Doanh nghiệp thời trang Việt tìm thấy nhiều cơ hội trong bối cảnh cạnh tranh
Trong bối cảnh các thương hiệu thời trang quốc tế “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp thời trang Việt cũng nỗ lực đổi mới, tìm hướng đi linh hoạt hơn để cạnh tranh và khẳng định vị thế riêng của mình, trong đó phân khúc tầm trung được xem là cơ hội lớn để phát triển.
Hồi tháng 9.2016, Zara (thuộc tập đoàn bán lẻ thời trang Inditex, Tây Ban Nha) mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. Đến cuối năm 2017, thị trường thời trang Việt Nam đón thêm “tân binh” H&M (Thụy Điển). Thương hiệu thời trang Nhật Bản Uniqlo cũng thông báo sẽ có mặt tại Việt Nam vào cuối năm nay với cửa hàng đầu tiên đặt tại TP.HCM.
Thị trường gần 100 triệu dân với cơ cấu dân số vàng đã mang đến doanh thu tích cực cho các hãng thời trang ngoại. Tính từ tháng 12.2017 đến tháng 5.2018, doanh thu của H&M tại thị trường Việt Nam là 322 tỉ đồng. Còn doanh thu của Mitra Adiperkasa – đơn vị phân phối Zara tại Việt Nam đạt khoảng 950 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2018, tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017.
Với tiềm năng lớn như vậy, không chỉ các tập đoàn tên tuổi thế giới mà một số thương hiệu cùng phân khúc tầm trung ở khu vực Đông Nam Á cũng tìm cơ hội thâm nhập thị trường Việt Nam. Trong khi đó các doanh nghiệp thời trang Việt vốn được cho là “lép vế” trong cuộc cạnh tranh này, cũng dần khẳng định vị trí trong phân khúc tầm trung và họ cho biết tự tin về các cơ hội ở thị trường nội địa.
Thương hiệu ngoại giúp 'educate' thị trường
“Rất tốt” là nhận định của CEO Vascara Lê Cảnh Bích Hạnh khi nói về việc nhiều hãng thời trang quốc tế vào thị trường Việt Nam vài năm gần đây. Những hãng này vẫn mạnh ở ngành hàng quần áo, nên ngành phụ kiện như Vascara nếu có bị ảnh hưởng cũng là ở khía cạnh tích cực. Bởi, các hãng thời trang lớn có tiềm lực về tài chính và độ nổi tiếng để “educate” thị trường, giúp khách hàng hiểu biết như thế nào thời tranh, là mặc đẹp, phân biệt thế nào là đồ công sở, dạ tiệc…
Mức giá của những thương hiệu nổi tiếng cũng thiết lập sự nhận thức về giá rõ hơn cho khách hàng. “Nhờ vậy, người tiêu dùng Việt Nam mặc đẹp hơn, mua sắm thông minh hơn. Trước đây họ chỉ chi một đồng cho thời trang, bây giờ họ có thể bỏ ra ba đồng để hợp với xu hướng hơn”, CEO Vascara nhận xét.
Trao đổi với Forbes Việt Nam, CEO Bích Hạnh kể, trước đây, có nhiều mẫu phụ kiện của Vascara dù hợp với xu hướng thế giới nhưng vẫn không được khách hàng ưa chuộng. Nhưng khi các hãng thời trang ngoại như Zara, Topshop, Mango quảng bá các mẫu sản phẩm tương tự, khách hàng Việt bắt đầu chọn mua. Và khi đó, những khách hàng có xu hướng cân nhắc về giá sẽ chọn các sản phẩm của Vascara vì hãng đưa ra mức giá tốt hơn so với các hãng quốc tế.
Tính đến ngày 31-5, Vascara có gần 130 cửa hàng tại 48 tỉnh thành trên toàn quốc. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến tháng 5.2019, hãng đã mở thêm 15 cửa hàng trong kế hoạch mở khoảng 30 cửa hàng trong năm nay và tiếp tục mở rộng mạng lưới trong những năm tới.
Am hiểu thị trường
Đây là thế mạnh thứ hai mà các doanh nghiệp nội địa có thể tận dụng. Trong khi các thương hiệu nước ngoài chỉ tập trung chủ yếu ở các trung tâm thương mại tại thành phố lớn thì doanh nghiệp Việt Nam vươn tới các thị trường xa hơn ở các tỉnh thành khác.
