Hàng không châu Á chật vật tìm lợi nhuận giữa thời cạnh tranh khốc liệt
Theo phân tích của Nikkei, cạnh tranh gay gắt đang ăn mòn lợi nhuận của các hãng hàng không châu Á dù nhu cầu hành khách tiếp tục gia tăng. Một số hãng bay lớn, nổi tiếng thậm chí còn đứng bên bờ vực phá sản.
Thị trường hàng không tăng trưởng "quá nhanh, quá nguy hiểm"
Các hãng hàng không giá rẻ đang trở nên đặc biệt phổ biến ở khu vực châu Á với tầng lớp trung lưu ưa chuộng du lịch. Tuy nhiên theo Hiệp hội Hàng không Châu Á – Thái Bình Dương (AAPA), việc số lượng hãng tăng trưởng quá nhanh khiến cho lợi nhuận trên mỗi hành khách tụt xuống chỉ còn chưa đầy 5 USD/hành khách.
Phân tích của AAPA dựa vào số liệu của 25 hãng hàng không trong khu vực cho thấy tổng lợi nhuận sau thuế năm 2018 giảm còn 4,7 tỉ USD, chỉ bằng một nửa so với năm trước.
Ông Andrew Herdman – Tổng Giám đốc AAPA nhận định: "Các hãng hàng không châu Á đã không thể chuyển toàn bộ mức tăng giá nhiên liệu sang cho khách hàng. Các hãng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục gặp những khó khăn lớn liên quan tới áp lực chi phí dai dẳng, cạnh tranh gay gắt và những biến động khó lường trên thị trường nhiên liệu và tiền tệ".
Đặc biệt, sự cạnh tranh quyết liệt đang đặt ra câu hỏi về chiến lược mở rộng qui mô mà các hãng hàng không châu Á đang theo đuổi và những đơn hàng máy bay mà họ đã đặt. Ngay cả những hãng hùng mạnh nhất cũng khó tránh khỏi xu thế này. AirAsia Group – hãng hàng không giá rẻ tiên phong của Châu Á – có lợi nhuận hoạt động (operating profit) năm 2018 sụt giảm 44% so với năm trước xuống còn 1,2 tỉ ringgit (tương đương 286 triệu USD).
Tổng Giám đốc AirAsia – ông Tony Fernandes gần đây cho biết Malaysia sẽ là nguồn mang lại lợi nhuận chính cho hãng bay này.
Mặc dù AirAsia đã trở thành tay chơi hàng đầu trong thị trường hàng không tăng trưởng nhanh nhất khu vực, hãng cũng không thể tránh được cơn "co thắt lợi nhuận" do tình trạng các hãng "ăn thịt lẫn nhau" mà chính ông Fernandez đã khởi xướng.
Trung tâm Hàng không Châu Á – Thái Bình Dương (CAPA) cho biết số lượng ghế mà các hãng giá rẻ cung cấp đã tăng tới 4 lần trong vòng 10 năm qua và nhận định nguồn cung máy bay đang tăng nhanh hơn so với nhu cầu. CAPA gọi hệ quả này là "sự cạnh tranh phi lí".
Và ngày càng có nhiều máy bay mới gia nhập thị trường. Tập đoàn Phát triển Máy bay Nhật Bản (JADC) ước tính khoảng 37.258 máy bay mới sẽ được bàn giao trong giai đoạn 2017-2037, tổng trị giá khoảng 5.550 tỉ USD. Trong số này, Châu Á – Thái Bình Dương bỏ xa các khu vực còn lại trên thế giới với 15.530 chiếc trị giá trên 2.300 tỉ USD.
Năm 2017, số hành khách trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tăng 11% lên mức 1,5 tỉ, chiếm 1/3 toàn cầu. Con số này được kì vọng tăng trưởng lên 3,9 tỉ trong hai thập kỉ tới. Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh khốc liệt đã phủ bóng mây u ám lên tiềm năng tăng trưởng của ngành hàng không châu Á.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), biên lợi nhuận trước thuế và lãi vay của các hãng bay khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là 6,7%, trong khi của khu vực Bắc Mỹ là 11%.
Hàng không giá rẻ khó khăn, hàng không truyền thống cũng khổ sở
Nhu cầu dành cho những chiếc tàu bay đặt mua mới nói trên có thể nhanh chóng tan biến.
Ở Myanmar, nơi từng được coi là thị trường cận biên đầy hứa hẹn, có tới 11 hãng hàng không giá rẻ được thành lập kể từ khi chính phủ dân sự mới được thành lập năm 2011. Trong số này, 5 hãng bay đã dừng hoạt động.
Ở Việt Nam, hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air (thành lập năm 2011) đã liên tục tăng trưởng siêu tốc về doanh thu cũng như thị phần. Xét về qui mô vốn hóa, Vietjet thậm chí đã vượt qua cả AirAsia Group của Malaysia. Nhưng sự cạnh tranh từ các đối thủ mới cũng đang ít nhiều ảnh hưởng đến triển vọng kinh doanh của hãng.
Tháng 1 năm nay, Bamboo Airways – hãng bay do Tập đoàn FLC sở hữu 100% - chính thức khai thác thương mại và thu hút hành khách thông quá giá vé hợp lí và tỉ lệ đúng giờ cao. Ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Bamboo Airways từng bày tỏ sự tự tin về khả năng tạo ra lợi nhuận của hãng bay tân binh này.
Tuy nhiên trong quí I vừa qua khi Bamboo Airways đi vào hoạt động, lợi nhuận hợp nhất của Tập đoàn FLC sụt giảm tới 92% xuống còn 8 tỉ đồng, trong đó mảng dịch vụ lỗ gộp 176 tỉ đồng dù quí I năm ngoái có lãi 71 tỉ đồng.
Nhiều hãng hàng không truyền thống đang trong giai đoạn cực kì khó khăn do bị các hãng giá rẻ "câu" mất khách hàng bằng giá vé thấp.
Tại Sân bay Quốc tế Mumbai, những quầy tiếp đón trước đây thuộc về hãng truyền thống Jet Airways thì nay đã về tay các hãng giá rẻ. Trước đây, Jet Airways từng làm nên cuộc cách mạng trên thị trường hàng không Ấn Độ sau khi chính phủ chấm dứt tình trạng độc quyền nhà nước, nhưng hiện nay hãng này lại đang đứng bên bờ vực phá sản bất chấp việc số lượng hành khách nội địa tại Ấn Độ đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua.
Jet Airways đã ngừng toàn bộ các chuyến bay vào hôm 18/4 sau khi cạn kiệt thanh khoản. Các máy bay của hãng này đã "án binh bất động" trong hơn một tháng qua và có thông tin cho biết cơ quan chức năng Ấn Độ đã phân bổ quyền bay quốc tế của Jet Airways trên một số tuyến cho các hãng khác, trong đó có IndiGo – hãng hàng không giá rẻ lớn nhất nước này.
Tại Thái Lan, hãng hàng không quốc gia Thai Airways International đã trở thành vấn đề làm đau đầu các chính phủ nối tiếp nhau trong nhiều thập kỉ qua. Hôm 16/5 vừa qua, hãng này công bố khoản lỗ 828 triệu baht (26 triệu USD) cho quí kết thúc ngày 31/3/2019, trong khi cùng kì năm ngoái có lãi 3,8 tỉ baht.
Hãng này đổ lỗi cho sự cạnh tranh gay gắt từ hàng không giá rẻ và các hãng khác. Thêm vào đó, Chủ tịch Sumeth Damrongchaitham cho biết "cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải hàng hóa của hãng". Chi phí thuê máy bay và phụ tùng thay thế tăng cao cũng làm giảm lợi nhuận.
Vào tháng 3 năm nay, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho biết ông này đang xem xét hai lựa chọn cho hãng hàng không quốc gia Malaysia Airlines đang chật vật: Đóng cửa hoặc bán lại. "Tôi yêu Malaysia Airlines. Tôi muốn nó là một hãng hàng không quốc gia nhưng có vẻ như chúng ta không đủ nguồn lực để giữ nó hoạt động".
Hãng này đã gặp vô vàn khó khăn kể từ năm 2014 khi một chiếc máy bay của hãng biến mất và một chiếc khác bị bắn rơi trên không phận Ukraine. Tháng 5 vừa qua, Malaysia Airlines công bố một thỏa thuận hợp tác với Japan Airlines, tuy nhiên hiện không rõ liệu liên minh này có thể giúp hãng hàng không Malaysia thoát khỏi tình cảnh hiểm nghèo hiện nay hay không.
Các hãng hàng không châu Á đang thực hiện những biện pháp chiến lược để sống sót. Cathay Pacific Airways của Hong Kong đã quyết định mua lại hãng hàng không giá rẻ Hong Kong Express Airways. Cathay khẳng định mô hình hoạt động của hai hãng này "về cơ bản là bổ trợ cho nhau" nhưng thực tế là 60% số đường bay của Hong Kong Express hiện đang trùng với Cathay, điều này làm dấy lên lo lắng về sự cạnh tranh trong nội bộ hãng.
Thai Airways thì có kế hoạch hợp tác với Airbus để cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu chủ yếu cho các hãng hàng không giá rẻ.
Cạnh tranh khốc liệt cũng khiến thị trường hàng không Trung Quốc thêm khó khăn dù đây là thị trường được kiểm soát chủ yếu bởi nhà nước và không có những cuộc đấu đá nảy lửa như ở các nước Đông Nam Á và Ấn Độ.
Tháng 5 năm ngoái, một quan chức quản lí hàng không Trung Quốc cho biết mảng vận chuyển hàng không quốc tế của nước này đã bước vào một giai đoạn phát triển mới và rằng cạnh tranh sẽ dần tăng lên.
Từ lâu, Cục Hàng không Trung Quốc đã bảo vệ các hãng bay trong nước bằng cách hạn chế cạnh tranh thông qua các biện pháp như chỉ cho phép một hãng bay Trung Quốc khai thác một số đường bay dài, bao gồm các đường bay tới Mỹ và Châu Âu.
Khoảng 5 tháng sau tuyên bố trên của quan chức Cục Hàng không, giới hạn này được gỡ bỏ một phần. Mùa thua năm 2019 này, hãng Air China sẽ bắt đầu khai thác tuyến nối Thượng Hải và London – một đường bay hấp dẫn từ lâu do China Eastern Airlines nắm thế độc quyền.
Các hãng hàng không Trung Quốc thường không được đánh giá cao về chất lượng dịch vụ. China Sountern Airlines là hãng có xếp hạng chất lượng dịch vụ cao nhất trong ba hãng hàng không lớn của Trung Quốc nhưng cũng chỉ đứng thứ 14 trên bảng xếp hạng của Skytrax năm 2018
Theo một chuyên gia hàng không, việc Trung Quốc gia tăng cạnh tranh trong ngành hàng không là nhằm phục vụ tốt hơn lợi ích của hành khách. Vị này cũng cho rằng giá vé nhiều khả năng sẽ giảm xuống. Nếu đúng như vậy, các hãng bay Trung Quốc sẽ phải chịu rất nhiều áp lực.
Kiên Dương - Song Ngọc / Kinh tế & Tiêu dùng
Nguồn VietnamBiz