Lỗ lớn, vì sao các trang thương mại điện tử vẫn liên tục được "rót vốn"?
Chưa bao giờ thị trường thương mại điện tử (TMĐT) lại cho thấy sự khốc liệt của nó đến như vậy. Hàng loạt các ông lớn đưa ra số lỗ lũy kế lên đến cả nghìn tỷ.
Vậy tại sao lỗ từ năm này sang năm khác, nhưng các doanh nghiệp vẫn không ngừng đổ tiền vào đây? Để đi tìm lời giải cho câu hỏi này, phóng viên đã có buổi phỏng vấn với ông Trịnh Nguyên Tuấn Anh – Nhà sáng lập King Broker.
* Thưa ông, ông có thể cho biết đâu là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp TMĐT liên tục báo lỗ?
Đa phần các thương hiệu TMĐT lớn nhất tại Việt Nam như: Lazada, Shopee, Tiki, Sendo, Adayroi đều không có lãi, hoặc thậm chí là lỗ, theo tôi có một số nguyên nhân chính sau:
Thứ nhất, do lợi nhuận không cao. Để thu hút khách hàng, các trang TMĐT này đều đưa ra một mức khuyến mãi hấp dẫn, do vậy biên độ lợi nhuận nhìn chung chỉ từ 5 – 10%, thậm chí còn thấp hơn.
Thứ hai, cuộc đua TMĐT đang "đốt tiền" hơn công tử Bạc Liêu. Dù kết quả kinh doanh như thế nào thì các doanh nghiệp này đều phải chi những khoản rất khủng cho hệ thống vận hành, các loại chi phí quảng cáo truyền thông, tiếp thị bán hàng. Họ muốn tiết kiệm cũng không thể tiết kiệm được, bởi vì đối thủ đốt tiền thì họ cũng bắt buộc phải đốt tiền để giữ thị phần của mình.
Thứ ba, do khách hàng ít đi và miếng bánh thị phần bị chia nhỏ. Trước sự phát triển như vũ bão của Bán hàng Online, của Tiếp thị liên kết, người tiêu dùng có quá nhiều kênh để lựa chọn mua hàng, chúng ta thấy rằng xu hướng mua của các shop Online, người bán hàng cá nhân đang có xu hướng tăng lên, trong khi đó xu hướng mua hàng trên các trang TMĐT như Lazada, Adayroi, Tiki đang giảm đi.
Khách hàng ít đi, lợi nhuận thấp, tiêu tiền như đốt là thực trạng của những “ông lớn” trong lĩnh vực TMĐT bán lẻ. Đây thực sự là một cuộc thi đấu thể lực, một cuộc cạnh tranh tiềm ẩn rủi ro ngã ngựa là kịch bản dành cho những người không đủ tiềm lực tài chính.
* Khó khăn là như vậy, rủi ro là như vậy tại sao nhiều nhà đầu tư ngoại vẫn rót vốn vào TMĐT, thưa ông?
Theo tôi, vấn đề thứ nhất của các trang TMĐT như Tiki, Lazada không phải là bài toán kinh doanh thông thường, mà là bài toán về tài chính. Kết quả kinh doanh có thể không được tốt nhưng nếu bán được cổ phiếu, giá cổ phiếu tăng họ còn kiếm được nhiều tiền hơn.
Vấn đề thứ hai tài sản giá trị nhất của các trang này là hệ thống, đặc biệt là mạng lưới bán hàng và tập khách hàng. Chúng ta có thể thấy rằng hệ thống của Tiki hay Lazada có thể từ hàng triệu đến chục triệu user (đây chính là tài nguyên giá trị của họ), một số quỹ có thể họ đầu tư chiến lược để sử dụng hệ thống với những mục tiêu khác.
