Tương lai của ngân hàng số
Diện mạo tương lai của ngân hàng được định hình từ hôm nay bằng những quyết định đầu tư vào công nghệ.
Công nghệ số đang bắt đầu tạo ra những thay đổi trong ngành ngân hàng trên toàn thế giới. Viễn cảnh mà các tổ chức tài chính hiện nay vẽ ra cho người dùng là chẳng cần đến chi nhánh ngân hàng, giao dịch ở khắp mọi nơi dưới mọi hình thức, từ quét điện thoại thay vì quẹt thẻ, rồi nhẫn hay đồng hồ có chức năng thanh toán.
Số hóa 3 giai đoạn
Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng với lĩnh vực thanh toán di động, khi tỉ lệ người tiêu dùng tại Việt Nam sử dụng thanh toán di động từ mức 37% năm 2018 đã tăng lên 61% vào năm 2019, theo một báo cáo của PwC.
Có thể nhận thấy một thực trạng chung là các ngân hàng Việt Nam đang tăng cường đầu tư vào công nghệ để tham gia vào quá trình số hóa ngân hàng. Mặc dù nhìn có vẻ đơn giản, nhưng khái niệm số hóa ngân hàng ở đây ý chỉ rằng số hóa không chỉ các dịch vụ bên ngoài hay cách tương tác trực tiếp với khách hàng, mà còn là mô hình quản trị, quy trình xử lý nội bộ. Theo ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, có thể chia quá trình số hóa thành 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là số hóa các quy trình nội bộ, tiếp theo là kênh giao tiếp với khách hàng và cuối cùng là ở cấp độ cao nhất là phát triển về nền tảng dữ liệu, bao gồm xây dựng kho dữ liệu lớn thu thập tự động từ nhiều nguồn, để phân tích hành vi khách hàng, xây dựng sản phẩm và ra quyết định.
Hiện nay, các ngân hàng Việt Nam thực hiện chuyển đổi số này thông qua 2 cách tiếp cận chính là tự đổi mới, xây dựng công nghệ của ngân hàng số hoặc/và tăng cường hợp tác với fintech để nhanh chóng tận dụng thế mạnh của đôi bên. “Một số ngân hàng Việt Nam đã bắt đầu quá trình chuyển đổi số hướng tới một ngân hàng số đích thực. Hiện nay, phần lớn các ngân hàng Việt Nam đã triển khai ngân hàng số ở cấp độ chuyển đổi về quy trình và kênh giao tiếp. Trong khi đó, việc chuyển đổi về nền tảng dữ liệu mới được triển khai tại một số ngân hàng tiên phong”, ông Dũng nhận định.
Tại Việt Nam, giai đoạn thứ 2 này ghi dấu ấn rõ nét hơn cả, bởi các ngân hàng bắt đầu quảng bá các kênh giao tiếp mới của mình. Điểm danh có thể thấy TPBank với dịch vụ ngân hàng tự động LiveBank, Vietcombank với không gian giao dịch công nghệ số Digital Lab và dự án chuyển đổi số quy mô lớn với tư vấn PwC, VietinBank xây dựng Corebank thế hệ mới với hiệu suất cao, VPBank triển khai ứng dụng ngân hàng số TIMO và YOLO, trong khi MB giới thiệu trợ lý ảo ChatBot. Gần đây còn có OCB giới thiệu nền tảng hợp kênh (Omni - channel).
