IBM phát triển AI chẩn đoán bệnh mãn tính

Các bệnh mãn tính như tiểu đường, Parkinson có thể được hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) phát hiện trong tương lai.

Theo South China Morning Post, hãng công nghệ Mỹ IBM đang hợp tác với nhiều đối tác để nghiên cứu các thiết bị được kết nối, bao gồm cảm biến gắn trên sàn, ghế hoặc giường của bệnh nhân, có thể phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.

Phó chủ tịch nghiên cứu và phát triển tại IBM Japan, ông Norishige Morimoto, cho hay: “Các bệnh mãn tính như sa sút trí tuệ không thể đảo ngược, vì vậy cách duy nhất để ngăn chặn là làm chậm sự phát triển của nó. Vì bệnh diễn tiến chậm, dấu hiệu của nó rất khó được kết nối trừ phi được theo dõi liên tục”.

Phát hiện chính xác sẽ cần sự giúp đỡ của AI được đào tạo trước để diễn giải dữ liệu thu thập được từ cảm biến. Dữ liệu có thể là sự run rẩy bất thường của chân, tay bệnh nhân, vốn là triệu chứng của một số bệnh. Một vài bệnh mãn tính đang được IBM nghiên cứu bao gồm tiểu đường, sa sút trí tuệ, Alzheimer và Parkinson.

IBM phát triển AI chẩn đoán bệnh mãn tính

Ảnh: Alamy.

IBM tăng cường tập trung vào dân số già của thế giới, đặc biệt là những người mắc bệnh mãn tính. Theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới, nhân khẩu học thay đổi nhanh hơn ở Đông Á, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, so với bất cứ vùng nào khác trên thế giới. Đông Á, vốn cũng bao gồm một phần của Đông Nam Á, có thể mất đến 15% dân số trong độ tuổi lao động vào năm 2040. Tại Trung Quốc, 1/4 dân số được dự báo là trên 60 tuổi vào năm 2030.

Số người sống chung với chứng sa sút trí tuệ dự kiến bùng nổ từ khoảng 50 triệu người hiện nay lên 152 tiriệu người năm 2050. Trong khi đó, tầm 8% cao niên trên 60 tuổi mắc Alzheimer và nhiều dạng bệnh sa sút trí tuệ khác, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Dù hầu hết công nghệ mà IBM dùng cho nghiên cứu các bệnh mãn tính vẫn đang trong giai đoạn phát triển, công ty Mỹ vẫn mượn một số ứng dụng thực tế trong lĩnh vực y tế. Đơn cử, một chiếc áo có dây kim loại được dệt vào vải được dùng để phát hiện chuyển động cơ bắp, còn sợi thông minh mà IBM và hãng Mitsufugi phát triển có khả năng phát hiện say nắng ở người lao động. Thiết bị đang được điều chỉnh để giúp phát hiện triệu chứng nhiều bệnh khác.

IBM cũng theo đuổi nhiều sáng kiến y tế với bộ dịch vụ, ứng dụng và công cụ AI của Watson. Để giải phóng tiềm năng của AI và giúp nó được sử dụng rộng rãi hơn, công nghệ này nên chuyển từ giai đoạn “AI hẹp” hiện thời sang “AI rộng”, ông Morimoto nhận định. “AI rộng” cung cấp khả năng hiểu, học và giải quyết nhiệm vụ trong các lĩnh vực khác nhau, tương tự những gì con người làm được.

Thu Thảo
Nguồn Thanh Niên