Ví dụ như Alibaba sử dụng Lazada để đưa hàng Trung Quốc dễ dàng tiếp cận với thị trường Việt Nam. Họ có những nguồn lợi nhuận khác để phân bổ để bù lỗ cho hoạt động của Lazada, dĩ nhiên họ chấp nhận lỗ quan trọng là chiến lược tổng thể của họ thành công. Hãy để ý đến mục đích thâu tóm hay đầu tư vào kênh TMĐT của các đại gia. Ví dụ như Vin Group họ phát triển Adayroi không hề quan tâm đến lợi nhuận từ việc bán hàng, mà mục tiêu của họ là hoàn thiện hệ sinh thái của mình, là kênh chiến lược kết hợp với Vin Mart+ để tiêu thụ các sản phẩm độc quyền của Vin, cũng như gia tăng giá trị cho Vin ID…
Khi hệ thống càng lớn thì bài toán tối ưu trở nên vô cùng khó khăn.
Vấn đề thứ ba là giá trị khác biệt của các sàn TMĐT lớn thể hiện rất rõ ràng để tạo xu hướng người dùng, khảo sát hành vi người dùng. Chúng ta có thể thấy rõ trong ví dụ cụ thể, chỉ với 2 giờ đầu sau mở bán đã có 10.000 máy Galaxy M10 được đặt mua. Những con số ấn tượng đã giúp Galaxy M10 phá vỡ mọi kỷ lục từ trước tới nay của Samsung trên Lazada cũng như toàn thị trường TMĐT.
* Vậy theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam nên đầu tư theo hướng nào để khai thác "miếng bánh" này tốt hơn?
Thực ra nếu xét về hiệu quả kinh doanh thực tế của việc bán hàng trên các trang TMĐT, thì câu chuyện “cá lớn” sợ “ cá bé” là có thật, bởi vì hiệu suất hiệu quả của những công ty nhỏ hay cá nhân cao hơn hệ thống cồng kềnh của các siêu trang TMĐT. Khi hệ thống càng lớn thì bài toán tối ưu trở nên vô cùng khó khăn.
Thực tế cho thấy rằng hiệu suất làm việc của nhân viên trong hệ thống của các sàn TMĐT bán lẻ, không tốt hơn những người bán hàng Online chuyên nghiệp. Sân chơi bán lẻ các sản phẩm dịch vụ thiết yếu, các sản phẩm giá trị thấp sẽ không là thế thượng phong của các sàn TMĐT nữa. Tuy nhiên phân khúc các sản phẩm giá trị cao, các sản phẩm độc quyền, các sản phẩm mới, các sản phẩm công nghệ sản phẩm có thương hiệu vẫn là miếng bánh chia nhau của các ông lớn.
Do vậy thì tôi cho rằng, thứ nhất, các doanh nghiệp mới vào thị trường nên tính toán cẩn trọng, nên tìm kiếm ra nhu cầu mới hoặc thị trường ngách để chiếm lĩnh, sẽ dễ sống hơn rất nhiều.
Thứ hai, các doanh nghiệp nên tinh gọn bộ máy và tối ưu quy trình theo sức lực và quy mô của mình, hãy giữ một bộ máy với quy mô hiệu quả nhất. Quy mô phù hợp là tốt nhất.
Thứ ba, doanh nghiệp nên ứng dụng các công nghệ và nền tảng thông minh như: AI, Plat From, CRM, ERP, Affiliate… để nâng cao hiệu suất kinh doanh.
Thứ tư, doanh nghiệp nên chọn mô hình kinh doanh thông minh để thích nghi và tồn tại với sự cạnh tranh khốc liệt của ngành này.
Và cuối cùng, các doanh nghiệp có thể tham khảo mô hình liên kết chuỗi giá trị, tức là các doanh nghiệp nhỏ hoạt động các khâu khác nhau trong bán hàng, liên kết liên mình với nhau tạo nên một chu trình khép kín, vừa gia tăng hiệu quả vừa tối ưu hóa lợi nhuận. Ví dụ như: Quảng cáo - Bán hàng - Bao bì đóng gói - Shiper - Thanh Toán…
* Xin cảm ơn ông!
Diễm Ngọc
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp