chơi nhạc và các thiết bị cầm tay khác.
Điều này trở thành triết lý cho sự phát triển của iTunes, phần mềm chứa tất cả dịch vụ giải trí cho bạn. iTunes hỗ trợ video từ tháng 5/2005, Podcasts vào tháng 6/2005 và thư viện vào tháng 1/2010. Cùng với việc hỗ trợ quản lý trình chơi nhạc trên iPod, iTunes cũng trở thành phần mềm có trên mọi chiếc iPhone. Theo đó, cho tới tận phiên bản iOS 5, người dùng vẫn phải sử dụng ứng dụng này để kích hoạt iPhone cũng như để cài và quản lý các ứng dụng.
Thời gian trôi đi, cũng chính từ cách tiếp cận này mà iTunes từ một phần mềm hữu ích trở thành một phần mềm cực kì rối rắm và lúc nào cũng yêu cầu người dùng thực hiện cập nhật khi họ muốn mở nó.
iTunes trở thành một phần mềm không thể thiếu. Bạn có thể mua một bài nhạc với giá 0,99 USD, sao chép một số bài nhạc từ những chiếc đĩa CD, xếp chúng vào một playlist và nhanh chóng đồng bộ nó vào một chiếc iPod, tất cả đều thông qua phần mềm này. Apple biết rõ rằng người dùng sẵn sàng bỏ tiền mua nhạc thay vì tải lậu nếu quá trình mua nhạc đủ tiện lợi và thành công của iTunes Store chứng tỏ rằng Apple đã đúng.
Những năm đầu, iTunes góp phần xây dựng một máy phát nhạc tự động kỹ thuật số tuyệt vời cho chiếc iPod, cùng với đó là một kho nhạc đầy những nghệ sĩ nổi tiếng. Phần mềm này lần đầu ra mắt trên máy tính Mac vào tháng 1/2001, trước khi iPod được trình làng vào tháng 10 cùng năm. Đến tháng 2/2003, iTunes Store mới được đưa vào hoạt động với kho nhạc ban đầu 200.000 bài nhạc. Và mãi phải tới tháng 10/2003, iTunes mới xuất hiện trên Windows, cho phép người dùng không dùng máy tính Mac cũng có thể mua nhạc từ Apple và đồng bộ chúng với iPod.
Và khi iTunes có mặt trên hệ điều hành lớn nhất trên thế giới, iPod cũng biến đổi từ một phụ kiện dành riêng cho người dùng Mac thành một chiếc máy nghe nhạc mà ai cũng có mong muốn sở hữu. Phiên bản trên Windows cũng đã giúp iPod, có thể giúp bạn “chứa 1.000 bài nhạc trong túi quần”, có thể cất cánh trong suốt thập kỷ này và đồng nghĩa với, phần mềm iTunes, đồng hành của nó cũng cất cánh theo.
iTunes đã trở thành một hình mẫu cho thấy cách người dùng có thể tải về các nội dung đa phương tiện một cách hợp pháp, đồng thời mang đến cho người dùng phương thức trả tiền mua nhạc thậm chí dễ hơn là ăn cắp chúng từ những trang chia sẻ file như Napster. Nhờ sự phổ biến của hệ sinh thái iPod và iTunes, Apple trở thành một cái tên mà ngành âm nhạc truyền thống rất ghét. Với việc bán các bài nhạc lẻ với giá 0,99 USD, Apple bị nhiều nghệ sỹ và nhà phát hành đĩa nhạc cáo buộc là tước đi giá trị âm nhạc. Tổng doanh thu cho ngành âm nhạc rớt xuống mức 15 tỷ USD vào năm 2012. Trong khi đó, ở thời kì đỉnh cao của ngành âm nhạc vật lý, doanh thu của ngành này ở mức 20 tỷ USD trong năm 2003.
Sự ra đời của phát trực tuyến (được thúc đẩy không nhỏ bởi sự gia nhập muộn màng của Apple), có nghĩa là mô hình mua-để-sở-hữu của iTunes không còn phù hợp. Năng lực cốt lõi của iTunes - tổ chức và quản lý bộ sưu tập nhạc - không còn cần thiết một khi mọi thứ bạn muốn được truyền trực tuyến từ đám mây với một mức phí không đổi hàng tháng. Khi iTunes ra mắt vào năm 2001, Apple tự hào với khả năng sao chép, tổ chức, chơi nhạc và ghi nhạc ra đĩa. Bây giờ, tính năng duy nhất cần thiết là tạo một hoặc hai danh sách phát tùy chỉnh trên Spotify hoặc Apple Music.
Không chỉ thế giới âm nhạc thay đổi. Phương thức phục vụ tất cả trong một của iTunes đã không còn hiệu quả trong vài năm qua, vì người dùng đã được cung cấp phần mềm và phần cứng chuyên dụng phục vụ tốt hơn. Người dùng video có set-top box dành cho Apple TV, cũng như các ứng dụng Apple TV gần đây cũng được thiết kế lại cho hệ điều hành iOS và Samsung. Các mục như podcast và sách có thể được tải trực tiếp xuống thiết bị di động. iCloud đã loại bỏ nhu cầu sao lưu dữ liệu trên máy tính.
Nhưng "Trung tâm kỹ thuật số" (Digital Hub) của Apple không biến mất, nó chỉ chuyển sang đám mây. Vì iPod đã được thay thế bằng iPhone, máy tính gia đình không còn là trung tâm của hộ gia đình kỹ thuật số. Và Mac hiện cũng không còn là đứa con được ưa chuộng của Apple.
Thành công của iTunes là không thể phủ nhận; nó tồn tại khá lâu so với đối thủ (như Winamp). Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, triết lý ban đầu của Apple về việc cung cấp cửa hàng một điểm đến cho tất cả phương tiện truyền thông khiến iTunes phải đảm trách quá nhiều nhiệm vụ, lất át cả tính khả dụng của nó. Thế giới đã chuyển sang một giai đoạn mà sự kết nối phổ biến khắp mọi nơi, lưu trữ đám mây và phương tiện phát trực tuyến đã trở thành tiêu chuẩn. iTunes vẫn sẽ tồn tại như là một ứng dụng di sản cho những người cần nó. Nhưng đối với những người khác, nó hiện chính thức là một điều của quá khứ.
Thúy Nguyễn / The Verge
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư