Con đường đưa Jollibee trở thành đối thủ đáng gờm của McDonald's
Jollibee – một thương hiệu thức ăn nhanh của Philippines gần đây đã trở nên nổi tiếng toàn cầu, thậm chí còn được coi là đối thủ đáng gờm của McDonald's.
Khởi nghiệp với một tham vọng “nhỏ bé”
Năm 1981, hai anh em Tony Tan Caktiong và Ernesto Tanmantiong mơ ước tạo ra một đế chế thức ăn nhanh tại đất nước Philippines của họ. Một giấc mơ khi đó được coi là “rất tham vọng”, cho đến khi ông lớn McDonald's xuất hiện.
Sự góp mặt của McDonald's tại Phillippines đe đọa đến doanh thu của công ty. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, nó lại là động lực giúp 2 nhà sáng lập Jollibee đưa thương hiệu ra ngoài thế giới.
Khởi điểm của Jollibee chỉ là một cửa hàng kem quy mô nhỏ tại thành phố Quezon, ra đời vào năm 1975. Sau đó, một hệ thống vài chục cửa hàng dần phát triển, nằm rải rác khắp đất nước. Nhưng so với McDonald's có hàng nghìn chi nhánh ở Mỹ và thế giới, đó không khác gì là trứng chọi đá. “Và rất nhiều người đã khuyên 2 anh em nên bỏ cuộc.” Tanmantiong tiết lộ với CNBC.
Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Jollibee, Tan Caktiong chia sẻ: “Khi chúng tôi biết McDonald's sắp thâm nhập thị trường trong nước, bạn bè nói với chúng tôi không nên trở thành đối thủ cạnh tranh - như các doanh nghiệp khác đã làm và không thử đối đầu với người khổng lồ toàn cầu này".
Nhưng Tan Caktiong từ chối. Thay vào đó, người sáng lập 28 tuổi đưa ra một kế hoạch chiến đấu.
Hiểu rõ đối thủ và bản thân – Điểm cốt lõi tạo thành công
Theo Tanmantiong, công việc lúc đó của Jollibee là lên một kế hoạch chiến lược trong nội bộ.
“Tan Caktiong phân tích SWOT về điểm mạnh, điểm yếu của chúng tôi và những lỗ hổng là gì, anh ấy tiếp tục, đề cập đến một kỹ thuật phân tích chung nhằm đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và mối đe dọa của đối thủ”.
Tanmantiong cho biết, trong khi McDonald's được hưởng lợi từ quy mô kinh tế và kinh nghiệm nhiều thập kỷ, họ đã xác định được một lĩnh vực chính mà người khổng lồ Mỹ không thể cạnh tranh: Hương vị. Người Philippines có xu hướng ưa thích hương vị ngọt ngào và cay hơn, ông nói, và thật khó để McDonald's có thể kết hợp với điều đó mà không làm ảnh hưởng hương vị Mỹ mang tính biểu tượng giúp họ trở nên nổi tiếng như ngày nay.
“Sau khi rút ra được điểm cốt lõi đó, chúng tôi khá tự tin. Và chúng tôi đã đem đến cho khách hàng món Chickenjoy (món gà giòn vui vẻ) thực sự (món gà rán cốt lõi của công ty)".
Một thực đơn độc đáo - gồm một món mì “Jolly Spaghetti” ngọt ngào, hotdog và bánh mì kẹp thịt cay – đã đem thương hiệu Jollibee Food vươn tầm quốc tế trong nhiều năm qua. Công ty hiện có hơn 3.500 cửa hàng tại Philippines và 1.000 cửa hàng trên toàn thế giới. Bên cạnh Jollibee, tập đoàn Jollibee Food còn quản lý các thương hiệu Smashburger, Burger King Philippines và Panda Express Philippines.
Tuy nhiên, thời điểm doanh nghiệp tiếp cận thị trường Mỹ - một trong những thị trường chiến lược bên cạnh Trung Quốc, một lần nữa Jollibee lại đối đầu với McDonald's. Lần này, McDonald's ở vị thế chủ nhà. Đầu năm 2019, chi nhánh đầu tiên của Jollibee được mở tại Mỹ, tiếp theo là 37 cửa hàng khác cho đến nay
Tầm nhìn xa – Mơ ước lớn
Tanmantiong cho biết, ban đầu công ty dự định lấy khách hàng trọng tâm là người Philippines sống ở nước ngoài. Tuy nhiên, thực tế triển khai kinh doanh, hương vị khác biệt của Jollibee đã thu hút nhiều thực khách của các quốc gia khác. Số liệu cho thấy, 50% số lượng khách hàng là người nước ngoài. Đây là một điều ngạc nhiên đối với ban lãnh đạo công ty.
Điều này cho họ động lực tiếp tục theo đuổi sứ mệnh biến Jollibee trở thành một trong 5 công ty nhà hàng hàng đầu thế giới về vốn hóa thị trường.
Từng ở vị trí nhà hàng lớn nhất châu Á 2014, giờ đây, Jollibee sẽ phải đối đầu với những ông lớn như Starbucks, Yum và Domino để có cơ hội góp mặt vào bảng xếp hạng toàn cầu. Tuy nhiên, như thường lệ, nhà điều hành của Jollibee coi đó là một thử thách để vượt qua. Tầm nhìn xa và mơ ước lớn chính là một phẩm chất của người lãnh đạo góp phần làm nên sự thành công vượt trội của Jollibee như ngày hôm nay.
Trang Trang / CNBC
Nguồn Người đồng hành