Khách Nga đến Việt Nam tăng, mỗi khách lưu trú trung bình 16 đêm
Thống kê ghi nhận khách du lịch Nga đổ về châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Việt Nam và Thái Lan, đang tăng mạnh nhờ vận tải hàng không phát triển. Việt Nam có nắm bắt được cơ hội này?
Theo số liệu của Hãng phân tích du lịch toàn cầu ForwardKeys, từ tháng 5-2018 đến tháng 4-2019, khách du lịch Nga đổ về châu Á - Thái Bình Dương tăng 54,5%, vượt xa tăng trưởng khách quốc tế nói chung của khu vực (3,8%).
Khách Nga tăng đột biến chủ yếu nhờ các hãng hàng không nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường, tăng gấp đôi số đường bay thẳng từ Nga đến các khu nghỉ mát châu Á - nâng công suất vận chuyển thêm 38%, theo ông Olivier Ponti - phó chủ tịch ForwardKeys.
"Các hãng bay charter, giá rẻ đang giúp đẩy mạnh tăng trưởng, mặc dù công suất của các hãng lớn cũng trên đà tăng, một vài ví dụ bao gồm Pegas Fly, Nordwind Airlines, GoAir, Jeju Air...." - ông Ponti liệt kê.
Việt Nam là điểm đến có công suất vận tải hàng không tăng cao nhất (153%), theo sau là Thái Lan và Maldives (lần lượt là 125% và 58%). Hàn Quốc và Ấn Độ cũng chứng kiến mức tăng hơn 30%.
Khách Nga đến châu Á đa số là đi nghỉ dưỡng (tăng 63%), còn lại là du lịch với mục đích tìm hiểu kinh doanh (tăng 28%). Mỗi du khách lưu trú trung bình 16 đêm.
Việt Nam có vượt được Thái Lan?
Hãng phân tích du lịch Skift của Mỹ nhận định đến thời điểm này Việt Nam là một lựa chọn yêu thích của khách Nga bên cạnh điểm đến truyền thống Thái Lan.
Bên cạnh hàng không thuận tiện hơn (nhiều thành phố nhỏ của Nga đã có đường bay thẳng đến Việt Nam), công suất phòng khách sạn của Việt Nam cũng tăng mạnh giúp du khách giảm đáng kể chi phí lưu trú.
Thêm vào đó, Việt Nam có ưu điểm mới lạ hơn Thái Lan, trong khi thời gian bay cũng tương đương nhau.
"Nhu cầu của thị trường Nga đối với Việt Nam đang tăng mạnh. Việt Nam thu hút du khách nhờ vị trí địa lý và các trải nghiệm văn hóa đa dạng - từ Bắc vào Nam rất khác nhau. Bên cạnh đó là lợi thế nghỉ dưỡng biển được đa số khách Nga yêu thích.
Khách sạn và dịch vụ lưu trú mới liên tục khai trương ở Việt Nam, phù hợp với nhiều túi tiền. Đáng chú ý, đảo Phú Quốc đã trở thành một điểm đến charter phổ biến, góp phần đẩy mạnh lượng khách Nga đến Việt Nam nói chung" - ông Stephan Roemer, giám đốc điều hành Diethelm Travel Group, đánh giá.
Trong khi đó, Thái Lan hiện nay không còn được xem là điểm đến "giá rẻ", đặc biệt trong bối cảnh đồng baht Thái tăng giá trị.
"Phần lớn người Nga hay đi du lịch nước ngoài đều đã đến Thái Lan ít nhất 1-2 lần, vậy nên Việt Nam là điểm đến tiếp theo cho họ khám phá" - ông Roemer bổ sung.
Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, liệu Việt Nam có cơ hội "nổi tiếng" hơn hoặc thậm chí vượt qua Thái Lan trong mắt khách Nga?
Điều này thật ra không dễ. "Việt Nam có tiềm năng thu hút thêm nhiều du khách Nga, nhưng tôi cho rằng Thái Lan vẫn tiếp tục là điểm đến chính trong những năm tới - ông Roemer dự báo.
Năm ngoái, Việt Nam thu hút 15,5 triệu lượt khách nước ngoài, trong đó người Nga là 606.637 lượt (4%). Còn Thái Lan có 38,3 triệu lượt khách, người Nga chiếm 1,5 triệu (cũng tương đương 4%).
Nga là thị trường nguồn lớn thứ 6 của Việt Nam, từ hạng 1 đến 5 lần lượt là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Mỹ.
Phúc Long
Nguồn Tuổi Trẻ Online