Zara và H&M thu về 2.500 tỷ đồng trong năm 2018
Dù có số cửa hàng nhiều hơn hẳn nhưng doanh số của H&M Việt Nam vẫn khiêm tốn hơn nhiều so với Zara.
hương hiệu thời trang Zara chính thức thâm nhập thị trường Việt Nam từ ngày 8/9/2016 với cửa hàng đầu tiên tại Vincom Center Đồng Khởi - một trong những địa điểm mua sắm đông đúc nhất tại Sài Gòn. Đúng một năm sau đó, một thương hiệu thời trang phổ thông khác là H&M cũng mở cửa hàng đầu tiên của mình tại Vincom Đồng Khởi.
Hiện H&M đã nâng số cửa hàng của mình lên con số 7 trong khi Zara vẫn chỉ duy trì 2 cửa hàng quy mô lớn cùng một số cửa hàng của các thương hiệu anh em.
Chỉ sau 2-3 năm đổ bộ vào thị trường Việt Nam, những số liệu tài chính đã cho thấy những thương hiệu thời trang ngoại có mức giá bình dân như Zara, H&M và sắp tới có thêm Uniqlo gia nhập đang có sức hấp dẫn lớn như thế nào đối với người Việt.
Zara thuộc sở hữu của tập đoàn Inditex, một trong những tập đoàn bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới có trụ sở ở Tây Ban Nha. Tuy vậy các cửa hàng Zara tại Việt Nam lại do đối tác của Inditex tại Indonesia là Mitra Adiperkasa (MAP) vận hành.
MAP đã thành lập công ty Mitra Adiperkasa Việt Nam để kinh doanh Zara đồng thời lập 3 pháp nhân khác để kinh doanh các thương hiệu Pull & Bear, Stradivarius, Massimo Dutti tại Việt Nam.
Kết thúc năm 2016 với thời gian kinh doanh chưa đầy 4 tháng, theo số liệu của CTCP Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), Zara Việt Nam đã đạt doanh thu 321 tỷ đồng, bình quân đạt doanh thu 2,8 tỷ đồng/ngày và đạt lợi nhuận trước thuế 38 tỷ đồng. Rất hiếm thương hiệu bán lẻ quốc tế có được lợi nhuận ngay từ khi mới bắt đầu kinh doanh.
Sang năm 2017, với việc mở mới các cửa hàng Pull & Bear, Stradivarius, Massimo Dutti trong tháng 9 và mở thêm cửa hàng Zara tại Hà Nội từ tháng 11, doanh thu của toàn hệ thống Mitra Adiperkasa tại Việt Nam đã tăng vọt lên hơn 1.100 tỷ đồng.
Năm 2018, theo báo cáo của Mitra Adiperkasa, doanh thu của tập đoàn này tại Việt Nam đạt khoảng 2.000 tỷ đồng - trong đó riêng thương hiệu Zara tăng trưởng gấp rưỡi lên gần 1.700 tỷ đồng, tương đương doanh thu bình quân khoảng 4,6 tỷ đồng/ngày.
Với kết quả hiện tại thì Zara cùng các thương hiệu Pull & Bear, Stradivarius... do Mitra Adiperkasa đã gần tương đương với đế chế hàng hiệu IPP Group của ông Jonathan Hạnh Nguyễn và bỏ xa các tập đoàn bán lẻ thời trang và hàng xa xỉ lớn khác như Tam Sơn Fashion (Hermes, Bottega Veneta, Boss...) của OpenAsia Group hay MaiSon International Retail (Mango, Topshop Topman, Charles & Keith...). Trong khi đó, các thương hiệu thời trang trong nước vẫn còn khá nhỏ để đặt lên so sánh.
Dù có số cửa hàng nhiều hơn hẳn nhưng doanh số của H&M Việt Nam vẫn khiêm tốn hơn nhiều so với Zara. Năm 2017 chỉ với 4 tháng kinh doanh, H&M đạt doanh thu gần 230 tỷ đồng. Sang năm 2018, doanh thu tăng gấp hơn 3 lần lên 760 tỷ đồng.
Mặc dù doanh thu gần bằng 1/2 nhưng lợi nhuận năm 2018 của H&M chỉ đạt 15 tỷ đồng, chưa bằng 1/6 so với con số 98 tỷ đồng của Zara.
Kinh Kha
Nguồn Trí thức trẻ