Be: Chuyến xe chở tiền
Đích đến của các siêu ứng dụng là cho vay tiêu dùng. Trong khi các đối thủ vẫn đang thử nghiệm nhỏ lẻ vì rào cản pháp lý thì Be Group đã có câu trả lời dứt khoát cho việc này.
Hệ sinh thái tài chính
Cuối tháng 5 vừa qua, Be Group, đơn vị chủ quản ứng dụng gọi xe be và Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) công bố hợp tác chiến lược trong việc cung cấp dịch vụ beFinalcial từ năm 2019. Theo đó Be Group sẽ phát hành thẻ tín dụng/ ghi nợ cùng thương hiệu với VPBank cho khách hàng sử dụng các dịch vụ của Be.
Yếu tố quan trọng nhất trong tham vọng siêu ứng dụng be là giới tài xế và nhóm này được thông báo sẽ có nhiều ưu đãi. Cụ thể, tài xế sẽ được tiếp cận các dịch vụ tài chính của VPBank để vay mua xe máy, ô tô với lãi suất ưu đãi. “Thông qua công nghệ, chúng tôi hiểu rõ tài xế của mình như năng suất lao động, tác phong nghề nghiệp từ đó giảm thiểu các rủi ro cho VPBank”, ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Be Group, cho biết. Hệ sinh thái của be, hiện nay là gọi xe máy và ô tô sẽ sớm được mở rộng sang các dịch vụ nóng trên thị trường như giao hàng, giao thức ăn. Theo lời ông Hải, các đối tác tham gia hệ sinh thái này bao gồm nhà cung cấp và khách hàng cũng sẽ được cung cấp các giải pháp tài chính được thiết kế riêng từ VPBank.
Mảng cho vay tiêu dùng ở Việt Nam đang nóng lên từng ngày. Theo số liệu từ Financial Times Confidential Research (FTCR), các khoản vay tiêu dùng của Việt Nam, không bao gồm vay thế chấp, chỉ đạt 23 tỉ USD trong năm 2017, tương đương gần 10% GDP cả nước. Con số này khá thấp so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, điển hình như Thái Lan, nợ hộ gia đình của quốc gia này bao gồm cả vay thế chấp, tương đương gần 80% GDP.
Trước tiềm năng lớn này, hàng loạt công ty tài chính tên tuổi lớn của nước ngoài đã tham gia thị trường này như Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) mua lại TechcomFinance; Shinhan Card mua lại Công ty Tài chính Prudential Việt Nam (PVFC); hay như 49% vốn HD Saison của HDBank thuộc về Tập đoàn Credit Saison (Nhật); Tập đoàn Shinsei (Nhật) giữ 49% cổ phần Mcredit (MB)...
FTCR đánh giá người Việt Nam là những người đi vay đáng tin cậy. Trong số những quốc gia ASEAN có thể tiếp cận nguồn tín dụng chính thống, người Việt Nam có tỉ lệ được chấp thuận cho vay cao nhất. Năm 2017, 65% dân số Việt Nam cho biết đơn xin vay vốn của họ đều được chấp nhận, mức cao nhất trong khối ASEAN 5.
Cuộc đua tới đích cuối
Cuộc chiến siêu ứng dụng ở Việt Nam từ trước đến nay là cuộc đua của các công ty kỳ lân ở Đông Nam Á là Grab (Malaysia) và Go-Jek (Indonesia). Sự xuất hiện của be, mà đằng sau là VPBank đang khiến thị trường sôi nổi hơn. Đích đến cuối của các siêu ứng dụng là cho vay. Thông qua dữ liệu thanh toán từ việc đặt đồ ăn, gọi xe, giao hàng của người dùng, các siêu ứng dụng này có thể tính toán được thu nhập của khách hàng, năng suất hoạt động của tài xế hay doanh thu của các nhà cung cấp để kết nối cho vay.
Tuy nhiên, những hạn chế về pháp lý khiến các siêu ứng dụng ngoại chưa thể tiến hành cho vay ở Việt Nam, điển hình như Grab đã từng thử nghiệm quy mô nhỏ với tài xế từ năm ngoái nhưng đến nay vẫn chưa chính thức công bố. Go-Viet từ khi bổ sung Giám đốc Điều hành mới vẫn chưa cho thấy dấu hiệu tham gia thị trường cho vay tiêu dùng.
Grab trong thời gian qua liên tục đẩy mạnh GrabFood, để tăng thêm thu nhập cho tài xế. Sau 1 năm đưa vào thị trường, lượng đơn hàng bình quân hằng ngày của GrabFood tăng 250 lần, mở rộng 15 tỉnh thành, thu hút 190.000 tài xế tham gia. Trong kế hoạch, Grab đang chuẩn bị khai trương dịch vụ Grab Kitchen ở Việt Nam. Có thể hiểu Grab Kitchen là địa điểm có nhiều hàng quán tập trung, giúp người sử dụng có thể đặt nhiều món mà không mất nhiều thời gian chờ đợi.
Tuy nhiên, Grab Kitchen khó có thể hấp dẫn bằng các gói vay ưu đãi cho tài xế. Do đó, không loại trừ khả năng Grab sẽ đẩy nhanh tiến độ tham gia thị trường cho vay tiêu dùng một cách chính thức bằng cách bắt tay với ngân hàng như cách của Be Group làm trong thời gian tới.
Về phần mình, Go-Viet cần cho thấy các động thái cần thiết để tiếp tục cuộc đua. Nguồn tin cho biết đơn vị này nhiều khả năng sẽ hợp tác với ZaloPay, đơn vị đang sở hữu giấy phép thanh toán trung gian và thừa hưởng lượng người sử dụng khổng lồ từ Zalo.
Công Sang
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư