Thị trường bán lẻ có doanh số 85 tỉ USD sau 5 tháng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sau 5 tháng tăng 11,6%.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê hôm 29.5 cho thấy, tính chung 5 tháng đầu năm nay, doanh thu hoạt động bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 1,98 triệu tỉ đồng (tương ứng gần 85 tỉ USD)...
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm ước tính đạt 1,51 triệu tỉ đồng, tăng khá với mức 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh số từ nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 13,3%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 12,8%; may mặc tăng 11,4%; phương tiện đi lại tăng 11,2%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 10,6%.
Bên cạnh đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 5 tháng đầu năm ước tính đạt 236.000 tỉ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch lữ hành 5 tháng ước tính đạt 18.400 tỉ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước và còn lại là doanh thu của các dịch vụ khác…
Tổng cục Thống kê nhận định: Hoạt động thương mại dịch vụ 5 tháng đầu năm nay tăng khá, lượng cung hàng hóa trên thị trường dồi dào, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Cùng với những kỳ nghỉ lễ, hoạt động vui chơi, giải trí, ăn uống ngoài gia đình làm cho tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khá so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường bán lẻ của Việt Nam được các tổ chức nghiên cứu thị trường trong ngoài nước nhận định đầy tiềm năng do cơ cấu dân số trẻ và thu nhập ngày càng tăng. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam tăng nhanh trong những năm gần đây, từ mức 88 tỉ USD năm 2010 thì đến 2017 đã đạt mức 130 tỉ USD và dự báo sẽ chạm ngưỡng 180 tỉ USD vào năm 2020.
An Yến
Nguồn Thanh Niên