“Chúng tôi phát huy thế mạng linh hoạt và hiểu thị trường. Nhờ tận dụng cơ sở dữ liệu hơn 10 năm kinh doanh, xây dựng hệ thống phân tích dữ liệu để có thể dự báo được loại sản phẩm nào sẽ bán được bao nhiêu, ở đâu, màu gì để đặt hàng đúng số lượng. Khi biết khách hàng ở một khu vực chuộng sản phẩm nào đó sẽ nhanh chóng đáp ứng nhu cầu. Các hãng lớn sẽ khó có sự linh hoạt như vậy,” CEO Vascara phân tích.
“Len lỏi” vào đến thị trường các tỉnh cũng là điểm mạnh của thương hiệu thời trang thiết kế GUMAC. Đến tháng 8 tới đây GUMAC mới tròn bốn năm thành lập nhưng quy mô cửa hàng và tốc độ tăng trưởng doanh thu đã gây ngạc nhiên trong giới kinh doanh thời trang. Hiện GUMAC có hơn 60 cửa hàng tại 32 tỉnh thành, trong đó 20 cửa hàng nằm tại TP.HCM. CEO Lê Thành Vân cho biết trong sáu tháng đầu năm, GUMAC có thêm 14 cửa hàng mới trong mục tiêu đến cuối 2020 cán mốc 100 cửa hàng trên cả nước.
Với mức giá trung bình 300.000 – 500.000 đồng/sản phẩm, doanh thu năm 2018 của GUMAC cao gấp 2,5 lần so với năm 2017. “Năm 2015, khái niệm bán hàng trực tuyến vẫn còn mới ở Việt Nam, đặc biệt ở phân khúc tầm trung lúc đó cũng chưa có thương hiệu nào nổi trội trên thị trường, GUMAC đẩy mạnh kênh trực tuyến, đưa doanh thu từ kênh này lên đến 30% trong tổng doanh thu của GUMAC hiện nay”, CEO Lê Thành Vân kể.
Đó là con số ấn tượng đối với một chuỗi thời trang bán hàng đa kênh online – offline (omni channel) như GUMAC. Vân cho biết hiện tỷ lệ khách hàng quay lại hằng tháng là 50%, GUMAC vẫn tiếp tục tập trung vào chính sách chăm sóc khách hàng để tạo sự khác biệt so với các chuỗi thương hiệu thời trang tầm trung khác. CEO GUMAC cũng không giấu tham vọng muốn trở thành thương hiệu thời trang có dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt nhất Việt Nam.
Thương hiệu ngoại tạo động lực phát triển cho thị trường
Đó là nhận định của các nhà kinh doanh thời trang nội địa. Họ cho rằng đó chính là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp Việt cạnh tranh năng động hơn, tạo ra các sản phẩm mới chất lượng hơn và theo kịp xu thế, đáp ứng nhu cầu của khách hàng ngày càng cao hơn. “Khi có cạnh tranh, dù trực tiếp hay gián tiếp, cũng sẽ thúc đẩy các thương hiệu nội địa cải thiện sản phẩm và dịch vụ”, nhà sáng lập, CEO thương hiệu thời trang MARC Lê Võ Phi Vũ chia sẻ với Forbes Việt Nam, “đây chính là cơ hội dành cho doanh nghiệp thời trang tầm trung”.
Thành lập năm 2008, hiện thương hiệu thời trang tự thiết kế - sản xuất - phân phối MARC đã có 23 cửa hàng, chủ yếu tập trung ở TP.HCM và một số cửa hàng ở Đà Nẵng, Nha Trang, Huế, Vũng Tàu. Nhắm vào phân khúc khách hàng từ 18-35 tuổi với mức giá trung bình 400.000 đồng/sản phẩm, MARC đạt mức tăng trưởng doanh thu năm 2018 là 45% so với năm 2017.
Nói về câu chuyện cạnh tranh, ông chủ MARC Lê Võ Phi Vũ cho rằng: "chung quy lại, dù là đối với đối thủ nội địa hay nước ngoài, điều quan trọng vẫn là làm sao cho khách hàng có lý do để chọn mua sản phẩm của thương hiệu mình. Vì đối thủ lớn nhất không ai khác chính là chính mình.”
Bức tranh thị trường thời trang tầm trung chỉ thực sự “màu hồng” khi mỗi thương hiệu Việt luôn nỗ lực sáng tạo để bắt kịp xu hướng và chiếm được lòng trung thành của khách hàng. “Khái niệm lòng trung thành bây giờ đã khác. Lúc trước, khách hàng đã mua sản phẩm của thương hiệu này thì sẽ không mua sản phẩm của thương hiệu đối thủ. Bây giờ, khách hàng khi cần mua sản phẩm, trong đầu họ liền xuất hiện một thương hiệu nào đó, đó đã là lòng trung thành”, Lê Cảnh Bích Hạnh nhận định.
Bích Trâm
Nguồn Forbes Vietnam