Là đối tác của 20 ngân hàng hiện nay, ông Phạm Thành Đức, Tổng Giám đốc Công ty M_Service, sở hữu Ví điện tử MoMo, đánh giá rằng các ngân hàng Việt rất năng động với công nghệ, thậm chí thành lập cả team công nghệ dưới sự điều hành trực tiếp của CEO hay Hội đồng Quản trị, chẳng hạn như ACB. “Đến thời điểm này, các ngân hàng Việt rất tích cực và đầy hiểu biết với quá trình chuyển đổi số”, ông Đức nhận định.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc Ban Ngân hàng Điện tử Vietcombank, cho rằng ngân hàng hiện nay tiếp cận khá nhanh chóng với các công nghệ mới trên thế giới. Trong những năm qua, ngành ngân hàng đã thay đổi đáng kể về kênh phân phối, từ quầy giao dịch truyền thống, cho đến SMS, Internet Banking, Mobile Banking rồi bắt tay hợp tác với các fintech. Lấy ví dụ của Vietcombank, bà Hằng cho biết đã có sự thay đổi đáng kể trong tư duy hoạt động của ngân hàng, thay ngân hàng đề xuất sản phẩm chung, có sẵn cho khách hàng, ngày nay ngân hàng đã chia thành từng phân khúc riêng biệt, tạo ra sản phẩm tùy theo nhu cầu cá nhân và từng giai đoạn cuộc đời. “Đây cũng chính là điểm khác biệt giữa mô hình ngân hàng hiện đại và truyền thống. Đó là sự tương tác 2 chiều, cá nhân hóa các trải nghiệm của người dùng”, ông Nguyễn Hưng Nguyên, Phó Tổng Giám đốc Napas, định nghĩa về ngân hàng số.
Trong giai đoạn các ngân hàng tăng cường quảng bá cho kênh số hóa, thì các fintech như MoMo cũng nhanh chóng nổi lên. “Các fintech thú vị hơn, phù hợp với giới trẻ hơn. Nếu các ngân hàng không bắt kịp xu hướng thì họ sẽ ở đâu trong giai đoạn tiếp theo?”, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc Khối Dịch vụ Tài chính, Ernst & Young Việt Nam, đặt câu hỏi.
Trên thế giới, có nhiều ví dụ tiêu biểu về ngân hàng số, mà số hóa toàn bộ đang là một xu hướng mới. Chẳng hạn, Ngân hàng DBS của Singapore hiện khá năng động, được biết đến với khái niệm “Không giấy tờ, không chữ ký, không chi nhánh”. Tương tự với Kakao Bank của Hàn Quốc. Trong khi đó, Ngân hàng UOB (Singapore) thì lại thực hiện số hóa ngân hàng hiện tại, tích hợp kênh truyền thống với kênh số, xây dựng hệ sinh thái cho phép khách hàng giao dịch nhiều dịch vụ khác nhau trên ứng dụng.
Những ngân hàng thế hệ mới này được định danh là “Neobank”, sử dụng công nghệ để cung cấp dịch vụ ngân hàng bán lẻ thông qua ứng dụng trên smartphone và nền tảng dựa trên internet. Loại nền tảng mới này sở hữu lợi thế không phải duy trì mạng lưới, cho phép cung cấp dịch vụ tài chính với chi phí thấp hơn so với ngân hàng truyền thống.
Trong khi đó, các ngân hàng trên thế giới vẫn tiếp tục mạnh tay đầu tư vào công nghệ ở nhiều quốc gia phát triển. Theo tờ The Economist, 4 ngân hàng lớn nhất của Mỹ đang chi tổng cộng hơn 25 tỉ USD mỗi năm để hoàn thiện các ứng dụng khách hàng và học cách khai thác dữ liệu thông minh hơn. Năm ngoái, các quỹ đầu tư mạo hiểm rót 37 tỉ USD vào các công ty tài chính mới nổi.
Theo ông Reet Chaudhuri, chuyên gia cao cấp mảng Thanh toán và Giao dịch, Công ty Tư vấn Quốc tế McKinsey, ở góc độ chiến lược, ngân hàng số là một mô hình kinh doanh bổ trợ cho ngân hàng truyền thống, nếu muốn mở rộng cơ sở khách hàng.
Số hóa có thể nói mang lợi ích đáng kể cho các ngân hàng. Một thống kê chia sẻ của một ngân hàng Việt cho thấy chi phí bình quân lấy thêm 1 khách hàng đã giảm từ khoảng 60-70 USD về còn 8-10 USD sau khi ngân hàng áp dụng công nghệ mới. Có nhiều yếu tố khiến chi phí giảm đi, như việc giảm chi phí hoạt động và tốc độ giao dịch được cải thiện. Với những lợi thế lớn về chi phí, vấn đề ngày nay không phải là có nên số hóa hay không, mà câu hỏi đặt ra ở đây phải là số hóa như thế nào cho đúng ở mỗi ngân hàng.
Định hình tương lai
Thị trường sản phẩm và các giao dịch ngân hàng số ở Việt Nam vẫn còn rất rộng lớn. Theo bà Hằng, Vietcombank, mặc dù có 94% ngân hàng quyết đi theo con đường số hóa nhưng hiện nay mới chỉ có khoảng 20% khách hàng trải nghiệm các dịch vụ số. Phần đông trong số này có lẽ tập trung ở đô thị, nếu nhìn vào tỉ lệ thâm nhập đến 50% tại Hà Nội và TP.HCM mà McKinsey đưa ra. Thêm nữa là một bộ phận khách hàng Việt chưa được phục vụ.
Hiện nay, có vấn đề trùng lặp khách hàng giữa ngân hàng và fintech, ông Nguyên, Napas nêu ra, với khoảng hơn 30 triệu khách hàng là có giao dịch thường xuyên. “Tất cả đều phục vụ số khách hàng này, trong khi phân khúc phía dưới thì chưa có ai phục vụ”, đại diện Napas chia sẻ. Ông Reet, McKinsey, dưới quan điểm cá nhân thậm chí còn khuyên các ngân hàng nên ra ngoại ô, hoặc đổ về tỉnh lẻ, tất nhiên điều này cũng sẽ mang lại những rủi ro nhất định.
Giống như các công ty tài chính định hướng phục vụ các đối tượng ở phân khúc khó tiếp cận ngân hàng, ngân hàng số trong thời gian tới sẽ tiếp tục hướng đến những khách hàng chưa bao giờ tiếp cận dịch vụ của một neobank. Điều này đồng nghĩa với việc ngân sách dành cho hoạt động marketing, quảng bá dịch vụ sẽ phải tăng lên tương ứng. “Các ngân hàng sẽ muốn trở thành công ty công nghệ với giấy phép ngân hàng, đáp ứng không chỉ nhu cầu dịch vụ tài chính mà còn nhiều dịch vụ khác trong cuộc sống của người tiêu dùng”, ông Dũng dự báo về tương lai ngành ngân hàng.
Nhưng trong tương lai ngân hàng số sẽ đi sâu hơn vào các dịch vụ, sản phẩm có giá trị nhỏ. “Khó có đối tượng nào lấn sân những khoản vay có giá trị lớn, nhưng với thanh toán bán lẻ dành cho cá nhân hay SME, thì sẽ thay đổi rất nhiều khi các fintech phát triển, chưa tính đến các ứng dụng khoa học công nghệ như blockchain hay điện toán đám mây, có thể kết nối cá nhân với nhau mà không cần thông qua một trung gian nào (ngân hàng là một trung gian tài chính). Điều này sẽ làm thay đổi hẳn bức tranh ngân hàng trong vòng 10 năm tới”, ông Nguyên nhận định.
Trong khi đó, theo ông Đức, MoMo, trong khoảng 3 -5 năm nữa, các ngân hàng sẽ dễ dàng mua được những công nghệ mới tiên tiến nhất trên thị trường chỉ với vài triệu USD. Vì vậy, khả năng fintech vượt trội ngân hàng là điều rất khó xảy ra.
Một yếu tố không kém phần quan trọng khác là trong tương lai, các ngân hàng sẽ phải đối mặt trực tiếp với các công ty công nghệ. Khái niệm “siêu ứng dụng” bắt đầu xuất hiện với sức mạnh về dữ liệu trong hệ sinh thái. Đó là các tên tuổi xuyên biên giới với hàng triệu người dùng, như Apple hay Amazon, mạng xã hội như Facebook hay các ứng dụng chia sẻ như Grab, cũng sẽ muốn cung cấp dịch vụ tài chính. Apple hồi cuối tháng 3 dự kiến phát hành thẻ tín dụng cùng Goldman Sachs, trong khi Facebook đang đề xuất dịch vụ cho phép người dùng mua vé và thanh toán hóa đơn. Nổi bật trong số này là những tên tuổi như Alibaba xuất thân từ thương mại điện tử, hay Tencent từ công nghệ tại Trung Quốc.
Tại Việt Nam, thách thức của ngân hàng số hiện còn nằm ở vấn đề pháp lý. Tất nhiên, các sản phẩm sau này dưới sự hỗ trợ công nghệ đã đi trước quá xa so với các chính sách quản lý, điều này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn trên khắp thế giới. Điển hình như trường hợp của Uber hay Airbnb, trong lĩnh vực tài chính thậm chí còn nhạy cảm hơn rất nhiều. “Cái khó giải quyết để có được ngân hàng số là phải tìm được điểm cân bằng giữa sự tuân thủ mà vẫn đưa ra được các sản phẩm sáng tạo”, ông Dũng nhận định.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết trong thời gian tới, dự kiến sẽ có cơ chế thử nghiệm riêng một vài mô hình và sản phẩm sáng tạo mới, tuy vẫn chưa rõ hạn định và chi tiết cụ thể. Trong dài hạn, như bài học các nước khác, đó là việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có dữ liệu cá nhân, sinh trắc học, xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa các ngành viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, để tạo sự đột phá cho các dịch vụ số hóa.
Mặc dù số hóa mang lại lợi ích lớn cho ngân hàng và người dân, nhưng đôi khi cũng gây tác động tiêu cực đến thị trường, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Bài học về mất khả năng trả nợ khi dùng thẻ tín dụng quá mức, hay hệ thống ngân hàng quốc tế gặp rắc rối vì những khoản nợ dưới chuẩn, hay gần đây nhất là cuộc khủng hoảng của những fintech cho vay ngang hàng tại Trung Quốc.
Dữ liệu dự kiến sẽ là cuộc chiến mới của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, việc xây dựng và sử dụng dữ liệu cũng còn nhiều thách thức và rủi ro được đặt ra. Bản thân nhiều quốc gia trên thế giới đang bắt đầu siết chặt việc kiểm soát dữ liệu mà các tập đoàn thu thập được, bảo vệ quyền riêng tư của các cá nhân. Số hóa cũng đi kèm với những rủi ro tấn công mạng và lấy cắp dữ liệu. Riêng tại Việt Nam, có đến 8.319 vụ tấn công mạng trong năm ngoái, hiện có khoảng 560.000 số lượng máy tính bị ảnh hưởng bởi phần mềm độc hại có thể đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng, trong khi virus máy tính gây thiệt hại 642 triệu USD.
Khảo sát của EY cũng cho thấy chỉ có 52% khách hàng ngân hàng Việt Nam quan tâm đến bảo mật trong khi sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Một thống kê khác lại cho thấy có đến 55% tổ chức khảo sát không hề có chiến lược bảo mật và an ninh mạng. “Nếu không đầu tư đảm bảo an ninh mạng thì bản thân doanh nghiệp sẽ là người chịu ảnh hưởng đầu tiên. Họ phải tự biết bảo vệ mình như thế nào”, bà Dương nhận định.
Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, đầu năm 2000 đã từng xuất hiện sự kỳ vọng về ngân hàng số, bùng nổ cùng bong bóng dotcom nhưng rồi cuối cùng đã vỡ tan. Liệu sự bùng nổ về công nghệ hiện nay có đủ sức đảm bảo rằng quá khứ sẽ không lặp lại?
Việt Dũng
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư