Gần 98% các bà mẹ Việt thường xuyên căng thẳng khi cân bằng công việc và gia đình

Mang sự khó khăn trong công việc về nhà là không tốt, và cũng không nên mang chuyện gia đình đến nơi làm việc. Nhưng không phải người phụ nữ nào cũng có thể nhận biết và kiểm soát căng thẳng để có thể sắp xếp cuộc sống cân bằng như trên.

Dân gian Việt Nam có câu nói: "Con hư tại mẹ", được bắt nguồn từ xa xưa, với mô hình gia đình người chồng lo kinh tế, người mẹ ở nhà chăm con. Hiện nay, câu nói này đã không còn chính xác. Với hơn 48% phụ nữ tham gia lực lượng lao động, mô hình gia đình hiện đại trở thành cả vợ và chồng đều tham gia xây dựng kinh tế. Tuy vậy, người mẹ đi làm tại Việt Nam vẫn cần đối diện với hai nan đề lớn nhất: thời gian và kiểm soát căng thẳng.

Theo Khảo sát Người mẹ đi làm tại Việt Nam của Adecco Việt Nam, 75% người mẹ dành hơn 40 tiếng mỗi tuần làm việc tại công ty. Với 8 tiếng làm việc tại công ty mỗi ngày, 33% bà mẹ vẫn dành ít nhất 2 giờ/ngày cho những công việc không tên (việc nhà, chăm sóc người thân,…).

Trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng linh hoạt trong giờ giấc công việc. Cách chấm công bằng quét vân tay khá phổ biến tại nhiều văn phòng trên cả nước, với điểm cộng: công bằng, minh bạch và hiệu quả. Mặc dù vậy, đánh giá người lao động làm việc tốt hay không khó có thể chỉ dựa trên thời gian đi làm của họ.

Theo ông Andree Mangels, Tổng giám đốc Adecco Malaysia & Việt Nam: "Năng suất làm việc của người lao động nên được đặt lên làm đầu khi đánh giá nhân viên. Chỉ khi công việc được hoàn thành tốt và đúng thời gian, công ty mới có thể vận hành hiệu quả. Trong quá trình tuyển dụng, lao động nữ vẫn gặp khá nhiều rào cản. Nỗi lo nghỉ thai sản khiến doanh nghiệp hỏi về tình trạng hôn nhân và gia đình của ứng viên nữ, thay vì tập trung vào kinh nghiệm và mong muốn phát triển nghề nghiệp. Chúng ta cũng cần chú ý rằng, dạng câu hỏi này hiếm khi được đưa ra trong cuộc phỏng vấn với lao động nam."

Gần 98% các bà mẹ Việt thường xuyên căng thẳng khi cân bằng công việc và gia đình

Một nan đề khác của người mẹ đi làm chính là thời gian. Phúc lợi phổ biến của các công ty dành cho con nhân viên như quà tặng/khen thưởng (61,3%), chăm sóc sức khoẻ (25,9%) và du lịch/sự kiện gia đình (24,4%) chưa thực sự hỗ trợ người lao động trong khía cạnh này, đặc biệt là người mẹ đi làm. Mong muốn được hỗ trợ về nhà trẻ/giáo dục (35,25%) và phòng cho con bú (21,6%) chứng tỏ nhu cầu thực tế của người lao động, điều mà các doanh nghiệp nên chú ý và cân nhắc trong kế hoạch gìn giữ và phát triển nhân tài.

Không chỉ thời gian, kỹ năng nhận biết và kiểm soát căng thẳng cũng là một đề bài khó với người mẹ đi làm, với 97,95% bà mẹ tham gia khảo sát cho biết thường xuyên căng thẳng khi cân bằng giữa công việc và gia đình.

"Mình rất yêu gia đình và hai con gái, nhưng cũng rất hạnh phúc và tự tin khi đi làm việc. Làm tốt vai trò ở công ty và ở nhà đòi hỏi sự kiểm soát và am hiểu bản thân rất lớn. Mang sự khó khăn trong công việc về nhà là không tốt, và cũng không nên mang chuyện gia đình đến nơi làm việc. Để làm được việc đó, bản thân người mẹ đi làm cần hiểu rõ giới hạn của bản thân, cùng với sự quan trọng của khả năng nhận biết và kiểm soát căng thẳng", chị Lê Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc, Trụ sở chính, Adecco Việt Nam chia sẻ.

Mặt khác, sự ủng hộ của người bạn đời cũng là một yếu tố quan trọng đối với người mẹ đi làm. 93,75% đàn ông tham gia Khảo sát của Adecco cho biết họ ủng hộ vợ đi làm, kể cả khi không phụ thuộc vào tài chính. Chi tiết hơn, khi được hỏi họ có sẵn sàng cùng làm việc nhà với vợ, 68,75% chia sẻ rất sẵn sàng, và 31,25% còn lại cho biết sẽ thuê người giúp việc để phụ vợ.

Gần 98% các bà mẹ Việt thường xuyên căng thẳng khi cân bằng công việc và gia đình

Tỉ lệ người mẹ đi làm tại Việt Nam sẽ ngày một gia tăng, với sự phát triển kinh tế và nỗ lực bình đẳng giới của Việt Nam. Tuy vậy, cần có sự thấu hiểu và hành động thiết thực để có thể giảm bớt nững rào cản trong cuộc sống hằng ngày của người mẹ đi làm, không chỉ vật chất, mà quan trọng hơn, về tinh thần.

Siêu Nhân
Nguồn Trí thức trẻ